Những kiểu “làm khó” của cán bộ thuế đối với doanh nghiệp

Thứ Bảy, 02/08/2014, 18:20
Phần lớn doanh nghiệp (DN) mức độ hiểu biết về lĩnh vực thuế còn hạn chế. Vì vậy khi bị cơ quan thuế “sờ” đến, dù không sai phạm hay sai phạm rất nhẹ DN cũng nghĩ mình bị sai phạm nghiêm trọng. Hơn nữa, do sợ không “chiều” theo ý của cán bộ thuế thì DN sẽ bị làm khó sau này… Những điều đó đã tạo điều kiện cho cán bộ thuế vòi vĩnh, làm tiền DN.

Ngày 30/7 vừa qua, TAND TP.Hồ Chí Minh mở phiên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Huỳnh Trung Hiếu (ngụ quận Tân Phú - nguyên Đội phó Đội kiểm tra số 8, Chi cục thuế quận 1) 8 năm tù về tội "Nhận hối lộ".

Trước đó, ngày 8/1, Chi cục thuế quận 1 có quyết định về việc "kiểm tra hoá đơn tại trụ sở người nộp thuế" tại TNHH MTV TMDV Khách sạn Ngôi Sao Giải trí (công ty Ngôi Sao Giải Trí) từ tháng 1/2013 đến tháng 12/2013. Hiếu được phân công làm Trưởng đoàn kiểm tra.

Kết thúc kiểm tra, Đoàn lập biên bản xác nhận công ty có những sai phạm: “Lập hóa đơn không ghi đầy đủ nội dung theo quy định; Công ty hủy không đúng quy định các hóa đơn GTGT”. Theo quy định, hành vi này có mức phạt 3,6 triệu đồng, nhưng do thấy DN chưa am hiểu về thuế nên Hiếu “hù dọa” đòi DN “chung chi” 50 triệu đồng sẽ bỏ qua sai phạm. Sau khi “ngã giá”, Hiếu đồng ý “chốt” 30 triệu đồng.

Cán bộ thuế “vòi” tiền DN: Huỳnh Trung Hiếu, Trần Quốc Long.

Lúc 16h ngày 17/1, khi Hiếu đang nhận 30 triệu đồng từ người đại diện của công ty Ngôi Sao Giải Trí thì bị cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh (PC 46) bắt quả tang; Cũng với hành vi nhũng nhiễu, vòi tiền DN, Trần Văn Báu (ngụ quận 10) nguyên Đội trưởng đội Kiểm tra thuế số 8 – chi cục Thuế quận 1) cũng đã bị cơ quan CSĐT bắt quả tang khi đang nhận 10 triệu đồng của đại diện công ty TNHH Cuộc Sống Của Tôi.

Cùng bị bắt trong vụ này còn có 2 nguyên viên chức Chi cục Thuế quận 1 vì nhận 6 triệu đồng của công ty và còn “gợi ý” DN đưa thêm 10 triệu đồng để cho “sếp” duyệt hồ sơ nhanh. Tính đến lúc bị bắt, Báu đã “vòi” và nhận của DN này 30 triệu đồng.

Cơ quan CSĐT (PC46) cũng cho biết, đã từng nhận được đơn của bà V.T.H, chủ DNTN khách sạn M.H (quận Tân Bình) tố cáo hành vi nhũng nhiễu của cán bộ thuế tên L. Đầu năm 2012, L điện thoại mời DN đến Chi cục thuế làm việc yêu cầu nộp hồ sơ, sổ sách theo dõi doanh số đầu vào, đầu ra của DN trong 3 năm 2009, 2010, 2011 để kiểm tra quyết toán thuế. Kế toán DN trình bày với L là hồ sơ sổ sách của DN thiết lập trên máy tính bị virus mất, không thể cung cấp đầy đủ hồ sơ và kịp thời gian. Phát hiện ra “chỗ hở” của DN, L yêu cầu DN đưa 80 triệu đồng, L sẽ “lo” vụ này và L sẽ nộp thay tiền thuế cho DN. Do số tiền khá lớn, trong khi DN hoạt động còn gặp nhiều khó khăn, kế toán DN đã nhiều lần năn nỉ và cuối cùng L chấp nhận giảm còn 60 triệu đồng. Khi L nhận được 47 triệu đồng của DN thì hành vi của L đã bị cơ quan chức năng phát hiện; Cũng bức xúc về việc kiểm tra thuế, Công ty TNHH T.A đã có đơn khởi kiện đến Tòa hành chính – Tòa án NDTP Hồ Chí Minh yêu cầu hủy quyết định về việc ấn định doanh thu chịu thuế đối với DN.

Theo đại diện công ty T.A, ngày 2/11/2012, Đoàn kiểm tra thuế có quyết định kiểm tra thuế tại Công ty TNHH T.A. Theo đó, Đoàn sẽ kiểm tra trong 3 ngày (kết thúc ngày 5/11/2012). Đến ngày 21/11 (tức 16 ngày sau khi kết thúc kiểm tra), Đoàn mới có biên bản những nội dung đã kiểm tra DN và ngày 22/11 ra biên bản công bố kiểm tra. Sau đó 6 ngày (tức ngày 28/11) cơ quan thuế ra quyết định 3622 về việc ấn định mức doanh thu chịu thuế của DN là 1,1 tỷ đồng/tháng.

Đại diện DN cho rằng: Việc lập biên bản kiểm tra của Cơ quan thuế đã vi phạm về trình tự và thủ tục kiểm tra được quy định tại điều 78 Luật quản lý thuế 2006; Thời hạn chấm dứt kiểm tra là ngày 5/11/2012, do đó, trong thời hạn 5 ngày làm việc sau khi hết thời hạn kiểm tra (tức chậm nhất là hết ngày 10/11/2012) thì cơ quan  thuế phải lập biên bản kiểm tra thuế nhưng mãi đến ngày 21/11 mới lập biên bản; Việc cơ quan thuế ban hành quyết định 3622 ngày 28/12/2012 về việc ấn định doanh thu chịu thuế đối với DN là không có cơ sở pháp lý và trái quy định (chậm hơn 40 ngày so quy định tại điều 78 Luật quản lý thuế 2006); Ngoài ra, biên bản kiểm tra không có chữ ký người đại diện hợp pháp công ty hoặc đại diện cơ quan chức năng ở địa phương; Biên bản kiểm tra thuế chưa được công bố công khai trước đoàn kiểm tra và người nộp thuế được kiểm tra…

Nhiều DN cho rằng, đa số DN hiểu biết về lĩnh vực thuế còn hạn chế, nên khi bị cơ quan thuế “sờ” đến, dù sai phạm rất nhẹ DN cũng cứ nghĩ mình sai phạm nghiêm trọng nên đã vội “làm hòa” với cán bộ thuế. Mặc khác, có nhiều trường hợp DN tuân thủ đúng pháp luật về thuế nhưng khi bị cán bộ thuế “hù dọa” cũng tưởng mình sai nên đã tìm cách “chạy chọt”, tạo điều kiện cho cán bộ thuế nhũng nhiễu.

Như trường hợp DNTN Khách sạn C.D (quận Tân Bình), mặc dù DN đã nộp quyết toán thuế đầy đủ tại Chi cục thuế, nhưng khi nghe Trần Quốc Long (Nguyên cán bộ thuế Chi cục thuế quận Tân Bình) yêu cầu DN cung cấp sổ sách theo dõi doanh số hoạt động và tờ khai quyết toán thuế năm 2010, 2011 để kiểm tra và hăm dọa “DN sẽ bị kiểm tra và bị truy thu thuế từ 20 - 100 triệu đồng”. Hoảng quá, DN đã đồng ý “chi” cho Long 10 triệu đồng để Long hướng dẫn kế toán làm lại hồ sơ quyết toán thuế. Lần khác, Long yêu cầu Giám đốc công ty này phải kê khai điều chỉnh thuế bổ sung theo hướng tăng số tiền nộp thuế. Trong khi công ty đã kê khai nộp thuế hàng tháng đầy đủ. Tuy nhiên, trước “sức ép” của Long, DN đồng ý giao cho Long 10 triệu đồng. Khi cán bộ thuế này mang hồ sơ đến DN và nhận tiền thì bị cơ quan CSĐT bắt quả tang.

Thực tế cho thấy, hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của một số cán bộ thuế xảy ra khá nhiều ở các địa phương. Được biết, Tổng cục Thuế hiện đang khẩn trương hoàn tất hệ thống, quy trình để công khai hộ kinh doanh nộp thuế khoán trên cổng thông tin của ngành thuế theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

Theo ý kiến của nhiều DN, việc công khai thông tin hộ kinh doanh nộp thuế khoán trên cổng thông tin điện tử của ngành thuế là biện pháp tối ưu để người nộp thuế và cơ quan thuế giám sát lẫn nhau, cơ quan thuế sẽ giảm thiểu được tình trạng tiêu cực

Thúy Hà
.
.
.