Những container vô chủ “ăn vạ” kho cảng

Chủ Nhật, 24/11/2013, 11:39
Hàng nghìn container tồn đọng tại các cảng biển trên cả nước không có người nhận đang là vấn đề nan giải, làm khó cho cả doanh nghiệp khai thác kinh doanh cảng sông biển lẫn các chủ tàu. Kho bãi tại cảng chỉ phục vụ cho việc bốc xếp hàng hóa của tàu. Nếu hàng ngàn container tồn đọng lâu ngày tại cảng chưa được thanh lý, xử lý sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều tới công việc kinh doanh. Lời than phiền này đang trở thành tiếng nói chung của BGĐ các cảng trong cả nước vì nạn container vô chủ nằm chình ình tại cảng ngày càng nhiều.

Ông Trần Khánh Hoàng - Phó Tổng giám đốc Tân cảng Sài Gòn cho biết, tại Tân cảng Cát Lái (cảng container lớn nhất cả nước) thường xuyên có trên 400 container tồn bãi với thời gian trên 90 ngày. Công tác xử lý hàng tồn tại cảng có số lượng rất lớn, phức tạp và gặp nhiều phát sinh như: Hàng xuất tồn tại bãi, khách hàng không làm thủ tục xuất cũng không làm thủ tục lấy hàng ra khỏi cảng.

Trong lúc này thì các chủ hãng tàu như Mitsui OSK lines, NYK, Yanming Vietnam, OOCL Vietnam cũng đang “kêu trời” vì những container như những đứa con bị bỏ rơi tại cảng. Việc xử lý các lô hàng tồn đọng lâu ngày do người gửi hàng và người nhận hàng vì một số lý do riêng biệt gì đó đã khước từ quyền sở hữu của mình gây thiệt hại không chỉ cho các hãng tàu vận tải biển mà cả các cảng kinh doanh, khai thác dịch vụ container. Nhiều lô hàng tồn đọng nằm tại các cảng nhiều năm qua vẫn chưa được thanh lý theo Thông tư 179 của Bộ Tài chính và Nghị định số 55 của Chính phủ.

Container vô chủ nằm tại cảng Cát Lái, quận 2, TP Hồ Chí Minh.

Vướng ở chỗ, trong dự thảo nêu rõ các chi phí dịch vụ kho, bãi, kho ngoại quan chỉ được thanh toán từ tiền bán đấu giá kể từ ngày Cục trưởng Hải quan ra quyết định xác lập quyền sở hữu Nhà nước. Cũng theo Dự thảo này, thời gian bắt buộc tối thiểu để có thể thanh lý được một lô hàng tồn đọng mất ít nhất 300 ngày.

Dự thảo không cho phép doanh nghiệp cảng được thanh toán chi phí lưu kho bãi trong thời gian bắt buộc thực hiện các thủ tục để thanh lý (khoảng 1 năm) sẽ khiến các doanh nghiệp cảng biển lâm vào thế khó. Muốn giải phóng nhanh số lượng hàng ngàn container tồn đọng vô chủ tại các cảng, cần qui định rõ kinh phí thực hiện việc thống kê, phân loại và giám định giá trị hàng hóa, thời gian tối đa cho việc thanh lý hàng tồn đọng (tiêu hủy, bán đấu giá…).

Thử điểm mặt các loại hàng hóa “bỏ rơi” tại các hệ thống kho bãi cảng, kho ngoại quan, chuyển phát nhanh… Thường là các loại hàng nhập về do hoạt động kinh doanh bị ế ẩm, hàng hóa không còn nhiều giá trị. Tổng cục Hải quan thống kê đến giữa tháng 8/2013, lượng hàng hóa tồn đọng tại cửa khẩu cảng biển quá 90 ngày kể từ ngày hàng đến cửa khẩu là hơn 4.000 container. Trong đó, hàng đông lạnh tồn 38 container, hàng thuộc danh mục cấm NK là 270 container, phế liệu tồn 28 container…

Mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép (Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, tại kho cảng có hàng chục ôtô tiền tỉ được các Việt kiều nhập về đang nằm gần một năm qua, trong đó nhiều xe không có chủ hàng đến nhận hoặc đến nhận nhưng giấy tờ không hợp lệ. Trong số này có những hiệu xe rất đắt tiền như: Range Rover Evoque 2013, Acuna MDX 2013, Jaguar XJL 2013 (automobile), Lexus 2013 RA 350, Toyota Sienna LE (màu vàng) và Lexus 2013 LX 570…

Từ những vụ container nhập hàng vô chủ tại cảng, hàng hóa là ôtô đắt tiền cho thấy: lợi dụng chính sách ưu đãi của nhà nước dành cho Việt kiều hồi hương được phép mang về ôtô sở hữu để sử dụng, miễn giảm thuế, các đối tượng buôn lậu ôtô sẽ chi  khoảng 30.000 - 40.000 USD/xe cho chi phí tìm Việt kiều hồi hương đứng tên nhập xe, làm thủ tục xuất xe ra khỏi Mỹ, vận chuyển và đưa về Việt Nam.

Huê hồng mà Việt kiều đứng tên đưa xe hồi hương khoảng 10.000 USD/xe. Tính toán sơ bộ, một ôtô đã qua sử dụng giá 80.000 USD, nhập khẩu theo tiêu chuẩn của Việt kiều hồi hương chỉ đóng 50% thuế tiêu thụ đặc biệt, cộng với tiền mua “suất Việt kiều”, tổng cộng khoảng 150.000 -160.000 USD.

Nếu nhập khẩu bình thường tổng chi phí một xe đắt tiền phải trên 220.000 USD/xe. Do đó, xe được nhập theo diện Việt kiều hồi hương “kẹt” nằm tại các cảng biển bao giờ cũng là những loại xe đắt tiền nhất. Càng đắt tiền thì lợi nhuận buôn xe càng cao. Để giải phóng hàng ngàn container đang nằm vô chủ tại các kho cảng vẫn còn quá nhiều khó khăn, nan giải

Hoàng Châu
.
.
.