Những bài học trong phòng ngừa trộm cắp cước viễn thông quốc tế tại Hải Phòng

Chủ Nhật, 01/06/2008, 14:33
Tội phạm có yếu tố nước ngoài sử dụng công nghệ cao đang ngày một diễn biến phức tạp. Không những khai thác triệt để những tiến bộ khoa học kỹ thuật để thực hiện tội phạm, chúng còn sử dụng người Việt Nam đứng tên thành lập doanh nghiệp, lấy đó làm vỏ bọc để hoạt động phạm tội mà những vụ trộm cắp viễn thông quốc tế ở Hải Phòng gần đây đang là những minh chứng.
>> Hải Phòng: Bóc gỡ 2 điểm trộm cắp cước viễn thông quốc tế

Diễn biến phức tạp của tội phạm

Trong quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực đã xuất hiện loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là công nghệ thông tin. Trong đó có cả những vụ có yếu tố nước ngoài và liên quan nước ngoài. Riêng ở Hải Phòng, Cơ quan an ninh đã kịp thời phát hiện, bóc gỡ gần chục vụ.

Mở đầu là vụ Victor Hernando quốc tịch Ecuado, được Công ty M5Com ở bang Flovida (Hoa Kỳ) điều vào Việt Nam với tư cách là khách du lịch, để thực hiện 1 hợp đồng lắp đặt và sử dụng trái phép trạm thông tin vệ tinh mặt đất tại khách sạn Lâm Nghiệp, Đồ Sơn và đã bị lực lượng an ninh Hải Phòng phát hiện ngày 21/11/2000.

Tiếp đến năm 2005, Cơ quan An ninh Hải Phòng lại phát hiện và bắt quả tang một đối tượng quốc tịch nước ngoài khác móc nối với 1 đối tượng ở khu 4, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, Hải Phòng, đã lắp đặt và khai thác sử dụng thiết bị trộm cắp cước viễn thông quốc tế.

Năm 2006 lực lượng An ninh lại liên tiếp phát hiện, bắt quả tang ở một số địa điểm tại phố Lạch Tray, Hàng Kênh, Tô Hiệu…các đối tượng người Việt Nam đang thực hiện hành vi trộm cắp cước viễn thông quốc tế.

Gần đây nhất, hồi 9h ngày 21/5/2008, Phòng An ninh kinh tế và cơ quan ANĐT Công an Hải Phòng đã bắt quả tang He Ming, 23 tuổi, ở Liễu Châu, Quảng Tây, Trung Quốc, móc nối với Nguyễn Giao Linh, 27 tuổi, ở 17/33 Nguyễn Đức Cảnh, quận Lê Chân, Hải Phòng và một số đối tượng khác, thực hiện 1 hợp đồng lắp đặt thiết bị và sử dụng trộm cắp cước viễn thông quốc tế tại Hải Phòng.

Qua đây cho thấy tình hình hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao và có liên quan nước ngoài diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng với những thủ đoạn hết sức tinh vi, đa dạng. Những năm gần đây, bọn tội phạm không sử dụng thiết bị vệ tinh mặt đất nữa, mà chúng lợi dụng tiến bộ khoa học như hệ thống Internet tốc độ siêu cao (ADSL), kết nối với mạng điện thoại cố định nội hạt, khai thác chiều đi hoặc chiều về để trộm cắp cước thông tin.

Những thủ đoạn mới và bài học rút ra

Cơ quan ANĐT Công an TP Hải Phòng đã làm rõ nhiều thủ đoạn mới và tinh vi của một đường dây tội phạm trộm cắp cước viễn thông quốc tế mà lực lượng an ninh vừa triệt phá ngày 21/5.

He Ming là con một gia đình nông dân nghèo ở Liễu Châu, Quảng Tây, Trung Quốc, đang theo học năm thứ 3 Khoa Tiếng Việt tại Trường Đại học Dân tộc Quảng Tây. Vừa học, He Ming vừa phải theo một số người tới biên giới Đông Hưng, Móng Cái để làm ăn, buôn bán.

Nhà nghèo, cần tiền, nên khi được một "ông chủ" người Trung Quốc là Lâm Triều Huy thuê lắp đặt điều hành hệ thống thiết bị trộm cắp cước điện thoại viễn thông quốc tế tại Hải Phòng với mức lương 5.000 nhân dân tệ/tháng, He Ming nhận lời ngay.

Lợi dụng mối quan hệ học cùng trường với Nguyễn Ngọc Quỳnh, một lưu học sinh người Hải Phòng, He Ming đã làm quen, móc nối được với anh trai của Quỳnh là Nguyễn Giao Linh vào đường dây với mức lương 6.000.000đ/tháng và bàn bạc tiến hành các hành vi phạm tội.

Công việc nhiều, nhưng để không bị lộ, Nguyễn Giao Linh đã kéo 2 người anh em con chú bác ruột cùng làm là Nguyễn Duy Khánh, 23 tuổi, ở số 5, lô 80, khu tập thể Cột Đèn, Lê Chân, Hải Phòng với mức lương 2.000.000 đ/tháng và Nguyễn Thanh Hiệp, 24 tuổi, ở 24/162 đường Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng với mức lương 1.000.000/tháng.

Các đối tượng còn lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp, xin thành lập Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lê Hà, đồng thời thuê nhà số 6/6 đường Nguyễn Trãi, Hải Phòng làm trụ sở; thuê nhà số 240 đường Hai Bà Trưng, Hải Phòng làm nhà kho. Song thực tế 2 số nhà trên luôn đóng cửa im ỉm, công ty chỉ  để làm vỏ bọc cho các hoạt động mờ ám bên trong.

Theo chỉ đạo của He Ming và Nguyễn Giao Linh, Nguyễn Duy Khánh đặt vấn đề với một người quen là Bùi Trung Kiên, 22 tuổi, ở số 17, lô A45, khu tập thể CN Xi Măng, phường Lam Sơn, Lê Chân, Hải Phòng, đứng tên làm Giám đốc công ty. Bùi Trung Kiên sau khi hoàn thành công việc xin đăng ký kinh doanh, đăng ký mã thuế, khắc dấu v.v… được chi một số tiền, còn hoạt động thế nào thì Kiên không được biết nữa.

Có đăng ký kinh doanh, có thương hiệu, có địa điểm thích hợp, He Ming và Nguyễn Giao Linh sử dụng dấu doanh nghiệp và dấu chữ ký tên Bùi Trung Kiên để làm các hợp đồng thuê bao đường truyền Internet của Công ty Viễn thông FPT và hợp đồng sử dụng 48 máy điện thoại GPHONE (điện thoại cố định không dây).

Với đường truyền Internet và các sim điện thoại cố định nội hạt, cộng với các thiết bị như 6 bộ chuyển tiếp QIN TUM, GATEWAY, 2 modem, 19 thiết bị đầu cuối và một số thiết bị khác chuyển từ Trung Quốc sang.

Đầu tháng 1/2008, He Ming chia đôi số thiết bị trên cho 2 địa điểm, kết nối từ đường truyền Internet tốc độ cao với giá cước sử dụng rất rẻ sang 48 số điện thoại cố định của ngành Viễn thông Hải Phòng với giá cước nội hạt, chiếm đoạt phần cước điện thoại viễn thông quốc tế mà lẽ ra ngành Viễn thông Hải Phòng được thu.

Với hàng ngàn cuộc điện thoại từ nước ngoài vào Hải Phòng, trong 4 tháng đầu năm 2008, ngành Viễn thông đã thiệt hại ước tính ban đầu khoảng trên 1,3 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý và cần rút kinh nghiệm là một công ty TNHH thương mại và dịch vụ đã thuê bao nhiều số điện thoại như vậy, mà không có một dấu hỏi và sự kiểm tra của cơ quan cho thuê bao.

Chỉ đến khi một số người dân phát hiện đầu gọi tới ở nước ngoài, mà máy lại hiển thị mã vùng gọi Hải Phòng (031) và cơ quan An ninh phát hiện sự tăng đột biến về cước điện thoại ở 1 doanh nghiệp tư nhân nhỏ, thì đường dây trộm cắp cước viễn thông quốc tế mới bị bóc trần. Mặt khác, do công tác xét cấp đăng ký kinh doanh thiếu khâu hậu kiểm, nên không biết là doanh nghiệp không có hoạt động, đồng thời cũng không phát hiện kịp thời bọn tội phạm lợi dụng doanh nghiệp làm vỏ bọc cho hoạt động mờ ám, để chúng tồn tại trong thời gian khá dài.

Qua đây cũng cảnh báo một thủ đoạn mới của tội phạm nước ngoài nhằm móc nối, sử dụng người Việt Nam, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên và đối tượng trẻ có kiến thức khoa học kỹ thuật vào mục đích phạm tội của chúng mà điển hình là Nguyễn Giao Linh, xuất thân từ một gia đình cơ bản, nền nếp, có tri thức.

Bản thân Nguyễn Giao Linh từ cậu thanh niên ngoan, học giỏi, tốt nghiệp Khoa Công trình của Trường Đại học Hàng Hải và là kỹ sư thuộc Công ty Xây dựng nhà ở Hải Phòng. Song, bị móc nối, bỗng chốc sa ngã, đi vào con đường phạm tội

Quốc Phòng
.
.
.