Nhức nhối vấn nạn doanh nghiệp FDI đua nhau báo lỗ, chuyển giá

Thứ Tư, 30/12/2020, 06:52
66% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) báo lỗ, trong đó có những DN đình đám nhưng nộp ngân sách rất ít ỏi. Đây là bức tranh xám tại Báo cáo hoạt động tài chính năm 2019 của các DN FDI của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ - một lần nữa cho thấy tính hai mặt của khối DN này.

66% doanh nghiệp báo lỗ

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính về kết quả tổng hợp và phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho thấy tới 66% DN FDI báo lỗ. Theo đó, Báo cáo này dựa trên số liệu báo cáo của cơ quan thuế và các sở tài chính, cho biết số DN FDI chi phối đủ dữ liệu để phân tích là 22.603 DN, chiếm 99,9% trong tổng số 22.617 DN có vốn FDI chi phối và bằng 90,2% trong tổng số 25.054 DN FDI tính đến thời điểm cuối năm 2019.

Cụ thể, về kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế của các DN này đạt 387.064 tỷ đồng, tăng 8,2% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế năm 2019 đạt 324.487 tỷ đồng, tăng 6,4%. Nhóm các ngành mà DN FDI có tỷ suất lợi nhuận tốt gồm sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy và xe có động cơ khác; công nghiệp chế biến thực phẩm; rượu, bia, nước giải khát; dịch vụ hỗ trợ kinh doanh; phân phối, bảo dưỡng ôtô xe máy; và nhóm y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ.

Số DN FDI báo lãi là 9.494 DN (45%), tăng 18% so với năm 2018, với giá trị lãi là 518.509 tỷ đồng. Một số ngành có sự gia tăng lợi nhuận trước cả về số tuyệt đối và tương đối gồm là "sản xuất, phân phối, kinh doanh điện" tăng 96,1% và "dịch vụ khác" tăng 211,8%.

Trong khi đó, có tới 12.455 DN báo lỗ, chiếm tỷ lệ 55%, với giá trị lỗ là 131.445 tỷ đồng. Tổng doanh thu của số DN này đạt khoảng 847.000 tỷ đồng, tăng gần 12,7% so với năm 2018. Đến hết năm 2019 có 14.822 DN lỗ lũy kế (bằng 66% số DN báo cáo) với tổng số lỗ là 520.742 tỷ đồng, bằng 41% vốn đầu tư của chủ sở hữu và tăng 26% về số DN có lỗ lũy kế, tăng hơn 23% về số vốn lỗ so với năm 2018. Một số nhóm ngành trong 2 năm liền có số liệu tổng hợp là lỗ trước và sau thuế, số lỗ năm trước nhiều hơn năm sau là "sản xuất sắt thép và kim loại khác" và "dầu khí, xăng dầu, nhiên liệu và sản phẩm hoá dầu", "viễn thông, phần mềm".

Bộ Tài chính cũng cho biết, có khoảng 3.545 DN lỗ mất vốn trong năm 2019, chiếm gần 15,7% và tăng 24,2% so với năm 2018. Trong số này, có 2.160 DN vẫn báo cáo tăng trưởng doanh thu. 

Nhiều DN FDI lớn nhưng nộp ngân sách rất ít ỏi.

Doanh nghiệp lớn nộp ngân sách ít ỏi

2 DN FDI lớn nhất trong nhóm ngành “Sản xuất sắt, thép và kim loại khác” là Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và Công ty Cổ phần thép Posco Yamoto Vina tiếp tục gây sốc cho người dân khi nộp ngân sách ít.

Cụ thể Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Fomusa Hà Tĩnh có tổng tài sản của Công ty là 286.804 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn là 38.927 tỷ đồng, hàng tồn kho là 26.573 tỷ đồng, tăng so với mức 25.044 tỷ đồng tại thời điểm đầu kỳ. Nợ phải trả là 185.990 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 64.393 tỷ đồng, nợ dài hạn là 121.596 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 100.814 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư của chủ sở hữu là 118.308 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 25.388 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh và doanh thu hoạt động tài chính của Công ty năm 2019 là 72.030 tỷ đồng. Tuy nhiên số lỗ năm 2019 của Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là 11.538 tỷ đồng. Số nộp ngân sách nhà nước năm 2019 của Công ty là 51,6 tỷ đồng.

Bộ Tài chính khẳng định, “nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn là 25.466 tỷ đồng, dẫn đến hệ số về khả năng thanh toán hiện thời ở mức thấp là 0,6 lần, điều này cho thấy công ty sử dụng vốn ngắn hạn đầu tư tài sản dài hạn. Hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn trong tài sản ngắn hạn, cùng với việc nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, dẫn đến khả năng thanh toán nhanh ở mức rất thấp với hệ số là 0,19 lần. Các hệ số thanh toán đều ở mức rất thấp cho thấy Công ty đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ”.

Công ty thép đình đám thứ 2, Công ty Cổ phần Thép Posco Yamoto Vina (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng trong hoạt cảnh tương tự. Tại ngày 31-12-2019 tổng tài sản của Công ty là 19.957 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn là 11.034 tỷ đồng (hàng tồn kho là 2.245 tỷ đồng); Nợ phải trả là 15.649 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 15.646 tỷ đồng, nợ dài hạn là 2 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu là 4.308 tỷ, trong đó vốn đầu tư của chủ sở hữu là 7.168 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 8.904 tỷ đồng. Năm 2019 Công ty báo lỗ là 2.780 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước năm 2019 là 41 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho hay, Công ty Cổ phần Thép Posco Yamoto Vina có nợ ngắn hạn lớn hơn so với tài sản ngắn hạn, một phần hai tài sản dài hạn được tài trợ bởi nợ ngắn hạn dẫn đến hệ số về khả năng thanh toán hiện thời ở mức thấp là 0,71. Hệ số khả năng thanh toán nhanh cũng ở mức thấp là 0,56 cho thấy công ty đang gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ. Kết luận chung, Bộ Tài chính đánh giá 2 DN này có “tình hình tài chính không lành mạnh, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh suy giảm, đóng góp vào ngân sách nhà nước rất hạn chế”.

Điều đáng nói, tình trạng DN FDI báo lỗ, nộp ngân sách ít đã tồn tại nhiều năm nay. Ngoài ra, bên cạnh các điểm mạnh của khối DN này là tạo ra một khối lượng công việc lớn thì có rất nhiều các yếu kém khác. Đó là, DN FDI đổ bộ Việt Nam nhưng không đầu tư công nghệ, kỹ thuật hiện đại như mong muốn. Sự liên kết giữa DN trong nước và DN FDI còn rất yếu; Dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam không ổn định, biến động tăng-giảm theo các giai đoạn phụ thuộc vào sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam. FDI vào Việt Nam không theo qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nên đã phá vỡ qui hoạch phát triển của một số ngành, nhất là các dự án sản xuất thép; Đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, đặc biệt là khu kinh tế chưa hiệu quả, tỷ lệ lấp đầy các khu còn thấp, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

Ngoài ra, bằng lợi thế riêng, FDI đã có biểu hiện chèn ép đầu tư trong nước, đặc biệt là đối với các thành phần kinh tế tư nhân; FDI đã có những biểu hiện vi phạm và có thể sẽ để lại các hậu quả nghiêm trọng về môi trường; FDI tại một số địa phương đã chiếm dụng, gây lãng phí về đất đai, tài nguyên; có các biểu hiện không minh bạch trong quản lý DN như chuyển giá, trốn thuế...

Hà An
.
.
.