Nhọc nhằn cuộc chiến chống buôn lậu trên tuyến biên giới Lạng Sơn
Bài cuối: Hợp thức hóa hàng lậu, buôn bán hàng cấm gia tăng
Hàng lậu lọt vào nội địa thành hàng có nguồn gốc
Các đầu nậu sau khi đặt hàng, thu mua hàng hóa của cư dân biên giới, khi mang về nội địa, đã hợp thức bằng hóa đơn, chứng từ thành hàng có nguồn gốc, xuất xứ. Hàng lậu sau khi cửu vạn mang vác thành công từ đường mòn biên giới về, sau khi tập kết vận chuyển về Lạng Sơn, đầu nậu cũng hợp thức bằng hóa đơn chứng từ, đưa vào nội địa tiêu thụ.
Có xe hàng nghi là hàng hóa nhập lậu, nhưng khi kiểm tra, chủ hàng xuất trình hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Vì thế, hàng lậu hiện không cần xé lẻ, lén lút mà đi cả xe hàng một cách “hợp pháp”, gây nhiều bức xúc trong thời gian qua.
Tăng cường kiểm tra hoạt động xuất nhập khẩu nhằm phát hiện hành vi gian lận thương mại. |
Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, hàng lậu hợp thức bằng hóa đơn, chứng từ là thủ đoạn xuất hiện lâu nay, gây khó khăn cho lực lượng đấu tranh chống buôn lậu. Tuy nhiên, tới đây Công an Lạng Sơn sẽ tập trung đấu tranh mạnh vào hành vi này.
Tuy thủ đoạn không mới nhưng nếu không có biện pháp, hàng lậu hợp pháp sẽ gây ra lũng đoạn thị trường trong nước. Điển hình, ngày 11-10, Đội quản lý thị trường số 10 (Trạm Kiểm soát liên hợp Dốc Quýt) kiểm tra xe ôtô BKS 12C – 082.00 chạy từ hướng thị trấn Đồng Đăng đi Hà Nội, phát hiện trên xe chở hàng hóa có dấu hiệu sản xuất ngoài Việt Nam nhưng không có hóa đơn chứng từ nhập khẩu, với các mặt hàng tiêu dùng…
Chủ lô hàng khai nhận mua gom số hàng hóa trôi nổi này tại khu vực cửa khẩu Cốc Nam của một số người dân không rõ tên, tuổi, địa chỉ, sau đó lập hóa đơn bán hàng rồi bán lại cho người khác vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Vì vậy, Đội Quản lý thị trường số 10 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh và xử lý theo pháp luật.
Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, phương thức, thủ đoạn hoạt động buôn lậu hiện vẫn là lợi dụng đêm tối, địa hình hiểm trở để mang vác nhỏ lẻ hàng hoá theo các đường mòn qua biên giới thuộc một số khu vực thuộc xã Tân Mỹ, xã Tân Thanh- Văn Lãng; một số đường mòn thuộc địa bàn thị trấn Đồng Đăng- Cao Lộc… sau đó sử dụng hoá đơn bán hàng, hoá đơn giá tri gia tăng để ghi cho số hàng hoá qua các đường mòn nêu trên lưu thông trên thị trường, hàng hoá được xé lẻ vận chuyển trên các xe ô tô theo tuyến quốc lộ 1A, 1B để vào sâu trong nội địa.
Ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, tình hình gian lận thương mại tại khu vực biên giới vẫn là các hành vi lợi dụng kẽ hở liên quan đến thủ tục hải quan như khai báo sai về số lượng, chủng loại, lợi dụng chính sách hàng chuyển cảng, chuyển khẩu, quá cảnh… để thực hiện các hành vi nhập lậu, gian lận thương mại hàng hoá.
Đặc biệt, trong tháng 9-2019, có vụ việc đối tượng lợi dụng hoạt động nhập khẩu hàng hoá để trà trộn hàng cấm nhập lậu với số lượng đặc biệt lớn là trên 12 tấn pháo nổ.
Đại tá Nguyễn Minh Tuấn cũng cho biết thêm, một số công ty Việt Nam ký hợp đồng với Công ty phía Trung Quốc về việc nhập khẩu hàng hóa. Các chủng loại hàng hóa trên hợp đồng rất đúng, nhưng trong quá trình vận chuyển lại thay đổi.
Khi lực lượng chức năng phát hiện, Công ty phía Việt Nam đổ lỗi cho phía Trung Quốc giao nhầm hàng, đối tác Trung Quốc xin lỗi do chuyển nhầm hàng, xin đổi lại hàng. Những trường hợp trên rất khó xử lý phía Công ty Trung Quốc vì giữa hai nước đã ký Hiệp định trương trợ Tư pháp.
Theo Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, thời gian qua lực lượng chức năng bắt nhiều vụ buôn lậu thông qua hoạt động xuất nhập khẩu nhưng không xử lý được hình sự, chủ yếu chuyển cho Hải quan xử lý hành chính. Buôn lậu tại Lạng Sơn dần sẽ chuyển xu hướng gian lận thương mại, hoạt động buôn lậu qua đường mòn, đường tắt ít đi, xu hướng chuyển qua xuất nhập khẩu.
Tăng cường đấu tranh, không để vùng cấm
Đại tá Nguyễn Minh Tuấn cho biết, do các lực lượng chức năng kiểm soát chặt, đến thời điểm này, trên địa bàn Lạng Sơn không để xảy ra tình trạng phức tạp về hoạt động vận chuyển hàng lậu, không phát sinh thành điểm nóng.
Theo đó, các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều kế hoạch phối hợp, kiểm soát chặt địa bàn biên giới, đồng thời tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền trong việc gỡ tháo bỏ những công trình trái phép dọc biên giới như lán tạm, nhà kho tạm. Tại khu vực biên giới địa bàn huyện Văn Lãng- Lộc Bình đã tháo dỡ hơn 100 kho, lán. Tuy nhiên, hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm trên tuyến biên giới luôn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp theo thời vụ.
Ngoài những mặt hàng tiêu dùng, thời gian qua, lực lượng chức năng Lạng Sơn liên tiếp phát hiện các vụ vận chuyển hàng cấm như pháo, ma tuý với số lượng lớn. Ngoài vụ buôn lậu 12 tấn pháo qua cửa khẩu Tân Thanh bị phát hiện, ngày 10-10, Công an thành phố Lạng Sơn đã kiểm tra xe container BKS 29C - 18651, chở hành tươi nhập khẩu, lưu thông trên địa phận xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn phát hiện trong gầm xe và thùng container các đối tượng cất giấu 380kg pháo hoa và pháo nổ các loại.
Công an TP Lạng Sơn đã tạm giữ người, tang vật, phương tiện để tiếp tục xác minh, điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Mới đây nhất, ngày 18-10, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với một số phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Lạng Sơn cùng với Phòng phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn), Trạm Kiểm soát liên hợp Dốc Quýt phát hiện ôtô loại 4 chỗ ngồi, BKS 30E-377.63 có nhiều biểu hiện nghi vấn.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có Hoàng Văn Lâm và Nông Quốc Dần, cùng trú tại xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn giấu 35 khối hình hộp chữ nhật được bọc kín nghi là ma túy trong túi du lịch. Khai thác nóng tại chỗ, 2 đối tượng thú nhận, 35 hộp chữ nhật là heroin được Dần mua ở TP Lạng Sơn với giá là 200 triệu đồng/bánh, sau đó chúng dùng xe ôtô vận chuyển lên khu vực biên giới thuộc huyện Cao Lộc để giao cho một chủ người Trung Quốc.
Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, trước sự kiểm soát gắt gao tại các đường mòn, lối mở tại Chi cục Hải quan các cửa khẩu, nhiều đối tượng buôn lậu khi bị ngăn chặn, bắt giữ thường chạy ngược trở lại Trung Quốc. Một số đối tượng khác lại xé nhỏ hàng hóa thành những vác nhỏ nhằm miễn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khi lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát 24/24 giờ tại các điểm xung yếu trên đường mòn, lối mở, các đối tượng không thể đưa hàng qua biên giới nên tỏ thái độ thù địch, hoặc khi bị bắt giữ thì quyết liệt chống trả, thậm chí sau khi bị thu giữ tang vật, các đối tượng đã “kéo quân” uy hiếp cơ quan chức năng.
Thống kê của Ban chỉ đạo 389 Lạng Sơn cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 4.809 vụ buôn bán hàng cấm, hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (bằng 99,26% so với cùng kỳ 2018), xử phạt hành chính 3.773 vụ, tổng số tiền xử phạt 94.743.194.000 đồng (bằng 105,67% so với cùng kỳ 2018). Đã khởi tố 319 vụ/455 đối tượng. Trong đó, Công an tỉnh Lạng Sơn kiểm tra 854 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 15.127.500.000 đồng.
Trong thời gian tới, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm qua biên giới Lạng Sơn vẫn sẽ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Trạm trưởng Trạm Dốc Quýt Bùi Văn Lợi cho rằng, ngoài kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý vi phạm, Trạm Dốc Quýt cũng thường xuyên quan tâm, chú trọng tuyên truyền pháp luật đến các tổ chức, cá nhân trong việc kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng hóa cần phải chấp hành tốt các quy định về chế độ hóa đơn chứng từ, chính sách, pháp luật về kinh doanh, thương mại, xuất nhập khẩu theo các quy định.
Thiết nghĩ, Tết Nguyên đán sắp đến gần, để Lạng Sơn không bùng phát buôn lậu như một số năm trước, cần sự vào cuộc đồng bộ, phối kết hợp giữa các lực lượng để không có “vùng cấm” buôn lậu ở đây. Các hành vi, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại cần sớm được điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm khắc.