Nhiều ý kiến trái chiều về dự án sân bay Long Thành

Thứ Ba, 02/06/2015, 08:41
Theo dự kiến chương trình của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, ngày 4/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng sẽ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành.
>> Không có chuyện phối cảnh sân bay Long Thành ‘đạo’ sân bay Hong Kong

Để người dân hiểu rõ hơn về vấn đề này, ngày 1/6, Viện hàn lâm Khoa học xã hội  đã tổ chức diễn đàn khoa học thảo luận về dự án sân bay Long Thành với sự tham dự của nhiều chuyên gia. Tại đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã khẳng định: Lần này Chính phủ trình Quốc hội là để xin chủ trương có đầu tư hay không đầu tư. Còn để quyết định đầu tư thì phải có báo cáo lập dự án đầu tư, báo cáo lại Quốc hội, Quốc hội đồng ý thì Chính phủ mới quyết định được. Dự án phải khả thi thì mới triển khai đầu tư.

Theo Bộ GTVT, mục tiêu số 1 của dự án xây sân bay Long Thành là giải quyết tình trạng quá tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Phát biểu tham luận tại diễn đàn, TS Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đã nghe rất nhiều ý kiến ủng hộ. "Bản thân tôi cũng đã đi thực tế từng ngõ ngách của sân bay Tân Sơn Nhất và Biên Hoà xem có khả năng mở rộng hay không. Tôi cũng đã đến vị trí sân bay Long Thành xem có được không. Và trách nhiệm của tôi hiện tại là phải bấm nút thông qua chủ trương” – ông Lịch nói. Là người tham gia làm quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong đó có sân bay, ông Lịch cho biết mười mấy hai mươi năm trước “đã mơ có một sân bay quốc tế tầm cỡ chứ không phải chỉ có Tân Sơn Nhất”. “Việc cần phải có một sân bay tầm cỡ là vấn đề không cần phải bàn nữa. Vấn đề đặt ra là làm cách nào, bằng nguồn nào, tính hiệu quả thế nào, phân kỳ đầu tư cho phù hợp” – ông Lịch nhấn mạnh. 

Liên quan đến báo cáo đầu tư dự án CHK Long Thành trình Quốc hội lần này, ông Lịch đánh giá: Đề án trình Quốc hội khác nhiều lần trước. “Lần trước hướng quá nhiều đến quy mô trung chuyển 100 triệu hành khách. Dư luận cho rằng không khả thi. Lần này, Chính phủ chỉ trình chủ trương đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với 25 triệu hành khách. Quan trọng hơn, vốn 7,8 tỷ mà chỉ còn 5,2 tỷ USD. Như vậy, tổng mức đầu tư đã giảm gần 1/3 trong giai đoạn 1 so với báo cáo đầu tư trước đây” – ông Lịch phân tích. 

"Tờ trình của Chính phủ đề xuất làm trong giai đoạn 2018 – 2025 nhưng theo tôi Tân Sơn Nhất tới 2025 thì quá tải quá nặng nề. Cần làm sớm hơn càng tốt. Vừa rồi, tôi đi Quy Nhơn vào TP Hồ Chí Minh, chỉ tính thời gian máy bay phải vòng vòng trên trời chờ xuống đã mất 30 phút. Quá tải ở đây là quá tải không lưu chứ không đơn thuần chỉ là quá tải nhà ga” – ông Lịch nói.

Trong khi đó, nêu ra nhiều lí do chưa thuyết phục về dự án, Tiến sỹ Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh - thẳng thắn cho rằng báo cáo tiền khả thi của dự án không đạt yêu cầu. 

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - nêu ý kiến không nên coi nhiệm vụ chủ yếu của Long Thành là sân bay trung chuyển mà nên coi Long Thành là sân bay vận chuyển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. “Với tầm nhìn 50 năm ở một đất nước hiện tại có 90 triệu dân thì làm tốt vai trò khai thác nội địa sẽ tốt hơn là tìm cách trung chuyển quốc tế để tránh việc sau này “mình phải tự phê bình mình”. Trong quy hoạch xây dựng thì phải từng bước chứ không nên mặc cái áo quá lớn, phải có 1 quy hoạch tổng thể”. 

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định: “Bộ GTVT lắng nghe và tiếp thu tối đa những gì có thể tiếp thu được, để có thể tiếp tục hoàn thiện báo cáo đầu tư này”. Đồng thời Bộ GTVT cũng sẽ có giải trình đầy cụ thể, sâu sắc về những vấn đề còn ý kiến khác nhau, làm sao có sự đồng thuận cao nhất trong giới chuyên gia, khoa học và cả của người dân để tạo sự tin tưởng khi thực hiện dự án này. Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho hay, tên chính thức của dự án là Báo cáo đầu tư CHK quốc tế Long Thành, không có chữ trung chuyển. Trung chuyển chỉ là chức năng. Mục tiêu số 1 của dự án giải quyết tình trạng quá tải cho sân bay Tân Sơn Nhất. Thứ hai là hướng tới một CHK trung chuyển. Đây là quy luật của tất cả các sân bay lớn trên thế giới. 

Về số liệu, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, tất cả số liệu trong báo cáo đầu tư đều có căn cứ, có nguồn gốc. Về chuyện có sự khác nhau giữa Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh và Bộ GTVT là hoàn toàn bình thường vì số liệu của Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh là số liệu của Vietnam Airlines, còn số liệu của Tổng công ty CHK Việt Nam là số liệu của tất cả các hãng hàng không đến và đi từ Tân Sơn Nhất, bao gồm cả hãng hàng không trong nước và nước ngoài. “Không có chuyện chúng tôi thích báo cáo số liệu nào là báo cáo số liệu đấy” – Bộ trưởng nói. 

Cũng không có chuyện đóng cửa sân bay Tân Sơn Nhất. Thực tế trên thế giới người ta cũng luôn khai thác song song, kể cả khi có sân bay lớn. Ngay như Thái Lan, khi có sân bay Sunavarbhumi mới, đóng cửa Don Muaeng nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn là phải khai thác trở lại. Với Tân Sơn Nhất và Long Thành cũng thế... 

Phạm Huyền
.
.
.