Nhiều nông dân ĐBSCL trắng tay do chuyển hướng sản xuất

Chủ Nhật, 27/05/2012, 10:37
Chạy theo lợi ích nhất thời, nhiều nông dân tại ĐBSCL có nguy cơ trắng tay do đã tự chuyển hướng sản xuất, làm xáo trộn quy hoạch và mất đất trồng lúa. Chính quyền nhiều địa phương đang đau đầu về vấn đề này…
>> ĐBSCL: Nhiều chủ hầm cá nguy cơ... trắng tay

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xác định là vựa lúa của cả nước bởi sản lượng lúa hằng năm toàn vùng chiếm hơn 53% tổng sản lượng lúa và đóng góp 90% sản lượng gạo xuất khẩu cả nước. Trọng trách của vựa lúa này đối với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực (ANLT) và phục vụ xuất khẩu gạo rất quan trọng.

Bỏ lúa chạy theo… “giấc mộng tỷ phú”

Nông dân miền Tây mà bỏ lúa? - Thoạt nghe, nhiều người cứ ngờ vực nhưng thực tế đang diễn ra đến mức đáng ngại. PV Báo CAND tìm hiểu thì được biết, rất nhiều nông dân tại các xã: Thạnh Lộc, Phú Cường, Mỹ Thành Bắc, Mỹ Phước Tây (đều thuộc huyện Cai Lậy, Tiền Giang) đã ồ ạt bỏ lúa, đào mặt ruộng của mình lên thành ao để ương cá tra giống với tổng diện tích đến khoảng 100 ha.

Ông Phạm Công Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc - địa phương có diện tích đất trồng lúa bị chuyển thành ao ương cá tra giống nhiều nhất của huyện Cai Lậy cho biết, thực tế này bắt đầu từ 2 năm trước. Lúc đó, chỉ vài ba hecta nhưng hiện giờ đã lên trên 64 ha, với gần 100 hộ làm nghề ương cá tra giống.

Trong khi chuyện lấy đất lúa để đào ao nuôi cá khiến lãnh đạo tỉnh Tiền Giang phải can thiệp… khẩn thì trước đó, cơn sốt giá khoai lang đã khiến hàng trăm ha đất lúa bỗng dưng biến mất, thay vào đó là diện tích khoai lang tương ứng.

Người trồng khoai lang đang cười ra nước mắt.

Ông Ngô Thanh Sơn - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) thống kê: Tháng 9/2011, toàn huyện chỉ có 240ha đất trồng khoai lang nhưng tới nay đã trên 600ha, trong đó có khoảng 90% diện tích đã cho người ngoài địa phương mướn để trồng khoai.

Hàng loạt hệ lụy

Chuyện trồng khoai để thành tỉ phú của nhiều nông dân ĐBSCL có lẽ sẽ được xem là “linh hoạt”, là “nhạy bén với thị trường” nếu như không có chuyện giá khoai lang lao dốc như những ngày qua. Chiều 25/5, nhiều nông dân trồng khoai lang ở huyện Bình Tân xác nhận với chúng tôi giá khoai lang Nhật đã tuột và nằm ở mức 250.000 đồng/tạ, mức giá mà không ai nghĩ tới. 

Nông dân Nguyễn Văn Sáu ở xã Tân Thành ngậm ngùi: “Với giá này, nếu đạt được năng suất 40 tạ/công thì tổng thu được chỉ 10 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư phân thuốc, tiền mướn nhân công, cuốc, dỡ… đã hơn 12 triệu đồng/công. Nghĩa là lỗ trắng tay”.

Khi “giấc mộng thành tỉ phú khoai lang” tan tành, người ta mới chợt nhớ đến những khuyến cáo của chính quyền. Một cán bộ huyện Tam Bình (Vĩnh Long) kể, chủ trương của ngành nông nghiệp huyện khuyến khích bà con chỉ sản xuất hai vụ lúa, một vụ màu nhưng lúc đó có mấy người nghe theo. Còn lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện Cờ Đỏ cho biết huyện cũng từng lưu ý hệ lụy của chuyện “nhà nhà trồng khoai, người người trồng khoai”. Nhưng giấc mộng tỷ phú đã khiến nhiều người bỏ ngoài tai tất cả…

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam là nước xuất khẩu thứ hai trên thế giới nhưng đâu đó trên đồng ruộng vẫn tồn tại lối canh tác manh mún, thiếu tính ổn định và khoa học. Diện tích đất trồng lúa bị thu hẹp từng ngày trong khi ANLT vẫn là nhu cầu bức bách. Khó một điều là để bảo đảm ANLT, và duy trì vị thế xuất khẩu gạo, không đơn thuần chỉ là giữ đất mà còn phải giải quyết hài hòa lợi ích của nông dân

Thái Bình
.
.
.