Nhiều ngân hàng vượt trần lãi suất huy động
Hệ lụy của vấn đề này sẽ là lãi suất vay vốn của những doanh nghiệp, nhất là DNNVV cũng bị đẩy lên cao, dẫn đến gia tăng chi phí sản xuất, tăng giá trị cấu thành sản phẩm, khiến doanh nghiệp làm ăn không có lãi, thậm chí là thua lỗ, phải sản xuất đình đốn, công nhân thất nghiệp, gây áp lực lạm phát.
"Đi đêm" vượt trần lãi suất huy động
Sau một thời gian tạm lắng, nhiều ngân hàng (NH) lại tìm cách vượt trần lãi suất huy động từ 14% lên 17%. Theo khảo sát của chúng tôi, trên bảng niêm yết, các NH đều đề mức trần lãi suất là 14%/năm, thế nhưng, thực tế khách hàng gửi tiết kiệm vài trăm triệu đồng trở lên vẫn có thể thỏa thuận được lãi suất từ 15% - 17%/năm.
Để "lách luật", nhân viên NH thường tư vấn cho khách hàng tìm kiếm người thân quen của NH giới thiệu đến NH gửi tiền mới dám thỏa thuận lãi suất theo hướng: chứng từ thể hiện lãi suất 14%/năm, phần lãi suất trả thêm 1% - 3% sẽ được NH chi trực tiếp cho người gửi. Một số NH lại đề nghị người gửi tiền đem theo người nhà đến NH và người nhà được xem là "người môi giới" giới thiệu khách cho NH, sau đó, NH sẽ chi hoa hồng từ 1% - 3%/năm cho "người môi giới"...
Ngoài việc chi "tiền tươi thóc thật", một số NH khác như NH cổ phần Kiên Long, NH Đông Á… ngoài tăng lãi suất tiết kiệm lên kịch trần ở hầu hết các kỳ hạn, còn khuyến mãi thêm túi du lịch, vali kéo, bộ ấm, chén trà, đèn sạc cao cấp… cho người gửi tiền. Tuy nhiên, chỉ có khách quen, khách VIP mới được chào mời, còn khách vãng lai vẫn sẽ phải chịu mức lãi suất theo quy định.
Trước đó, dù NHNN có quy định khống chế lãi suất không kỳ hạn, nhưng nhiều NH vẫn nâng lãi suất của hình thức này lên cao nhằm giữ chân khách hàng. Cụ thể, NH TMCP Á châu (ACB) tăng mạnh lãi suất VND không kỳ hạn ở sản phẩm tiền gửi đầu tư trực tuyến, mức cao nhất lên đến 9,6%/năm, NH Đại Dương (OCB) là 9,5%/năm, NH VPBank với 9%/năm…
Để khách hàng không rút tiền tiết kiệm từ NH của mình để mang đến nơi khác gửi với lãi suất cao hơn, một số "ông lớn" trong hệ thống NH cũng đang rục rịch vào cuộc đua vượt trần lãi suất khiến cho tình trạng "lãi suất vô thừa nhận", lãi suất "chui" đang có xu hướng diễn biến phực tạp.
Các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc các NHTM tăng lãi suất không kỳ hạn lên cao là cực kỳ nguy hiểm và sẽ gây bất lợi cho chính các NH, vì tâm lý người gửi chỉ muốn gửi kỳ hạn ngắn, trong khi đó nhu cầu cho vay trung và dài hạn lại nhiều nên sẽ dẫn tới rủi ro.
Tại cuộc họp tháo gỡ những vướng mắc của doanh nghiệp (DN) liên quan đến hoạt động ngân hàng, thuế, xuất nhập khẩu được tổ chức tại TP HCM, Phó Chủ tịch TP, bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng, lãi suất thực trả cho người gửi tiết kiệm đang được các NH trên địa bàn chi trả vượt 14%/năm, dẫn đến lãi suất cho vay bị đẩy lên đến 18-22%/năm gây nhiều khó khăn cho DN. Còn ông Võ Văn Quang, Phó TGĐ Ngân hàng Bắc Á cho rằng không nên nâng lãi suất nữa vì lãi suất đã quá cao. Hơn nữa, nếu bây giờ, nâng lãi suất huy động lên, nhưng vấn đề đặt ra là có chắc dòng tiền sẽ dồn về các NH? Và khi dòng tiền dồn về các NH, thì ngay bản thân các NH cũng sẽ không biết nên cho vay vào lĩnh vực nào để nâng hiệu quả sản xuất kinh doanh khi mà lãi suất quá cao.
Lãi suất huy động vượt trần 14%/năm sẽ đẩy lãi suất cho vay tăng cao. Ảnh: Hoàng Hà. |
Doanh nghiệp đã khổ lại càng thêm khó
Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Thái Học, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam than thở: Theo kế hoạch năm 2011 của Hiệp hội đặt ra sẽ chế biến 190 nghìn tấn nhân điều và xuất khẩu 70 nghìn tấn dầu vỏ, tương đương với kim ngạch là 1,5 tỷ USD.
Trong thời gian trọng điểm từ tháng 4/6, Hiệp hội cần lượng vốn 12.000 tỷ đồng để tiếp tục nhập nguyên liệu. Nhưng với mức lãi suất như hiện nay, DN đang đứng trước lựa chọn, không vay được vốn NH thì ngừng sản xuất, và điều này sẽ đồng nghĩa với việc hàng ngàn lao động đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Nhưng nếu vay thì khả năng DN phải chịu lỗ là rất cao.
Tương tự, một đại diện của Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng cho rằng: Tiếp cận vốn vay từ NH đang là khó khăn của các DN trong ngành thủy sản. Đó là chưa kể đến mức lãi suất vay thực tế mà Hiệp hội phải chịu lên đến 21-22%. Với mức lãi suất này, việc các DN bám trụ đã khó chứ nói gì đến chuyện phát triển và vươn xa.
Bà Nguyễn Thị Minh, Giám đốc Công ty cổ phần chuyên về sản xuất bao bì ở Yên Bái chia sẻ: Với mức lãi suất này, doanh nghiệp phải lãi ít nhất 20% mới kham nổi lãi vay và cổ tức cho cổ đông. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, lợi nhuận 20% là điều không tưởng nên việc vay vốn để mở rộng sản xuất theo đúng như kế hoạch ban đầu đành phải dừng lại. Một số DN khác cảnh báo, nếu tình hình lãi suất vẫn cứ căng thẳng trong thời gian tới thì họ sẽ phải tìm đến giải pháp tạm ngừng sản xuất để lấy tiền đem gửi… NH.
Việc lãi suất huy động vượt trần 14% không chỉ gây khó thêm cho DN mà còn khiến cả một số NH cũng phải đau đầu.
|