Nhiều loại rượu ngoại giả xuất hiện trong dịp Tết

Chủ Nhật, 22/01/2006, 09:08

Phục vụ nhu cầu trong dịp Tết Bính Tuất, chỉ riêng tháng 12/2005, nhóm của Tuấn đã mua bán 1.621 chai rượu ngoại giả, đặc biệt một mình Trần Anh Tuấn đã mua bán tới 1.315 chai, trị giá khoảng 400 triệu đồng.

Chúng tôi có mặt tại trụ sở Đội chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm Phòng CSĐT tội phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (CSĐT TP QLKT&CV) Công an Hà Nội, ngay sau khi số rượu giả bị thu giữ được đưa về. Nhìn gần 500 chai rượu đủ loại, từ Johnnie Walker (vàng, đỏ, đen) tới Hennessy XO, Rémy Martin V.S.O.P, Chivas... xếp kín cả một góc phòng, khó có thể phân biệt được đó là rượu giả bởi có đầy đủ tem nhãn và cả... tem rượu nhập khẩu. Ngay cả khi mở ra những chai rượu này cũng có mùi vị như rượu thật.

Theo lời khai của các đối tượng thì “công thức” sản xuất khá đơn giản: cứ một chai rượu “xịn” sẽ pha thành 3 chai rượu giả rồi đóng vào những chiếc vỏ chai rượu xịn được thu gom về từ đội quân đồng nát, sau đó dán nhãn mác, đóng nút và dán tem rượu nhập khẩu (tem giả mua từ nước ngoài). Với loại rượu Johnnie Walker, do ở đầu chai có một vòng bi nhựa nên chúng phải nhập loại cổ nhựa này từ nước ngoài. Với những vỏ chai rượu xịn còn đủ cả nắp, chỗ nào bị sứt sẹo sẽ dán tem đè lên. Theo điều tra ban đầu, kẻ sản xuất rượu giả này có hẳn một công ty TNHH chuyên sản xuất... rượu ở Tp.HCM có đăng ký kinh doanh hẳn hoi.

Đường đi của những chai rượu giả

Cuối năm 2005, qua các nguồn tin trinh sát, Đội chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm Phòng CSĐT TP TTQLKT&CV Công an Hà Nội phát hiện ra một đường dây chuyên vận chuyển rượu ngoại giả từ Tp.HCM ra Nam Định rồi đưa lên Hà Nội tiêu thụ. Đầu mối vận chuyển là Trần Anh Tuấn, 26 tuổi tại xóm 3, thôn Mỹ Trọng, xã Mỹ Xá, Tp. Nam Định. Chuyên án 569- V được thành lập.

12h30 ngày 13/1, phát hiện Tuấn vừa thuê anh Lê Ngọc Toàn tài xế xe 3 bánh chở 4 thùng rượu từ bến xe phía Nam đi bỏ mối cho các đại lý, các trinh sát quyết định bắt giữ khi chiếc xe này vừa chạy đến phố Vọng. Kiểm tra 4 thùng carton là 147 chai rượu Johnnie Walker loại 70cl không có chứng từ hóa đơn. Tại Cơ quan công an, Tuấn khai số rượu này vừa chở từ nhà ở Nam Định lên và đang định đi giao cho Nguyễn Thu Hương ở 43 Hàng Buồm.

Lệnh khám xét khẩn cấp hai cửa hàng của Hương ở số 2 Tạ Hiện và 43 Hàng Buồm cùng kho chứa hàng tại 114 Hàm Tử Quan được thực hiện; một mũi trinh sát về Nam Định khám nhà Tuấn. Tổng cộng, Cơ quan công an thu giữ được 470 chai rượu các loại. Qua kiểm tra bằng các thiết bị chuyên dùng, đại diện Hiệp hội Rượu quốc tế tại Hà Nội đã kết luận toàn bộ số rượu này đều là rượu giả.

Trước những chứng cứ không thể chối cãi, Trần Anh Tuấn, Lâm Thanh Hương và Nguyễn Thu Hương đã phải khai nhận.

Trần Anh Tuấn vào nghề buôn rượu giả từ năm 2004. Khi đó Tuấn vào miền Nam chơi với người anh họ là Nguyễn Mạnh Cường (36 tuổi, hiện ở tại số nhà 60, KP3, phường An Bình, Tp. Biên Hòa tỉnh Đồng Nai). Cường có cửa hàng buôn bán bia rượu và từ lâu thường  mua rượu ngoại giả của Thành tại nhà riêng ở một khu đô thị mới thuộc quận Tân Bình (Tp.HCM) và Sở ở Xuyên Mộc (Vũng Tàu) đem về bán.

Biết được mánh làm ăn này, Tuấn nhờ Cường bắt mối với hai “nhà sản xuất” là Thành và Sở; Thành cũng là người Nam Định vào Nam làm ăn. Thành đồng ý cung cấp rượu ngoại giả cho Tuấn đưa ra Bắc tiêu thụ và đầu mối cung cấp hàng chính là Nguyễn Mạnh Cường, bởi Cường là khách hàng thân thiết của Thành và  Sở.

Cùng với Tuấn còn có bố mẹ đẻ là vợ chồng Lâm Thanh Hương (47 tuổi, hiện ở tại xóm 3 Mỹ Trọng, Mỹ Xá, Tp. Nam Định), cũng tích cực tham gia đường dây này. Công việc chính của Hương là giao dịch với Cường, để lấy hàng. Chồng Hương là Trần Thanh Nghị có nhiệm vụ nhận hàng từ Tp.HCM gửi ra, sau đó giao cho Tuấn đưa lên Hà Nội.

Để có đầu mối tiêu thụ tại Hà Nội, tháng 11/2004, Tuấn đến gặp Nguyễn Thu Hương. Chủ cửa hàng kinh doanh bánh kẹo, rượu bia ở số 2 Tạ Hiện đặt mối tiêu thụ và được Hương chấp nhận. Hương thỏa thuận với Tuấn là việc bán hàng lời lãi thế nào là việc của Hương, nhưng nếu khách hàng chê hàng của Tuấn là hàng giả thì Tuấn phải chịu trách nhiệm. Tuấn đồng ý và mỗi chai rượu Tuấn bán cho Hương đều phải đánh dấu riêng bằng chữ ký của Tuấn ở nhãn chai rượu.--PageBreak--

Khi đường dây đã được thiết lập, lúc cần lấy hàng, Trần Anh Tuấn và Lâm Thanh Hương chỉ gọi điện cho Cường.  Cường sẽ thông báo cho Thành, Sở để hai người này trực tiếp gửi hàng bằng xe khách hoặc xe hàng ra Nam Định cho Tuấn. Để tránh bị phát hiện, mỗi lần Cường chỉ gửi một vài thùng. Thông thường mỗi thùng rượu 40 chai, Cường lãi 500.000đ.

Sau khi nhận hàng tại Nam Định, Tuấn lại xé lẻ và đi xe khách vận chuyển lên Hà Nội giao cho Hương.  Hương vừa bán lẻ, vừa bán buôn các loại rượu của Tuấn cho các của hàng khác tại Hà Nội và một số tỉnh như Thái Nguyên, Hải Dương.... thu lời 5.000đ-20.000đ/chai.

Lượng rượu giả mà đường dây này đã bán ra thị trường có thể lên tới cả chục ngàn chai các loại, thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng. Khi khám xét tại cửa hàng và kho chứa, ngoài 470 chai rượu ngoại giả các loại, 25 triệu đồng, Cơ quan điều tra còn thu giữ nhiều sổ sách liên quan tới việc mua bán rượu giả của các đối tượng; trong đó chỉ riêng tháng 12/2005, nhóm này đã mua bán 1.621 chai, đặc biệt một mình Trần Anh Tuấn đã mua bán tới 1.315 chai, trị giá khoảng 400 triệu đồng.

Chúng ta đang uống rượu ngoại... giả!?

Cách đây không lâu, khi đường dây sản xuất, buôn bán ma túy của Trịnh Nguyên Thủy bị triệt phá, nhiều người đã giật mình khi biết rằng Nghiêm Đình Bồng không chỉ là “chuyên gia” chưng cất heroin mà còn là một "ông tổ" chuyên sản xuất rượu ngoại giả với một cơ sở sản xuất ở Bắc Ninh. Phần lớn rượu ngoại bán ở Nhà hàng Sơn Thủy là do “nhà máy” của Bồng sản xuất.

Theo thông báo của Ủy ban Liên quốc gia Kiểm soát rượu Cognac (Pháp) với Văn phòng Interpol Việt Nam thì nước Pháp chưa bao giờ cho phép một quốc gia nào được đóng chai các loại rượu mạnh của họ như Hennessy, Rémy Martin. Vì vậy khoảng hơn 90% rượu mạnh mang nhãn hiệu của Pháp, Scotland bán ở Việt Nam là rượu giả

Nguyễn Thiêm
.
.
.