Nhiều kiểu gian lận thương mại với số lượng lớn

Thứ Hai, 09/01/2006, 10:46

Càng gần Tết, thị trường càng xuất hiện nhiều loại hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Đã có nhiều vụ gian lận thương mại với số lượng hàng vi phạm lớn bị các lực lượng kiểm tra phát hiện.

Nhập lậu, gian lận xuất xứ hàng điện tử, điện máy…

Mới đây, Công ty Sony Việt Nam kiến nghị với Bộ Thương mại về việc công ty đã phát hiện nhiều lô hàng điện tử với các chủng loại như tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện, lò vi sóng… mang các nhãn hiệu lớn của Nhật Bản: Sony, Panasonic, Hitachi, Sharp… do một công ty có trụ sở tại Thái Lan đứng tên nhập khẩu tại cửa khẩu Cầu Treo, giả giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu D (C/O form D) chứng nhận rằng, hàng đạt 100% giá trị xuất xứ Thái Lan, được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi của AFTA là 5% cho năm 2006, thay vì phải chịu mức thuế nhập khẩu thông thường là 50%. Đồng thời, Công ty Sony Việt Nam cũng đã kiểm chứng lại "giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D" của sản phẩm tivi nhãn hiệu Sony "Television Maker Sony (made in Thailand)" thông qua Công ty Technology Thailand - nhà sản xuất duy nhất tại Thái Lan về sản phẩm tivi nói trên.

Đại diện của công ty này cho biết: "Họ chưa bao giờ tiết lộ hàm lượng ASEAN cho doanh nghiệp xuất khẩu có trong mẫu D nói trên. Nếu không có những thông tin này do Công ty Technology Thailand cấp thì doanh nghiệp xuất khẩu không thể nào xin cấp mẫu D được. Mặc dù mẫu D nói trên có đánh dấu "X" tại cột 8 (nghĩa là sản phẩm đạt hàm lượng ASEAN 100%) nhưng hàm lượng ASEAN thực sự trong những model nói trên thấp hơn mức 100% rất nhiều. Vì vậy, mẫu D này có những thông tin hoàn toàn sai".

Bộ Thương mại Việt Nam đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành Thương mại - Hải quan - QLTT để kiểm tra vụ việc. Kết quả: có 4.397 chiếc tivi (23 bộ tờ khai Hải quan) đạt trị giá 729.230 USD và một số lô hàng điện tử, điện lạnh khác như nồi cơm điện, tủ lạnh, lò vi sóng… mang các nhãn hiệu lớn của Nhật Bản đã làm thủ tục nhập khẩu có sử dụng C/O mẫu D. Tất cả các mẫu D này tại ô số 8 có đánh dấu "X" và nhìn bề ngoài chưa thấy phát hiện dấu hiệu làm giả C/O.

Ông Vũ Quốc Tuấn - Phòng Đối ngoại của Công ty Sony Việt Nam cho biết: "Cho dù các công ty tại Thái Lan có sử dụng được 100% nguyên vật liệu tại Thái Lan (điều này hết sức vô lý) thì cũng phải trả tiền bản quyền công nghệ, bản quyền sử dụng nhãn hiệu cho phía Nhật Bản (chiếm khoảng 3-5% giá bán sản phẩm) nên không thể nào đạt được mức 100% như nêu trong các C/O form D nói trên. Vì vậy, tất cả 23 hồ sơ có C/O form D trên có thể là C/O giả hoặc có sai sót nghiêm trọng. Nếu tính tất cả các mặt hàng của 23 lô hàng trên thì giá trị xấp xỉ 1 triệu USD.

Hiện vụ việc này vẫn đang được tiếp tục điều tra để làm rõ. Bộ Thương mại cũng đã đề nghị Tổng cục Hải quan chỉ đạo cơ quan Hải quan địa phương rà soát và kiểm tra chặt chẽ tình hình nhập khẩu hàng điện tử, điện lạnh có xuất xứ từ các nước ASEAN hoặc từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam (đặc biệt qua các cửa khẩu giáp ranh với Lào như Lao Bảo và Cầu Treo) có sử dụng C/O mẫu D trên phạm vi cả nước, để phát hiện và có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp gian lận về xuất xứ.

Hiện nay, đang vào cao điểm mùa mua sắm cuối năm và giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng điện tử, điện máy trong khu vực ASEAN. Đây cũng là thời điểm hàng lậu, hàng trốn thuế đánh vào thị trường nội địa mạnh nhất.

…Cạo, sửa "date" thực phẩm, nước uống

Tại TP Hồ Chí Minh, ngày 3/1, Đội QLTT quận Bình Thạnh cùng các cơ quan chức năng quận kiểm tra, phát hiện tại số 123-125 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh đang kinh doanh, dự trữ nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến ngoại nhập quá "date". Đây là chi nhánh của Công ty TNHH Tốt Lành (Good Food) có trụ sở ở đường Nguyễn Huệ, quận 1. Tại nơi kiểm tra, có 20 bao bột chiên và 16 thùng dầu ô liu đã hết hạn sử dụng. Hàng chục thùng sữa cà phê dạng bột, sữa dùng chế biến thức ăn, nước trái cây cũng đều hết hạn từ tháng 10, 11/2005. Ngoài ra, có 1,1 tấn thịt bò, cừu, gà, gà Tây ngoại nhập được đóng gói, in nhãn hiệu và phân phối trên thị trường không qua khai báo với cơ quan thú y địa phương.

 Ngày 30/12/2005, Công an phường 7, Gò Vấp, QLTT Gò Vấp và Đội Y tế dự phòng Gò Vấp kiểm tra tại kho chứa hàng của Công ty TNHH SXTM Trava do ông Trần Hòa làm Giám đốc và Chi nhánh Công ty liên doanh TNHH Luveco do ông Hoàng Văn Thông phụ trách. Tại tầng hai, việc thực hiện bôi xóa, lột nhãn các sản phẩm "date" quá hạn, sơn lại, đóng "date" mới đối với các loại sản phẩm gồm: thùng vải thiều đóng hộp, hộp nước hạnh nhân, nước tăng lực hiệu Super. Tại hiện trường, một số thùng nước vải thiều lon thiếc đã bị gỉ sét, có thùng bị phù, xì nước ra ngoài. Hàng hóa còn chất đầy ở tầng 1 và tầng trệt đã hết hạn sử dụng hoặc mất phẩm chất. Lực lượng kiểm tra đã tạm giữ 5.035 thùng vải thiều đóng hộp (12 lon/thùng), 9 bloc hộp nước hạnh nhân (24 lon/bloc) và 52 bloc nước tăng lực hiệu Super đã sửa hạn sử dụng.

Hiện nay, công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý gian lận thương mại vẫn đang được các ngành chức năng triển khai thực hiện. Điều chắc chắn rằng, vẫn còn nhiều trường hợp lợi dụng nhu cầu mua sắm cuối năm của người tiêu dùng tăng cao để trà trộn hàng giả, kém chất lượng vào tiêu thụ. Nhất là những khu vực xa nơi trung tâm thành phố, vùng sâu, vùng xa, hàng kém chất lượng thường được tuồn về đây để bán giá rẻ cho người lao động.

Thiết nghĩ, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng cần tăng cường lực lượng và phối hợp nhiều ngành để kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp gian lận trong kinh doanh. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần tự bảo vệ mình bằng cách mua sản phẩm có nhãn mác ghi đầy đủ các thông tin trên sản phẩm. Sản phẩm phải có xuất xứ rõ ràng và nếu là hàng ngoại nhập thì có nhãn phụ bằng tiếng Việt dán kèm

Thúy Hà
.
.
.