Nhiều giải pháp đưa vốn rẻ đến với doanh nghiệp

Thứ Tư, 08/05/2013, 21:03
Ngày 7/5, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đã có cuộc tiếp xúc với các đại diện khối DN tại thành phố nhằm kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất - kinh doanh của DN trong thời điểm khó khăn hiện nay để đưa ra bàn thảo tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 13 ngay trong tháng 5 này.

Theo phản ánh của nhiều DN trên địa bàn, hiện tại lãi xuất cho vay vẫn còn cao, nhiều DN không dám vay để tiếp tục sản xuất. Cụ thể, DN dù đang được vay với lãi suất 11%, nhưng đối với các khoản vay trung hạn vẫn phải chịu lãi suất 15%, quá nặng đối với DN trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay bằng đồng USD của ngân hàng cũng vẫn còn cao làm giảm khả năng cạnh tranh của các DN xuất khẩu.

Phản ánh với đoàn đại biểu Quốc hội của thành phố, nhiều DN cũng cho rằng Nghị quyết 02 của Chính phủ đã đi vào thực tế nhưng còn chậm, một số gói kích cầu đã triển khai nhưng chưa hiệu quả. Đồng thời, tiền sử dụng đất khá cao cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất của DN.

Theo đại diện Hiệp hội Nhựa thành phố, mấy năm trước nhiều DN nhựa đầu tư công nghệ tiên tiến và chú trọng vào những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao nhưng giờ co cụm lại, không dám vay để tiếp tục đầu tư sản xuất. Trong khi đó nhiều DN nhựa khác lại quay sang sử dụng máy móc Trung Quốc để sản xuất những mặt hàng rẻ tiền, ít chất xám theo kiểu đối phó với tình hình khó khăn hiện nay.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho hay, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại TP đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lãi suất cho vay xuống dưới 10% và còn khả năng giảm xuống nữa. Tuy  chưa có một văn bản nào khẳng định kéo lãi xuất xuống dưới 10%, song thực tế, nhiều DN tại thành phố đã được vay với lãi suất 10 - 11%/năm.

Từ tháng 4/2012 tới nay, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại đưa ra khoản cho vay mới đạt khoảng 102.000 tỷ đồng cho 5 lĩnh vực ưu tiên, trong đó hơn 70.000 tỷ dành cho 23.900 DN vừa và nhỏ. Tính từ tháng 6/2012 tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần giảm trần lãi suất huy động từ 14% xuống còn 8,5%. Nhưng do còn tồn tại nhiều rủi ro nên nếu tiếp tục giảm trần lãi suất huy động nữa sẽ có nhiều bất ổn. “Sắp tới lãi suất có giảm thì cũng chỉ nhỏ giọt chứ không giảm mạnh như trong năm 2012”, ông Minh dự đoán.

Cũng theo ông Minh, để giải quyết bài toán tiền dư trong các NHTM khi cứ huy động 3,8 đồng thì chỉ cho vay ra được 1 đồng. Thậm chí tại thành phố huy động tiền gửi tăng 4,06% trong khi cho vay ra chỉ tăng 1,55%. Số tiền chênh lệch rất lớn giữa huy động và cho vay được NHTM hạn chế rủi ro bằng cách quay ra đầu tư vào trái phiếu Chính phủ hoặc dồn tiền vào mua vàng để trả nợ người gửi.

Từ đầu năm đến nay, các NHTM đều mở rộng đối tượng cho vay, nhưng điều kiện cho vay lại không được mở rộng; những DN đủ điều kiện lại không dám vay vì sợ tăng lượng hàng tồn kho. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố đã phối hợp với Sở Công Thương rà soát lại toàn bộ DN trên địa bàn đang vay với lãi suất 15% để có biện pháp kéo giảm lãi suất vay xuống 13%/năm. Đồng thời, đẩy mạnh chương trình kết nối NH-DN; đảm bảo đã ký kết vay vốn thì phải giải ngân được

Đ.Thắng
.
.
.