Nhiều dự đoán bi quan cho giá vàng năm 2015

Chủ Nhật, 04/01/2015, 13:13
Không có lực đẩy nào, giá vàng năm 2015 vẫn bị nhấn chìm bởi nhiều dự báo khá bi quan.

“Ôm” vàng bị lỗ

Kết thúc năm 2014, kim loại vàng đánh dấu tiếp một ngày mất giá khi hợp đồng vàng giao tháng 2 trên bộ phận Comex của sàn Nymex giảm 16.30 USD/oz (tương ứng 1,4%) còn 1.184,10 USD/oz, sau khi lên tới 1.203,90 USD/oz vào đầu phiên. Tính chung cả năm, giá vàng giảm 1,5% so mức đóng cửa 1.202,30 USD/oz tại ngày 31/12/2013. Hợp đồng vàng giao ngay giảm 1,6% còn 1.180 USD/oz.

Hôm thứ ba, hợp đồng này chạm mức cao nhất trong gần 2 tuần tại 1.209,90 USD/oz do mối lo ngại về căng thẳng giữa Nga và phương Tây đã khiến đồng USD và các thị trường chứng khoán suy yếu. Tính chung cả năm 2014, giá vàng quốc tế ít biến động hơn so với năm 2013 (năm 2013, giá vàng thế giới giảm 28%, đánh dấu năm giảm đầu tiên trong 13 năm, và di chuyển trong biên độ 500 USD/oz). Biên độ dao động của giá vàng trong năm 2014 là 260 USD/oz, dù vào tháng trước, giá vàng đã rớt xuống mức thấp nhất 4 năm rưỡi.

Với thị trường vàng trong nước, ngày giao dịch cuối cùng của năm 2014 đã khép khi vàng SJC TP Hồ Chí Minh giao dịch ở mức 34,83 - 35,13 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC miền Bắc mua vào 35,06 triệu đồng/lượng, bán ra 35,16 triệu đồng/lượng. Nếu so sánh với thời điểm kết thúc năm 2013, khi giá vàng SJC ở mức 34,78 triệu đồng thì ròng rã suốt cả năm 2014 giá vàng chỉ cộng thêm được cho mình vài trăm nghìn mỗi lượng. Nếu làm phép tính đầu tư với những người “ôm” vàng, rõ ràng họ đã bị lỗ so với mức lạm phát.

Trong tháng cuối cùng của năm 2014, giá vàng trong nước chỉ có biến động mạnh vào đầu tháng, sau đó giá biến động chậm dần lại, với biên độ dao động thu hẹp. Diễn biến giá vàng quốc tế những ngày cuối năm hầu như không có tác động nhiều tới giá vàng trong nước, và giá vàng SJC chỉ xoay quanh ngưỡng 35,1 triệu đồng/lượng.

Cả năm 2014, giá vàng trong nước thể hiện rõ xu hướng ổn định hơn giá vàng quốc tế, đồng thời giữ mức chênh lệch lớn so với giá vàng quốc tế. Hiện tại, giá vàng SJC bán lẻ cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 3,9 triệu đồng/lượng. Mức giá đỉnh của vàng SJC trong năm nay là hơn 37 triệu đồng/lượng, trong khi mức giá đáy của năm là dưới 35 triệu đồng/lượng. Giá vàng thiếu “sóng” trong năm 2014 là một trong những nguyên nhân khiến vàng giảm bớt sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Đầu tư vàng rất dễ rủi ro.

Vàng sẽ xuống 1.000 USD/oz?

Trở lại giá vàng thế giới, hiện tại, giới đầu tư quốc tế vẫn đang bi quan về triển vọng giá vàng do sự phục hồi bền vững của nền kinh tế Mỹ và sức mạnh của đồng USD. Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sớm tăng lãi suất trong năm 2015 đang gây sức ép giảm giá đối với kim loại quý. Quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã kết thúc năm bằng phiên bán ra 0,21% khối lượng vàng nắm giữ. Hiện quỹ này đang nắm 710,8 tấn vàng, mức thấp nhất trong 6 năm.

Cùng với đó, nhiều nhà phân tích cho rằng, giá vàng năm 2015 có khả năng giảm xuống 1.000 USD/oz do chịu sức ép của đồng USD. Điển hình cho dự đoán bi quan này là Nouriel Roubini - nhà kinh tế học được gọi với cái tên “Dr.Doom” (Tiến sĩ Doom). Trong năm 2013, ông là người đã có dự báo về kinh tế thế giới sẽ biến động với những nhân tố xảy ra cùng một lúc là tăng trưởng chậm lại ở Mỹ, khủng hoảng nợ ở châu Âu, sự giảm tốc của các nền kinh tế mới nổi (đặc biệt là Trung Quốc) và xung đột vũ trang ở Iran…

Khá tin cậy vào dự đoán của Dr.Dom, Kitco News đã có cuộc khảo sát hướng giá vàng năm 2015 với câu hỏi: “giá vàng có xuống ngưỡng 1.000 USD/oz trong năm 2015 hay không?”. 30 người tham gia cuộc khảo sát, đa số đều cho rằng Dr.Doom có thể đúng, và vàng có thể giảm xuống 1.000 USD/oz.

Những người theo quan điểm bi quan cho rằng, đồng USD mạnh sẽ gây áp lực lên giá vàng, nên giá kim loại quý này hoàn toàn có thể giảm sâu. Thực tế, theo phân tích, vàng là một loại hàng hóa định giá bằng USD, và khi đồng USD lên giá, vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư bằng ngoai tệ khác, điều đó làm giảm nhu cầu và gây áp lực tới giá. “Triển vọng giá vàng tiếp tục bi quan do thách thức từ đồng USD mạnh”, nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết.

Cùng với đồng bạc xanh, giá dầu sụt giảm đã đè nặng chỉ số hàng hóa, kéo theo sự đi xuống của giá kim loại quý. Rồi còn các nguyên nhân khác như triển vọng về tăng trưởng kinh tế và lạm phát cũng góp phần “níu” giá kim loại xuống.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với đánh giá bi quan này. Colin Cieszynski, nhà phân tích thị trường cao cấp tại CMC Markets cho rằng, họ không mong đợi giá vàng giảm thấp hơn. Colin Cieszynski cho rằng ông không thấy có lý do để vàng giảm về 1.000 USD/oz, do châu Âu có vẻ như đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế mới, nên sẽ tạo ra nhu cầu trú ẩn an toàn với vàng. Hiện tại, Ciesynski cho rằng, giá vàng đã ổn định ở ngưỡng 1.200 USD/oz và sẽ dao động quanh ngưỡng này trong ít nhất cho đến tuần đầu tiên hoặc thứ hai của năm mới.

“Giá vàng thế giới hiện đã giảm sâu và có thể quay đầu tăng, nhưng không có nghĩa là đầu tư vàng tại Việt Nam có thể kiếm lời. Bởi thứ nhất, giá vàng biến động rất khó lường. Thứ hai, thị trường vàng trong nước không liên thông với thị trường vàng thế giới. Thứ ba, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện đang rất cao, trên 4 triệu đồng/lượng. Với những yếu tố này, dù giá vàng thế giới tăng, người đầu tư vàng vẫn có thể thua lỗ như thường, chưa kể, thị trường vàng trong nước lâu nay không có sóng, nên vàng không còn hấp dẫn.

Tương tự, với USD, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dù đồng USD có khả năng tăng giá trên thế giới, song ở nước ta, Chính phủ chủ trương giữ ổn định tỷ giá, cho nên, mua USD để đầu tư có thể không lỗ, song khả năng sinh lời là không cao.
Lệ Thúy
.
.
.