Nhiều dự án nông nghiệp đầu tư hàng trăm tỷ đồng vẫn dang dở

Thứ Năm, 22/08/2013, 08:07
Người dân Hà Nội đang ngày ngày đối mặt với những nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) do lượng rau, thịt sạch trên thị trường còn rất hạn chế. UBND TP Hà Nội cũng đã cho triển khai hàng loạt dự án lớn nhằm xây dựng những vùng trồng rau, hoa công nghệ cao, những lò giết mổ công nghiệp với công suất lớn. Nhưng sau nhiều năm, những dự án đổ hàng trăm tỷ đồng này tỏ ra không hiệu quả, gây lãng phí và bức xúc cho người dân.

Dự án xây dựng khu trồng hoa hàng hóa tập trung Tây Tựu với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng được UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2004. Với kỳ vọng năm 2010, Thủ đô Hà Nội sẽ có một "công viên" hoa vừa hiện đại, vừa giữ được nét đẹp truyền thống của một làng hoa lâu đời, UBND TP Hà Nội đã quyết định giao cho UBND huyện Từ Liêm làm chủ đầu tư thực hiện.

Dự án nằm trọn vẹn trong địa giới xã Tây Tựu và một phần thuộc xã Liên Mạc với tổng diện tích 526ha, gồm nhiều tiểu dự án như: Quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống điện, giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi, các dự án về khuyến nông như tổ chức tập huấn, hỗ trợ, triển khai các giống mới cho nông dân vùng hoa. Đặc biệt, dự án dành ra 10ha để thực hiện phần quan trọng nhất, được coi là điểm nhấn để nâng tầm cho cả vùng hoa, biến Tây Tựu trở thành "Công viên hoa" giữa lòng TP, là tiểu dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và bảo quản hoa. Tiểu dự án này được giao cho Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (HADICO) là chủ đầu tư.

Một khu đất dành cho dự án trồng hoa vẫn được nông dân tận dụng trồng màu.

Mới đây, Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP Hà Nội đã tổ chức giám sát tình hình triển khai thực hiện Dự án xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản, phát triển vùng hoa Tây Tựu, huyện Từ Liêm.

Tại buổi giám sát, Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội (HADICO) – đơn vị chủ đầu tư báo cáo: Dự án bao gồm 18 gói thầu, thời gian thực hiện dự án kéo dài từ 2008 – 2011 và đã được gia hạn đến 30/12/2013. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn còn rất nhiều gói thầu chưa hoàn thành. Nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ của dự án, theo phía HADICO là do vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng và thủ tục vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển TP.

Theo ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP, Trưởng đoàn giám sát nhận định, tiến độ thực hiện dự án xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản, phát triển vùng hoa Tây Tựu còn chậm và khi đầu tư chưa gắn kết chặt chẽ vùng lõi với toàn vùng.

Dự án công nghệ cao trong sản xuất, phát triển vùng hoa Tây Tựu (huyện Từ Liêm, Hà Nội) gần chục năm vẫn giậm chân tại chỗ.

Vậy là một dự án được kỳ vọng -  dự án duy nhất của ngành nông nghiệp Hà Nội được UBND TP lựa chọn để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã để lại nhiều nỗi thất vọng cho người dân Thủ đô. Không chỉ Dự án xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản, phát triển vùng hoa Tây Tựu gần như phá sản, Hà Nội còn Dự án sản xuất bảo quản và tiêu thụ rau an toàn tại huyện Đan Phượng được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2009, nhưng đến thời điểm này, đây vẫn là dự án treo trong khi người dân Hà Nội đang ngày ngày ngóng chờ rau sạch.

Dự án này cũng được giao cho HADICO làm chủ đầu tư, có quy mô khoảng 84,2ha trên địa bàn xã Đồng Tháp, Phương Đình, Song Phượng (huyện Đan Phượng), tổng đầu tư hơn 103 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách hơn 52 tỷ đồng, còn lại là của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho vùng sản xuất với diện tích hơn 5,4 nghìn m2 tại xã Song Phượng.

Mục tiêu của dự án là xây dựng cơ sở hạ tầng kĩ thuật và quy trình công nghệ tiên tiến trong bảo quản, tiêu thụ, hình thành vùng sản xuất rau tập trung. Từ đó, đây sẽ là nơi cung cấp khoảng 6.000 tấn rau quả an toàn/năm cho Thủ đô và các tỉnh lân cận. Đường đã làm xong, nhưng đến giờ phút này dự án cũng không được người dân chào đón bởi lẽ, đầu ra cho rau an toàn vẫn là bài toán đầy thách đố và người nông dân không theo nổi bởi lẽ đầu tư cho rau an toàn nhiều nhưng bán ra lại rẻ như rau thường.

Nhìn chung, nhiều dự án trong lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội đang chậm tiến độ gây thất thoát, lãng phí. Ngay cả dự án "Đại công trình" tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích (huyện Ba Vì) có tổng vốn đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng cũng tương tự. Theo tiến độ, công trình kè cống Thuần Mỹ, kè bảo vệ phần lớn phải hoàn thành trong tháng 5, tháng 6 nhưng đến nay nhiều hạng mục chưa đạt 50% khối lượng thi công. Ở gói thầu đào mới lòng dẫn kênh (gói 12b) đã giải ngân được 116,5 tỷ đồng nhưng khối lượng thực hiện rất thấp.

Đại diện Ban Quản lý Dự án Sông Tích cũng đã lên tiếng thừa nhận những yếu kém, lúng túng của nhà thầu trong triển khai thi công thí điểm phân đoạn kênh bê tông. Công tác GPMB cũng gặp vướng mắc, riêng huyện Ba Vì phải thu hồi 317ha nhưng mới bàn giao được 88ha.

Trong khi những dự án lớn được đầu tư tiền tỷ này vẫn còn dang dở, chưa có phương án giải quyết triệt để, UBND TP Hà Nội lại vừa đồng ý về nguyên tắc để Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội (HADICO) được sử dụng 200m2 của Dự án cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tại chợ đầu mối Minh Khai để triển khai dự án thành lập Công ty cổ phần Thực phẩm Fuji - Việt Nam, thời hạn sử dụng tối đa không quá 5 năm. Mục tiêu là thực hiện dự án “Nhà máy chế biến thịt bò công nghệ Nhật Bản”. Vậy là Hà Nội sẽ lại có thêm một dự án công nghệ cao. Nhưng, liệu người dân có nên mừng vui khi mà đơn vị được giao làm chủ đầu tư hiện cũng đang “mắc” tại hai dự án khác?

Ngọc Yến
.
.
.