Nhiều doanh nghiệp lao đao vì hàng ngàn tấn hải sản tồn kho

Thứ Sáu, 02/09/2016, 08:32
Mặc dù đã cố gắng trong việc tìm đầu ra để tiêu thụ hải sản được thu mua từ các tàu đánh bắt xa bờ, nhưng đến nay nhiều chủ doanh nghiệp (DN), cơ sở thu mua hải sản tại 4 tỉnh, thành Bắc miền Trung đang rơi vào cảnh lao đao, do còn hàng ngàn tấn hải sản trị giá hàng trăm tỷ đồng tồn đọng trong các kho đông lạnh…

Tại tỉnh Thừa Thiên- Huế, sau hơn 4 tháng xảy ra sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra, hiện có rất nhiều kho đông lạnh chứa đầy ắp hải sản được các chủ DN thu mua trước và sau thời điểm cá chết do không thể tiêu thụ được. 

Những ngày đầu tháng 9-2016, chúng tôi tìm về cảng cá Thừa Thiên- Huế đóng ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang và bắt gặp những ánh mắt buồn bã của các chủ cơ sở hải sản đông lạnh tại đây… 

Dẫn chúng tôi đi xem 2 kho lạnh chứa vô số bao tải, bên trong những bao này là các hộp cá, bà Nguyễn Thị Thủy (trú ở TP Huế), chủ cơ sở thu mua hải sản Chính Thủy, bày tỏ nhiều băn khoăn, lo lắng về số cá tồn đọng này. 

Bà Thủy cho biết, vào tháng 5 và 6-2016, cơ sở bà thu mua được trên 200 tấn cá chủ yếu là cá nục và cá bánh lái với giá từ 10 đến 15.000 đồng/kg. Sau khi bán được khoảng 50 tấn và không thể tiêu thụ tiếp nên 150 tấn cá còn lại trị giá 1,7 tỷ đồng được bà Thủy cấp đông, đóng thùng ghi rõ ngày tháng nhập rồi cho vào kho lạnh bảo quản. 

“Đến nay, cơ sở chúng tôi không biết phải xử lý ra sao với số cá này khi bình quân mỗi tháng các kho lạnh tiêu tốn hàng chục triệu đồng tiền điện. Đó là chưa kể đến số tiền 1 tỷ đồng được vợ chồng tôi vay ngân hàng với lãi suất 7,7%. Vì cá không tiêu thụ được nên nợ nần giờ ngày càng chồng chất, rất khó khăn”.

Bà Nguyễn Thị Thủy lo lắng khi có 150 tấn cá đang tồn kho lạnh.

Cạnh cơ sở bà Thủy là cơ sở kho đông lạnh và sản xuất nước đá Tám Thế do ông Trần Văn Châu làm chủ cũng đang tồn kho 450 tấn cá. Trong đó có 400 tấn cá nục, 50 tấn cá sòng và mực đang được cấp đông tại 5 kho lạnh. Ông Châu cho hay, trước thời điểm cá biển chết, cơ sở ông vay hơn 6 tỷ đồng với lãi suất 7%/năm từ ngân hàng để phục vụ việc thu mua hải sản. 

“Số lượng cá đang tồn trong các kho đông lạnh của cảng đều được Chi cục Thủy sản thuộc Sở NN&PTNT tỉnh cấp giấy chứng nhận an toàn khi được thu mua từ các tàu cá đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên do tâm lý người tiêu dùng e ngại nên các thương lái đều không thu mua khiến hải sản tồn đọng mãi trong kho. Vì thế, rất mong muốn Bộ NN&PTNT sớm có hướng giải quyết để các chủ cơ sở kho đông lạnh như chúng tôi có biện pháp xử lý số cá này”, ông Châu kiến nghị. 

Để hỗ trợ việc tiêu thụ hải sản trên địa bàn sau sự cố cá chết, từ tháng 5-2016, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phối hợp với các cơ quan chức năng mở nhiều điểm bán hải sản sạch, an toàn tại siêu thị Co.op Mart Huế, chợ Đông Ba, An Cựu, Tây Lộc... Tuy nhiên chỉ sau một thời gian, vì việc tiêu thụ hải sản gặp khó khăn nên các điểm bán hải sản sạch này cũng dần đóng cửa. 

Trước vấn đề tâm lý người dân còn e ngại khi sử dụng hải sản, ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, ngoài việc cấp giấy chứng nhận hải sản an toàn cho các tàu đánh bắt xa bờ, mới đây Sở còn thành lập tổ chuyên môn đóng tại cảng Thuận An để xác nhận hải sản an toàn trước khi cung cấp cho người dân. 

“Tất cả số hải sản đang nằm trong kho đông lạnh trên địa bàn tỉnh phải được xét nghiệm, bảo đảm các yếu tố an toàn cho người tiêu dùng mới được cung cấp ra thị trường. Bởi nếu không xét nghiệm thì không biết số cá này được thu mua vào thời điểm nào, trước hay sau sự cố cá chết”, ông Nguyên khẳng định.

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, sau sự cố môi trường biển, hiện tại 4 tỉnh thành Bắc miền Trung, gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế còn đang lưu tồn khoảng gần 4.000 tấn cá trong các kho đông lạnh. Trong đó, chỉ tính riêng tỉnh Quảng Bình còn 2.000 tấn cá tồn kho và hiện tỉnh này đã hỗ trợ khoảng 26 tỷ đồng đối với các đại lý thu mua cá. 

“Do tâm lý người dân lo sợ cá biển không an toàn nên việc tiêu thụ của các cơ sở, doanh nghiệp thu mua cá rất khó khăn dù các chủ cơ sở đã rất nỗ lực để tìm đầu ra. Vì thế, các kho đông lạnh này cần sớm được lấy mẫu kiểm nghiệm để có phương án giải quyết”, ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết nguyên nhân dẫn đến việc tồn kho số lượng lớn hải sản trên địa bàn.

Hiện, các chủ DN, cơ sở thu mua hải sản ở các tỉnh, thành Bắc miền Trung đang rất mong đợi hướng giải quyết từ Bộ NN&PTNT, trong đó cấp bách nhất là việc lấy mẫu hải sản các kho đông lạnh để kiểm nghiệm nhằm giúp người dân có biện pháp xử lý kịp thời.

Anh Khoa
.
.
.