Nhiều doanh nghiệp FDI lấn lướt doanh nghiệp nội

Thứ Sáu, 10/04/2015, 08:37
Tỷ lệ các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi giá trị, cung ứng linh phụ kiện, dịch vụ cho các dự án FDI rất thấp. Ví như Canon có tới hơn 100 nhà cung cấp, tỷ lệ nội địa hoá là hơn 60%, nhưng các DN Việt Nam chỉ chiếm 10% trong số này, chủ yếu ngành đòi hỏi kỹ thuật đơn giản.

Tại hội nghị Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến kinh tế Việt Nam vừa diễn ra sáng 9/4, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Trưởng Ban Thông tin doanh nghiệp và thị trường, Trung tâm Thông tin và dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia nhận định: Vẫn còn 5 tồn tại lớn ở dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam hiện nay.

Điểm đầu tiên là công nghệ tiên tiến ở các DN FDI vào Việt Nam vẫn chưa nhiều, vẫn chủ yếu khai thác tài nguyên thiên nhiên, ít có công nghệ nguồn.

Đa số các dự án FDI tập trung ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoặc ở dịch vụ, cần vốn lớn nhưng mức độ tác động lan toả công nghệ thấp. Kế đến là hiện tượng chuyển giá và trốn thuế ở các DN FDI đã diễn ra. "Khoảng 20-30% FDI kê khai lỗ liên tiếp trong 2-3 năm, thậm chí là lỗ kéo dài 5 năm. Chiêu phổ biến nhất là kê khai giá chi phí đầu vào tăng cao để báo lỗ", ông Hoàng cho biết.

Ảnh minh họa: CTV.

Cùng đó, cơ cấu đầu tư của DN FDI cũng chưa cân đối. Các dự án FDI vừa qua tập trung nhiều vào công nghiệp, xây dựng, bất động sản và đều dồn đến các địa phương có nhiều thuận lợi về hạ tầng, nhân lực.

Hoạt động của một số DN FDI gây tác động xấu đến môi trường cũng đã được phát hiện. Điều này cho thấy rõ xu hướng xuất khẩu ô nhiễm từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển ngày càng tăng. Trên thực tế, việc các DN FDI bị phát hiện vi phạm quy định bảo vệ môi trường ngày càng nhiều.

Điểm hạn chế cuối cùng được ông Hoàng chỉ ra là tình trạng ở nhiều lĩnh vực, FDI chiếm lĩnh độc quyền, lũng đoạn thị trường, khiến cho DN trong nước không còn cơ hội tiếp cận, điển hình như ngành nước có gas, nước tẩy rửa, thức ăn gia súc... trong đó, nổi lên một số DN FDI đã có khả năng kiểm soát ngành, làm méo mó thị trường.

Đơn cử như ở ngành chăn nuôi, hiện cả nước có 239 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi thì trong đó, 180 nhà máy của DN trong nước, 59 nhà máy của DN FDI. Số các DN FDI tuy ít hơn, nhưng lại có công suất lớn áp đảo với sản lượng cao. Riêng công ty CP (Thái Lan) và Cargill (Mỹ) đã chiếm 30% thị phần trong nước.

Thực tế, ngành này cũng đã có hiện tượng đẩy giá, làm giá trong nước cao hơn 20% so với khu vực, mất sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi. Cách đây 2 năm, CP còn là thủ phạm gây ra vụ đẩy giá trứng bất thường ở khu vực TP Hồ Chí Minh, khiến các siêu thị Việt Nam kêu trời, cơ quan quản lý ngành phải vào cuộc. ThS. Vũ Hoàng Dương, Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, mỗi năm chỉ giải ngân FDI được khoảng 10 tỷ USD cho thấy khả năng hấp thu FDI của Việt Nam tới giới hạn.

Ngành thức ăn chăn nuôi đang bị lũng đoạn bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tại hội nghị, các chuyên gia cũng đặt vấn đề tỷ lệ các DN trong nước tham gia được vào chuỗi giá trị, cung ứng linh phụ kiện, dịch vụ cho các dự án FDI rất thấp.

TS Vũ Quốc Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) dẫn 2 trường hợp Canon và Samsung. Canon đầu tư vào Việt Nam từ 2001 với tổng vốn hơn 300 triệu USD - rất lớn và là dự án quan trọng tại thời điểm đó. Từ khi thành lập chỉ có 7 nhà cung cấp, đến nay Canon đã có tới hơn 100 nhà cung cấp, tỷ lệ nội địa hoá là hơn 60%, nhưng các DN Việt Nam chỉ chiếm 10% trong số này, chủ yếu ngành đòi hỏi kỹ thuật đơn giản. Các linh kiện, phụ tùng đòi hỏi độ chính xác cao, chủ yếu là nhập khẩu hoặc do DN FDI trong nước cung cấp.

Samsung cũng vậy, tỷ lệ DN Việt Nam cung cấp cũng chỉ dưới 10%. Thách thức lớn trong mối liên kết này là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu rất khó khăn, đòi hỏi tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả, công nghệ. DN trong nước phải đủ khả năng phá vỡ mắt xích, thay thế, để tham gia quá trình này. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều DN đáp ứng được yêu cầu này.

Khẳng định không có đầu tư nước ngoài thì không thể phát triển được như ngày nay, nhưng ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cũng thừa nhận, tác động lan toả của FDI chưa tương xứng, chuyển giao công nghệ chưa nhiều.

Mục tiêu của Nghị quyết 103 đã đặt ra rõ ràng: thu hút FDI là tạo nguồn lực cho phát triển, có tác động lan toả đối với nền kinh tế trong nước, thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, tạo công ăn việc làm, tập trung thu hút các tập đoàn lớn, chú trọng các DN nhỏ và vừa, có tính lan toả cao, dẫn dắt trung gian. Các điểm nghẽn hiện nay là về cơ sở hạ tầng, lao động, thủ tục, sự hỗ trợ tiếp cận...

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ hội nhập sâu hơn bằng sự ra đời của Cộng đồng ASEAN, Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương chuẩn bị ký kết, rồi các FTA với Hàn Quốc, Bắc Âu... mà cùng với đó, ta là một mắt xích trong chuỗi 55 các quốc gia từ Đông sang Tây, trong đó có 20 nước thuộc nhóm G20.

Nhưng trong bối cảnh này, DN Việt Nam vẫn còn thụ động. Có những DN có sự chuẩn bị như dệt may, nhưng các DN ngành khác chưa chuẩn bị nhiều. Chưa kể đến nguồn nhân lực sẽ được luân chuyển trong ASEAN. Họ có tác phong công nghiệp lâu, dây chuyền lâu, có tiếng Anh, tiếp cận nhanh. Còn chúng ta vẫn còn hạn chế ở hiệu suất lao động kém, tay nghề và kể cả rào cản ngôn ngữ.

Ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng: Việc đầu tiên phải làm là công nghiệp hỗ trợ. “Bộ Công thương đang soạn thảo Nghị định hỗ trợ, nhưng có nhiều điểm khó làm vì nằm ở luật, mà luật chưa sửa được, như là hải quan, thuế... Chúng tôi đề nghị phải nâng lên thành Luật Công nghiệp hỗ trợ thì mới có đột phá được, mới tạo điều kiện có tính lan toả”.

Huyền Phạm
.
.
.