Sau 5 ngày DN thực hiện Thông tư 79 của Bộ Tài chính:

Nhiều bất hợp lý về thủ tục hải quan

Thứ Ba, 09/06/2009, 14:47
Thông tư số 79/2009/TT-BTC "Hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu" (do Bộ Tài chính ban hành ngày 20/4/2009), có hiệu lực từ ngày 4/6, vừa mới đi vào thực thi được mấy ngày, nhưng đã khiến nhiều DN kêu ca có nhiều điểm bất hợp lý, kéo dài thời gian làm thủ tục, không chỉ gây thiệt hại cho DN mà còn phiền hà cho chính lực lượng Hải quan.

Khó cho doanh nghiệp

Chúng tôi có mặt tại KCN Thăng Long vào 12h trưa ngày 5/6, khi Thông tư vừa được đưa vào triển khai được hơn 1 ngày, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Tổng giám đốc thứ 1 Công ty TNHH Tiếp vận Thăng Long cho biết, ngay từ ngày đầu tiên triển khai, bà đã nhận rất nhiều cuộc điện thoại hỏi cách xử lý do hàng hóa bị ách tắc.

Các công ty đều có chung kiến nghị đó là Thông tư mới đang làm khó cho DN. Một nhân viên Phòng Xuất nhập khẩu của Công ty TNHH Hoyo còn cho biết thêm: Trước đây, Công ty này thường dùng hợp đồng cho cả năm, nhưng theo Thông tư 79, DN sẽ phải trình hợp đồng mỗi lần thông quan hàng hóa. Như vậy, mỗi ngày DN cũng phải nhiều lần fax hợp đồng từ Nhật sang, rất phiền hà...         

Một DN kinh doanh vận tải Nhật Bản cho biết: Trước khi thực hiện Thông tư 79, việc làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa từ các cửa khẩu về tới DN đơn giản, nhanh chóng hơn. Các lô hàng sau khi hoàn thành thủ tục hải quan, nếu được xác định là hàng miễn kiểm, sẽ được đem trả thẳng cho DN sản xuất.

Doanh nghiệp cho rằng Thông tư 79 khiến việc thông quan hàng hóa trở nên rườm rà, phức tạp hơn.

Theo quy định mới, các lô hàng miễn kiểm đều phải kẹp chì, chuyển Hải quan nơi mở tờ khai giám sát. Như vậy sẽ thêm công đoạn, mất thêm thời gian, bản thân cơ quan Hải quan cũng gặp khó khăn trong việc bố trí nhân viên kiểm hóa, dẫn đến ùn tắc hàng hóa... Việc kẹp chì riêng từng lô hàng làm phát sinh chi phí, trước đây 4, 5 lô hàng miễn kiểm chở chung trên một xe, nay phải dùng từ 4 đến 5 xe.

Thêm vào đó, nếu muốn lấy hàng ngoài giờ, DN phải đăng ký, đưa đón hải quan ở chi cục ngoài cửa khẩu để giám sát hàng hóa khi hàng về tới nhà máy hoặc địa điểm kiểm tra ngoài cửa khẩu.

Do đặc thù của các nhà máy trong KCN là sản xuất 3 ca (24h/24h) và chỉ nhận hàng trước giờ sản xuất 2-3 tiếng, do vậy, việc giao nhận hàng tại nhà máy được thực hiện vào tất cả các ca sản xuất (cả nửa đêm hoặc 1, 2h sáng), trong khi giờ làm việc của Hải quan kết thúc lúc 17h, hoặc có làm thêm thì muộn nhất là 21h.

Có những lô hàng, DN tính toán từng phút để đưa vào sản xuất cho kịp, trong khi đó việc thực hiện thêm các thủ tục này, khiến hàng hóa bị tắc nghẽn và thường xuyên chậm, ảnh hưởng rất lớn đến DN.

Sẽ sớm thay đổi

Bà Nguyễn Thị Thu Hà cũng cho biết: Dù Bộ Tài chính đã vài lần có Công văn chỉnh sửa một số điều trong Thông tư, nhưng ngày 21/5, công ty vẫn phải gửi văn bản, trong đó tập hợp các ý kiến của DN gửi lên Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TP Hà Nội, Chi cục Hải quan KCN Thăng Long đề nghị xem xét lại một số điều của Thông tư.

Điều gây trở ngại lớn nhất hiện nay, mà theo các DN "phải điều chỉnh ngay để không gây thiệt hại" là việc "giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển cửa khẩu" - điều 57. Theo mục 6, khoản C của điều này, thì hàng hóa, kể cả thuộc diện miễn kiểm, đều phải chuyển cho Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu niêm phong.

Được biết, trước khi Thông tư 79 có hiệu lực 1 ngày, Tổng cục Hải quan đã có Văn bản số 3238 ra ngày 3/6, gửi Cục Hải quan các thành phố hướng dẫn thực hiện Thông tư. Tại văn bản này cũng nêu rõ: chủ hàng được tự mở niêm phong nếu không có nghi ngờ về việc không đưa hàng về đúng địa điểm đã đăng ký.

Trường hợp có nghi ngờ chủ hàng không đưa hàng về đúng địa điểm đã đăng ký thì việc mở niêm phong phải có giám sát của hải quan

Lệ Thúy - Vũ Hân
.
.
.