Nhiều bất cập trong quản lý khai thác, vận chuyển và kinh doanh than tại Quảng Ninh

Thứ Hai, 31/05/2010, 08:25

Than do TKV khai thác nhưng tài nguyên quý giá này lại nằm trong địa giới quản lý hành chính tỉnh Quảng Ninh. Sự hình thành ngành than hàng thế kỷ qua còn gắn liền với lịch sử Quảng Ninh đủ để thành "thương hiệu" riêng từng địa phương. Tuy nhiên, việc khai thác, vận chuyển và kinh doanh than giờ đang để lại nhiều hậu quả về môi trường, TTATXH và cả về chiến lược phát triển kinh tế của Quảng Ninh.

Hiệu quả đến đâu?

Đến nay "chiến dịch" chống than lậu, lập lại trật tự trong quản lý, khai thác và kinh doanh than trên địa bàn Quảng Ninh đã bước sang năm thứ 3, nhưng vẫn chưa thể nói được rằng đã kiểm soát được tình hình. Quy chế phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, quản lý giữa tỉnh và ngành than vẫn còn rất nhiều điều cần tiếp tục điều chỉnh.

Ngày 20/5 vừa qua, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh với đông đủ các cán bộ lãnh đạo cao nhất tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc hội đàm với lãnh đạo cấp cao của TKV xung quanh việc đánh giá lại công tác phối hợp chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản, khai thác, vận chuyển và  kinh doanh than trên địa bàn. Đây là cuộc họp thường niên nhưng lại diễn ra sau khi vụ án trộm cắp than tại Công ty Than Mạo Khê ngày càng hé lộ những tình tiết mới, gần như nguyên cả một bộ máy lãnh đạo từ Ban Giám đốc đến các Trưởng, Phó phòng, ban đều bị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố, bắt tạm giam về hành vi tiếp tay cho kẻ gian trộm cắp than ngay trong ranh giới mỏ do công ty này quản lý.  

Mỏ than lộ thiên Cọc Sáu tại thị xã Cẩm Phả.

Tỉnh cho rằng mình đã cố gắng đến mức cao để làm tròn trách nhiệm của mình. Chỉ cách đây ít ngày (25 và 26/5), Đoàn công tác số 2 của Tỉnh uỷ đã đi kiểm tra kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo về quản lý hoạt động khai thác, chế biến, tiêu thụ than trên địa bàn tại các phường Quang Hanh, Mông Dương và một số khai trường, đường chuyên dụng, cảng bến tiêu thụ than trên địa bàn thị xã Cẩm Phả. Đây là điểm "nóng" nhất về than, ngoài 35 doanh nghiệp thuộc TKV đang thực hiện nhiệm vụ khai thác, chế bến, vận chuyển và kinh doanh than, trên địa bàn còn có 18 doanh nghiệp ngoài quốc doanh có chức năng bốc xúc, vận chuyển, kinh doanh than và 6 cảng, bến được phép tập kết, tiêu thụ than. Từ đầu năm 2009 đến hết tháng 3/2010, các lực lượng chức năng của thị xã đã bắt giữ 322 vụ, 380 đối tượng khai thác, lập bãi tập kết, vận chuyển và tiêu thụ than trái phép...

Theo chính quyền thị xã Cẩm Phả, than lậu tại đây luôn là vấn đề nhức nhối. Hầu như than lậu là vụ việc thường ngày, kèm theo đó là tranh chấp trong mua bán than, tranh giành "lãnh địa" dẫn đến mâu thuẫn, va chạm, gây phức tạp về ANTT. Cũng tại Cẩm Phả, dù TKV đã cam kết vận chuyển than bằng đường riêng, song môi trường bụi tại khu đô thị đông dân thứ nhì của Quảng Ninh này lúc nào cũng như đang ngập chìm trong bụi than. Nguyên nhân là có quá ít đường công vụ nhưng lại vô số bãi tập kết than, xỉ nằm lẫn trong khu dân cư. Cảng than quá nhiều nhưng hầu như không được đầu tư các công trình khắc phục ô nhiễm môi trường...

Nhiều bất cập cần sớm được khắc phục

Nhưng theo ông Vũ Đức Đam, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, hiện nay mặc dù tình hình đã được kiểm soát, song nguy cơ tái diễn khai thác, vận chuyển, tiêu thụ than trái phép luôn tiềm ẩn. Đặc biệt, còn quá nhiều lĩnh vực chưa có kết quả cụ thể, triển khai mang tính hình thức như công tác phối hợp quản lý, bảo vệ tài nguyên; công tác hoàn nguyên môi trường; việc thu mua than trôi nổi trong dân và xử lý than tồn trên bến bãi... Nếu không làm rõ được vấn đề này thì chỉ có cách lý giải duy nhất là TKV chưa thực sự bắt tay vào việc chấn chỉnh ngay từ nội bộ của ngành mình, chưa nhìn rõ được vai trò trách nhiệm, chỉ quan tâm đến hiệu quả, lợi nhuận kinh tế.

Còn những phức tạp phát sinh từ hòn than ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống KTXH, tình hình ANTT, môi trường bị tàn phá nặng nề vẫn chưa có cách ràng buộc trách nhiệm. Song, cũng cần nhìn nhận rằng, trong số những vấn đề tồn tại, có cái thuộc về địa phương, về TKV nhưng cũng không ít vướng mắc phải chờ đợi sự tháo gỡ từ phía Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương.

Liên quan tới lĩnh vực đầu tư xây dựng, UBND tỉnh đề nghị Tập đoàn TKV tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt; chủ động làm việc với các ngành, địa phương liên quan trong việc GPMB, triển khai việc đầu tư xây dựng các cảng, bến thuỷ nội địa tiêu thụ than theo đúng tiêu chí hiện đại, là nơi tập kết và tiêu thụ, không chế biến than tại cảng; đồng thời sớm giải quyết hết số than tồn trên các bến bãi, ngoài quy hoạch, than trôi nổi do dân thu gom... Đề nghị TKV cần quản lý chặt chẽ tới mức cao nhất có thể về các hoạt động khai thác, vận chuyển tiêu thụ than. Trong đó, cần tăng cường bảo vệ tối đa về an toàn trên mọi lĩnh vực tại những khu vực "dưới là mỏ than, trên có dân sống"

Lê Minh Triết
.
.
.