Nhật Bản mở rộng cửa tiếp nhận thực tập sinh nông nghiệp Việt Nam

Thứ Hai, 17/03/2014, 10:30
Sau năm đầu tiên cán đích kỷ lục đưa được 10 nghìn thực tập sinh Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản, năm nay Việt Nam đặt mục tiêu đưa 11 nghìn thực tập sinh sang làm việc, học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng, tác phong tại đất nước có trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến này.

Điểm đáng chú ý là trong năm 2014, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản thì cơ hội để lao động nông nghiệp Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản sẽ rất rộng mở khi mà cả hai nước đang tăng cường thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này. Trong chuyến về nước tham dự hội nghị phổ biến các văn bản pháp luật về đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mới đây, ông Nguyễn Gia Liêm, Tham tán, Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản đã có cuộc trao đổi với PV Báo CAND xung quanh cơ hội này.

PV: Nắm tình hình thực tế tại Nhật Bản, đồng thời tham dự nhiều cuộc tiếp xúc với các nghiệp đoàn, các DN Nhật Bản, ông đánh giá thế nào về khả năng tiếp nhận lao động Việt Nam trong năm nay?     

Ông Nguyễn Gia Liêm: Thị trường Nhật vẫn có cơ hội nhiều dành cho lao động Việt Nam. Điều này được khẳng định, về mặt khách quan thì quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đang rất tốt. Cùng với đó là luồng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam lớn, thông qua hoạt động hợp tác lao động, các DN Nhật Bản cũng mong muốn đào tạo nguồn nhân lực cho họ. Về mặt chủ quan thì ĐSQ Việt Nam tại Nhật Bản có chủ trương đẩy mạnh lĩnh vực này. ĐSQ đã thành lập tổ kinh tế, tập trung phát triển hợp tác về đầu tư, thương mại, khoa học kỹ thuật, đặc biệt là hợp tác về  nguồn nhân lực, thông qua tiếp nhận du học sinh, thực tập sinh Việt Nam. Đại sứ Đoàn Xuân Hưng cũng yêu cầu bộ phận lao động trong nhiệm kỳ 3 năm, mỗi năm tăng lên 1.000 lao động. Chúng ta đã đạt được khá thành công: Năm 2011 đưa được 7.000 thực tập sinh; năm 2012 hơn 8.000, năm 2013: hơn 10.000. Năm nay phấn đấu tăng, lên 11.000 thực tập sinh.

PV: Việc tăng số lượng thực tập sinh là một dấu hiệu đáng mừng, tuy nhiên cùng với đó cũng tạo áp lực lớn về việc quản lý lao động, đặc biệt là về mặt kỷ luật và chất lượng lao động. Ông đánh giá thế nào về chất lượng đào tạo của các DN cung ứng trong nước?

Ông Nguyễn Gia Liêm: Đúng vậy, chúng tôi đặt mục tiêu làm sao tăng phải đảm bảo sự ổn định. Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với cơ quan quản lý trong nước cùng với DN làm tốt các hợp đồng. Hiện nay, các DN trong nước đã làm khá tốt, bài bản về đào tạo, giáo dục định hướng. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý nhất là đào tạo khả năng tiếng Nhật cho lao động. Lao động Việt Nam được DN Nhật Bản đánh giá cao về độ chăm chỉ, sáng tạo, chỉ duy nhất khả năng tiếng Nhật vẫn là một rào cản lớn nhất để các bạn có thể hòa nhập nhanh với công việc và cuộc sống tại Nhật Bản.

Lao động Việt Nam làm nông nghiệp tại Nhật Bản.

PV: Việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp đang là vấn đề được nhiều lao động Việt Nam quan tâm, nhưng còn băn khoăn lo ngại về mức lương và điều kiện làm việc không bằng làm việc tại nhà máy. Ông có thể cung cấp thông tin xác thực về việc này?

Ông Nguyễn Gia Liêm: Để thúc đẩy việc này, Sứ quán và các cơ quan quản lý trong nước đã thống nhất, phải tăng cường đi xuống các địa phương có nhu cầu tiếp nhận lao động nông nghiệp của Nhật Bản. Năm ngoái, ĐSQ đã ký với tỉnh Ihime, có nhu cầu tiếp nhận 1.000 thực tập sinh ở lĩnh vực chế biến thủy sản và dệt may. Dự kiến tới đây, Cục QLLĐNN sẽ sang ký với tỉnh Ibaraki, tỉnh đứng thứ hai về nông nghiệp của Nhật Bản. Tỉnh này đang có 3.000 thực tập sinh nước ngoài, Việt Nam có khoảng 200 người. Ông Tỉnh trưởng cũng khẳng định mong muốn được tiếp nhận nhiều thực tập sinh Việt Nam. Chúng tôi đã đi đến từng hộ gia đình sử dụng thực tập sinh Việt Nam, điều kiện làm việc đảm bảo. Gia đình chủ nhà rất thoải mái, tin tưởng giao việc. Mức lương làm nông nghiệp tháng không phải vụ mùa bình quân đạt 800 USD, vào vụ mùa thì 1.400 USD/tháng. Dệt may bình quân đều đạt 1.000 USD/tháng.

PV: Việc đưa lao động nông nghiệp đã được các DN nào trong nước thực hiện?

Ông Nguyễn Gia Liêm: Hiện đã có một số DN đã triển khai tốt như Công ty Sao Việt và Công ty cổ phần XKLĐ Thương mại và Du lịch TTLC

Thu Uyên
.
.
.