Thị trường rau quả cuối năm:

Nhập "thả cửa", khó kiểm soát chất lượng

Thứ Năm, 18/11/2010, 14:49
Có một thực trạng tồn tại nhiều năm nay là càng gần cuối năm, rau quả nước ngoài nhập khẩu qua đường tiểu ngạch vào trong nước càng sôi động. Mỗi ngày, có khoảng 400 tấn rau, củ qua cửa khẩu Lào Cai vào nước ta. Nhưng, phần lớn số rau, quả nhập khẩu ấy mặc nhiên "ùn ùn" kéo về mà không gặp bất cứ sự kiểm soát nào về chất lượng.

Nhan nhản rau Trung Quốc bày bán tại chợ

Củ cải, cà rốt, bắp cải, cải ngọt, hành, tỏi, hành tây, cà chua… có lẽ, trong một sạp rau tại các chợ vào thời điểm này có đến một nửa là rau nhập từ Trung Quốc về. Còn theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất cung cấp rau quả cho Việt Nam.

Ước tính, mỗi ngày, có gần 400 tấn rau, củ, quả qua đường cửa khẩu Lào Cai vào Việt Nam. Nếu như trước đây, chỉ mùa đông mới thấy bắp cải xuất hiện tại chợ nhưng vài năm trở lại đây, dù vào giữa mùa hè nóng nực, bắp cải vẫn được bán khá nhiều. Những cây bắp cải cuộn chặt bé như cái bát tô đựng canh, củ cải trắng nõn to hay những củ khoai tây có bề mặt nhẵn mịn đều có xuất xứ từ Trung Quốc.

Có mặt tại chợ đầu mối Long Biên vào sáng sớm mới thấy rõ nguồn rau, củ, quả nhập khẩu từ Trung Quốc ùn ùn "tấn công" thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận nhiều đến mức lấn át hết rau nội. Những chiếc xe tải chất ngất rau, củ được đóng thùng, đóng tải lưới dán nhãn toàn chữ Trung Quốc đậu san sát.

Hàng chục cửu vạn cởi trần vác, khênh bốc dỡ hàng từ xe xuống chất đống trên lòng đường Trần Quang Khải. Tiếp đó, sau khi được trao đổi mua bán giữa lái buôn và người bán rau lẻ tại các chợ, rau được xếp vào lồng sắt buộc hai bên xe đạp, được chất từng bao tải lên xe máy và phóng về khắp nẻo đường.

6 rưỡi sáng, các chợ bán lẻ đã tấp nập người mua kẻ bán. Tại chợ Nguyễn Công Trứ, các sạp rau đã được bày biện tươi rói. Nhưng nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng của rau thì không ai dám đảm bảo. Tuy nhiên, phần lớn người tiêu dùng vẫn chấp nhận mua. Thi thoảng lắm mới có người hỏi củ cải của Việt Nam và nhận được câu trả lời gắt gỏng từ người bán hàng: "Củ cải ta bé tý như hai ngón tay, làm sao trắng nõn, phốp pháp như thế này được. Phải rét đậm, gần Tết mới có của Việt Nam".

Rau bắp cải trái vụ hầu hết đều có xuất xứ từ Trung Quốc.

Ngay tại chợ rau Vân Nội (huyện Đông Anh), nơi được cho là khá nhiều rau an toàn cũng tràn ngập rau, củ từ Trung Quốc. Thậm chí, người bán còn "phù phép" để rau, củ Trung Quốc giống trong nước. Khoai tây nhập khẩu về đến chợ được đổ thành đống, sau đó người bán đổ một túi phẩm màu gạch rồi xoa đều từng củ để giống khoai tây Đà Lạt.

Vẫn theo chu kỳ nhiều năm nay, từ khoảng tháng 9 đến hết Tết Nguyên đán, số lượng rau nhập khẩu sẽ tăng mạnh. Nguyên nhân là do thời tiết bước vào mùa lạnh, khô không có điều kiện cho rau phát triển. Trong khi đó, khí hậu của Trung Quốc thiên về ôn đới, rau, củ, quả dồi dào quanh năm. Và nếu cảm quan, nhìn rau, củ của Trung Quốc bắt mắt hơn rau nội địa.

Chất lượng rau nhập khẩu bị thả nổi

Điều đáng bàn là hầu hết các loại rau, củ nhập khẩu qua đường biên giới vào Việt Nam đều không được kiểm dịch và kiểm tra chất lượng. Theo ông Nguyễn Văn Tuân, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm dịch vùng 8 cho biết, đơn vị này chỉ có chức năng kiểm dịch côn trùng gây hại trên rau quả ngoại nhập khẩu.

Còn dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản… lại thuộc chức năng của đơn vị khác là trạm kiểm dịch y tế. Nhưng phía Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế thuộc Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai lại khẳng định đó là nhiệm vụ của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lào Cai và Chi cục Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Lào Cai.

Hai đơn vị này cũng không nhận đó là trách nhiệm của mình và "chuyển" nhiệm vụ sang Chi cục Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Lào Cai. Nhưng cuối cùng, Chi cục Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm cũng không được giao nhiệm vụ này. Và thực chất, chất lượng của rau nhập khẩu đang bị thả nổi, không ai kiểm soát trong khi hàng ngày, hàng trăm tấn rau cứ việc ùn ùn qua cửa khẩu xuôi về các tỉnh nội địa.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Miêng, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc rau Trung Quốc tràn vào Việt Nam không có gì bất thường, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, nên thông thương hai chiều giữa Việt Nam - Trung Quốc với một số mặt hàng nông sản trong đó có rau quả. Tuy nhiên, theo bà Miêng, để kiểm soát được chất lượng rau nhập khẩu, điều quan trọng là Việt Nam cần tiến tới xây dựng hàng rào kỹ thuật thương mại, không chỉ với Trung Quốc mà với các nước có rau xuất khẩu vào Việt Nam.

Còn với người tiêu dùng, lời khuyên mà Cục Bảo vệ thực vật đưa ra để phân biệt rau Trung Quốc và rau nội là nên ăn rau theo đúng vụ, hình thức của rau nhập khẩu cũng khá khác rau nội... Ngoài ra, khi vận chuyển rau Trung Quốc từ cửa khẩu về các chợ thường phải đóng thùng, cuốn xốp bảo quản và thậm chí có cả chữ của Trung Quốc, nên người mua rau cũng nên để ý các đặc điểm trên các thùng, bao bì

Ngọc Yến
.
.
.