Nhập lậu 1 tấn thuốc thú y… giả
Thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Gia Lộc, Hải Dương hết sức lo lắng và thất vọng bởi nhiều đàn gia súc, gia cầm của họ bị ốm song mua thuốc về chữa chẳng khỏi, gây thiệt hại lớn về tài sản mà không biết kêu ai.
Trước thực trạng trên, Công an huyện Gia Lộc đã khẩn trương vào cuộc. Kết quả xác minh bước đầu cho thấy: những thông tin trên hoàn toàn có cơ sở, Chuyên án sản xuất và buôn bán thuốc thú y giả đã được xác lập.
Các trinh sát được bám chặt tại những điểm buôn bán thuốc thú y và tại nhiều hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Gia Lộc và các địa bàn lân cận như Bình Giang, Thanh Miện... và đã nhanh chóng phát hiện một hiện tượng bất thường.
Đó là người giao, tiếp thị thuốc thì nhiều nhưng nổi lên có một người đàn ông và một phụ nữ chừng 40 tuổi, giống như một đôi vợ chồng, ít nói, ăn mặc tuềnh toàng và không có vẻ gì là dân buôn thuốc thú ý có bằng cấp. Mỗi lần giao hàng cho các quầy thuốc hoặc những hộ chăn nuôi, họ đều rất kín đáo, không hề khuếch trương...
Hàng của hai người này được tập kết tại một ngôi biệt thự rất đẹp mới xây dựng tại thôn Nam Cầu, xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc. Xác định chắc chắn đây là những đối tượng sản xuất và buôn bán thuốc thú y giả, thuốc nhập lậu từ Trung Quốc, đúng 7h30' ngày 27/5, Ban Chuyên án đã quyết định phá án.
Đúng lúc hai đối tượng đang dùng hai chiếc xe máy BKS 34L1-4800 và 33M2-0445 chở thuốc đi bán, lực lượng Công an đã xuất hiện yêu cầu kiểm tra. Hai đối tượng không xuất trình được thứ giấy nào về nguồn gốc số thuốc mà họ mang đi tiêu thụ.
Tại cơ quan Công an, các đối tượng đã lộ nguyên hình là cặp vợ chồng: Nguyễn Văn Sính, 42 tuổi và vợ Nguyễn Thị Hoài, 43 tuổi, ở thôn Nam Cầu, xã Phạm Trấn.
Lực lượng Công an đã khám xét nơi ở của Sính, Hoài phát hiện khoảng 1 tấn thuốc gồm hàng trăm chủng loại khác nhau và các nguyên liệu, công cụ sản xuất thuốc thú ý giả bao gồm: 2 bao chứa chất bột màu xanh, màu nâu; nhiều hộp thuốc, túi nhựa, nhãn, mác giả có chữ Trung Quốc và Việt Nam để đựng thuốc, 1 máy dán ép bao bì, 1 máy dập bao bì, các loại thau, chậu, sô...
Số thuốc này được Sính, Hoài sản xuất theo cách: mua các loại bột trộn các loại màu phù hợp với màu thuốc thật sau đó đóng vào các loại túi, loại hộp có kích cỡ phù hợp với các loại thuốc bán trên thị trường rồi dùng máy dán, ép, dập để đóng gói. Những số thuốc giả đã được sản xuất và đóng bao bì thành phẩm thì người tiêu dùng rất khó phát hiện