Nhân lễ hội trái cây Nam Bộ, nghĩ về cơ hội cho nhà nông

Chủ Nhật, 08/06/2014, 09:33
Trên 1.500 tấn trái cây được tiêu thụ, khoảng 1 triệu lượt du khách đến điểm văn hóa du lịch Suối Tiên, TP Hồ Chí Minh trong vỏn vẹn chưa đầy chục ngày (1/6 đến 8/6) là con số mà ban tổ chức lễ hội trái cây Nam Bộ chia sẻ ngay trước khi mùa lễ hội 2014 bắt đầu.

Cũng phải khẳng định, đây không phải lễ hội truyền thống từ xa xưa nào đó nhằm tôn vinh thành quả lao động của người nông dân nhưng lại gợi mở nhiều vấn đề quanh câu chuyện tôn vinh nhà nông - cái cớ để không ít sự kiện trong năm lấy đó để tồn tại nhưng chưa hẳn hữu ích và thiết thực với những người nông dân lam lũ.

Được tổ chức lần đầu tiên năm 1995, lễ hội ngày ấy chỉ là Hội trái cây truyền thống Suối Tiên nhằm phục vu nhu cầu vui chơi giải trí của người dân cuối tuần, đặc biệt là các thiếu nhi mỗi dịp nghỉ hè. Sau 9 năm, lễ hội trái cây Nam Bộ trở thành sự kiện du lịch thường niên của TP Hồ Chí Minh nhưng khoác thêm "chiếc áo" khá đẹp là tôn vinh thành quả lao động của nhà nông, môn nghệ thuật tạo hình bằng trái cây độc đáo, góp phần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Có thể nội dung "phát huy bản sắc văn hóa" trong lễ hội còn cần thêm thời gian nhưng không thể phủ nhận, thông qua lễ hội, một cầu nối khá lớn đưa được thành quả lao động của những người nông dân đến được với người tiêu dùng. Với những người dân quanh năm lam lũ với ruộng vườn, một cánh cửa mở cho sản phẩm của họ như thế có lẽ mới là sự tôn vinh có ý nghĩa thiết thực nhất. Năm 2014, ngoài chợ nổi trái cây với 70 gian hàng là những chiếc thuyền chở nặng trái cây bày biện ven hồ suốt 3 tháng hè với hơn 180 chủng loại trái cây Nam Bộ, lễ hội còn có khá nhiều nội dung hấp dẫn du khách xoay quanh trái cây: Bộ sưu tập trái cây lạ, quý hiếm có thể dùng làm thực phẩm, vị thuốc chữa bệnh, các rau củ quả khổng lồ, các mô hình tiểu cảnh trái cây, nghệ thuật tạo hình bằng trái cây, diễu hành "Bách quả tứ quý thần tiên hội". Cũng chính hội thi này mở thêm cơ hội xây dựng thương hiệu bền vững cho nhà vườn thông qua những tấm giấy chứng nhận chất lượng của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam - một trong những "tấm bùa hộ mệnh" hữu hiệu khi tiếp thị sản phẩm đến người tiêu dùng.

Du khách thưởng thức sầu riêng tại lễ hội.

Ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở VH, TT&DL TP Hồ Chí Minh, chia sẻ rằng, có chứng kiến những người dân nâng niu từng trái cây khi chuyển từ các nhà vườn về điểm tổ chức lễ hội, có chứng kiến họ chăm sóc kỹ càng từng trái, thậm chí dùng cả vạt áo lau cho sạch trước khi bày biện đưa lên hội đồng thẩm định mới hiểu trái cây không chỉ là thành quả lao động đơn thuần mà còn gửi gắm cả những hy vọng, tình yêu mà những người làm vườn gửi gắm...

Lễ hội tôn vinh nhà nông là điều cần thiết, nhưng sẽ thiết thực hơn nếu lễ hội tạo được những cơ hội cho chính những người nông dân ấy. Cơ hội trực tiếp và trước mắt là đưa sản phẩm nông nghiệp đến với người tiêu dùng, giúp người làm vườn chủ động hơn trong tiêu thụ sản phẩm. Cơ hội gián tiếp và lâu dài hơn là xây dựng thương hiệu cho từng nhà vườn để đưa sản phẩm vươn xa hơn, đến với người tiêu dùng các vùng miền trong nước cũng như người tiêu dùng nước ngoài. Lễ hội - sản phẩm du lịch gắn với nông sản và tiêu dùng thực sự không phải là mới với du lịch trong và ngoài nước nhưng tổ chức để tôn vinh người nông dân một cách thiết thực, hỗ trợ người làm vườn chủ động trong tiêu thụ nông sản - trái cây như lễ hội trái cây Nam Bộ là mô hình cần thiết được nhân rộng, vừa góp phần phát triển du lịch vừa tạo cơ hội cho người nông dân tránh thất thiệt vì thương lái ép giá, thậm chí lâm vào cảnh phải bỏ thu hoạch, bỏ thành quả lao động vì xuất khẩu ách tắc như không ít địa phương thời gian qua

N.Nguyễn
.
.
.