Viết tiếp bài “Giật mình vì tôn giả, tôn kém chất lượng tràn lan”:

Nhận diện thủ đoạn “đánh lận con đen”

Thứ Năm, 20/11/2014, 09:52
Mặc dù thị trường tôn đang vô cùng bát nháo, nhưng điều đáng báo động là hiện nhận thức của người tiêu dùng về tình trạng này rất mơ hồ. Hầu như không mấy người có ý thức về chuyện mình sẽ bị lừa khi đi mua tôn để thận trọng hơn. Ngay cả với các cơ quan chức năng, nhận thức về hiện trạng này cũng chưa được thấu đáo. Thực trạng gian lận đã tồn tại hàng chục năm, nhưng đến nay chưa có một cảnh báo nào, hay một đợt truy quét nào được đưa ra.
>> Giật mình vì tôn giả, tôn kém chất lượng tràn lan

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, lượng bán hàng của tôn mạ kim loại và sơn phủ màu trong tháng 9 năm nay giảm 5,2% so với tháng trước, đạt 155.501 tấn. Tính chung 9 tháng đầu năm, toàn Hiệp hội sản xuất được 1.994.091 tấn tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, trong số này lượng tồn kho là 150.188 tấn. Dẫn đầu thị trường là tôn Hoa Sen, Nam Kim, Đông Á, Sun Steel và tôn Phương Nam. Đây cũng là các hãng tôn bị làm giả nhiều nhất. Tuy nhiên, ngay cả Hiệp hội cũng không có những con số cụ thể về thiệt hại họ phải gánh chịu do hiện tượng tôn giả, tôn kém chất lượng hiện nay bởi sự bát nháo trên thị trường.

Lần tìm lại có thể thấy, hiện tượng “đôn dem” hay còn gọi là gian lận độ dày của tôn đã tồn tại từ hàng chục năm trước, nhưng không được cảnh báo đầy đủ tới người tiêu dùng. Mặt khác, dù có cảnh giác cũng rất khó để phát hiện, bởi dù có bị ăn gian đến 30% chất lượng tôn, mua hàng 0,4mm nhưng chỉ được giao hàng 0,3mm chẳng hạn, thì độ chênh cũng chỉ tính bằng 0,1mm, tức là không thể phát hiện bằng mắt thường, trừ trường hợp đó là chuyên gia. Còn nếu dùng các dụng cụ chuyên dụng, thì càng là chuyện không tưởng. Đa phần trong các trường hợp, người mua đều vô tư bị móc túi mà không hề hay biết, thậm chí cả khi tôn có độ bền kém, nhanh hỏng thì cũng rất ít người phát hiện ra để khiếu nại. Các nhà sản xuất còn có một chiêu khác là chỉ in các thông tin mập mờ như logo và một dãy số để làm người tiêu dùng “loạn” khi nhìn vào đó. Bởi việc gian lận diễn ra quá dễ dàng, cả người tiêu dùng và cơ quan chức năng đều “mất cảnh giác”, nên rất nhiều đại lý, cơ sở sản xuất, DN nhanh tay tận dụng.

Cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng ngăn chặn hành vi gian lận thương mại ở mặt hàng tôn để bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp.

Nguy hiểm hơn nữa là hiện rất nhiều cơ sở sản xuất nhập tôn không có nguồn gốc từ Trung Quốc với giá rẻ, sau đó in giả nhãn mác, độ dày “theo yêu cầu” để lừa khách hàng. “Làm như vậy, họ gian lận được mấy lần, cả chất lượng, độ dày, thương hiệu, thêm nữa còn trốn được 10 – 20% thuế. Với từng ấy chi phí, giá bán của tôn chính hãng không thể cạnh tranh nổi” – một chuyên gia trong ngành cho biết.

Theo một nguồn tin chúng tôi có được, chi phí nhập một chiếc máy in nhãn hiệu tôn chỉ khoảng 150 triệu đồng, không quá lớn so với lợi nhuận thu được, một cơ sở “tầm tầm” cũng dễ dàng sở hữu máy này và in giả nhãn hiệu ngay tại chỗ. Trao đổi với PV Báo CAND, ông Vũ Văn Thanh – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, nhãn hiệu tôn chiếm thị phần lớn nhất cả nước và cũng đang bị làm giả nhiều nhất cho biết: Hàng nhái, hàng giả kém chất lượng làm giảm uy tín các thương hiệu chính hãng của DN chân chính, gây tâm lý hoang mang và nghiêm trọng hơn là mất lòng tin của người tiêu dùng cho các sản phẩm chính hiệu. Thêm vào đó, hàng giả, hàng nhái với giá cả thấp hơn hẳn, dễ dàng lấn chiếm thị phần của những thương hiệu chân chính. Cụ thể, Tập đoàn Hoa Sen cho biết năm 2013 họ chiếm 39,31% thị phần tôn trên toàn quốc, nhưng 10 tháng đầu năm nay chỉ còn chiếm 36,73% thị phần, tức là giảm 2,6% so với năm 2013. Trong khi trên thực tế, tiêu thụ tôn 10 tháng đầu năm nay trên toàn quốc, theo thống kê của Hiệp hội Thép lại tăng chứ không giảm. Việc giảm thị phần này đã làm Hoa Sen bị mất sản lượng gần 45.000 tấn, tương đương giảm lãi 118 tỷ đồng. Chưa kể đến việc giảm thị phần dẫn đến giảm hiệu suất sử dụng máy móc, thiết bị của doanh nghiệp. Đơn cử Hoa Sen, niên độ tài chính 2012–2013, có hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị là 75%; nhưng đến niên độ tài chính 2013-2014, hiệu suất sử dụng chỉ còn 69%, tức giảm 6%. Điều đáng nói nhất là môi trường kinh doanh bị cạnh tranh không lành mạnh bằng các chiêu thức gian dối sẽ triệt tiêu động lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính trong nước, kéo theo việc suy giảm cả ngành công nghiệp tôn thép và thiệt hại cho nền kinh tế.

Không chỉ gian lận với các khách hàng lẻ và các công trình dân dụng mà tôn giả, kém chất lượng còn len lỏi vào cả các công trình lớn. Theo một chuyên gia trong ngành: Mỗi công trình ngay trong giai đoạn thiết kế đều có tiêu chuẩn kĩ thuật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu nhà cung cấp vật liệu cố tình cung cấp tôn không đúng chất lượng so với yêu cầu, ví dụ như tôn không đủ độ dày của thép nền và độ dày của lớp mạ, chất lượng của lớp mạ không tốt, không đủ đảm bảo để bảo vệ thép nền… thì đương nhiên sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng của công trình sau khi đưa vào sử dụng...

Vũ Hân – Thu Uyên
.
.
.