Nhà đầu tư cần quan tâm báo cáo tài chính của DN

Thứ Hai, 02/03/2009, 16:12
“Nếu là nhà đầu tư, tôi không bao giờ đầu tư vào những DN có báo cáo tài chính bị kiểm toán viên ngoại trừ, bởi vì đó là những điều kiểm toán viên không thể khẳng định”. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam khẳng định.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp (DN), cho đến tháng 11 của năm, khi đưa số liệu thông tin ra thì vẫn không đến nỗi nào nhưng đùng một cái, khi báo cáo quý IV thì số lỗ lại rất lớn. Điều này là một thực tế đang tồn tại trong năm 2008 trên thị trường chứng khoán. Vậy có phải báo cáo quý đang tìm cách giấu lỗ để che mắt nhà đầu tư (NĐT)? Ông Bùi Văn Mai, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam đã trả lời.

- Thưa ông, năm 2008, số liệu trong nhiều báo cáo tài chính có sự chênh lệch, xuất hiện tình trạng DN đua nhau xin gia hạn nộp báo cáo hoặc dồn lỗ vào cuối năm... Vậy có phải các DN cố tình chậm nộp để giấu lỗ, đánh lận mập mờ cho NĐT?

Ông Bùi Văn Mai (BVM): Thông thường lãi/lỗ một năm bằng tổng số lãi/lỗ của các quý cộng lại. Đối với DN trên thị trường chứng khoán (TTCK) thì theo quy định DN phải công bố báo cáo tài chính quý. Đây là điều cần thiết nhưng báo cáo tài chính quý không bắt buộc nhiều các thủ tục như là báo cáo tài chính năm (không phải kiểm kê hàng tồn kho, đối chiếu công nợ,…). Do đó, báo cáo quý cũng chưa thật chuẩn xác nhất là nhiều công ty niêm yết muốn giá cổ phiếu (CP) được cao thì tâm lý muốn công bố báo cáo quý lãi, đẹp, những tồn tại không muốn trưng ra.

Riêng năm 2008 có chuyện khủng hoảng kinh tế, càng về cuối năm tình hình kinh tế càng khó khăn, dẫn đến chuyện DN càng về cuối năm càng lỗ nhiều. Đó là những nguyên nhân khách quan dẫn đến việc DN quý IV hoặc cả năm 2008 lỗ lớn.

- Như vậy, đây sẽ là cái cớ để DN chậm nộp báo cáo?

Ông BVM: Việc chậm nộp cũng xảy ra 2 khả năng. Thứ nhất, nếu DN đơn lẻ, không phụ thuộc vào các DN khác, thì việc chậm nộp thông thường do DN chần chừ, đắn đo xử lý các vấn đề, phát sinh trong quý đó (như tính doanh số, chi phí như thế nào,…). Trường hợp, DN cần phải có báo cáo hợp nhất từ nhiều DN phụ thuộc khác, thì việc chậm có thể do từng đơn vị con khiến cho đơn vị mẹ chậm. Tuy nhiên, quan điểm cá nhân tôi vẫn cho rằng chủ yếu do các DN chậm trong việc xử lý các thông tin. Nguyên nhân có thể do DN không xử lý ngay các số liệu khi phát sinh. Trong luật quy định báo cáo tài chính quý sau 20 ngày sau của tháng kế tiếp là phải có. Nếu các số liệu phát sinh xử lý ngay thì theo tôi chỉ hai ngày cũng có thể xong báo cáo. 

- Nhưng thưa ông, rõ ràng điều này đang gây khó khăn và rủi ro cho NĐT?

Ông BVM: Đúng là như vậy nên trong kiến nghị với UBCKNN tôi đã nêu là cần được kiểm tra, kiểm soát kiểm toán giữa kỳ và báo cáo quý. Tất nhiên, báo cáo quý người ta không dùng từ là kiểm toán vì không thể làm được đầy đủ hết các thủ tục theo yêu cầu như báo cáo tài chính năm mà chỉ dùng là soát xét báo cáo…

- Vậy trách nhiệm sẽ thuộc về ai? NĐT sẽ phải làm gì để tránh rủi ro?

Ông BVM: Tôi cho rằng NĐT phải có những hiểu biết về kinh tế (tài chính, kế toán, kiểm toán) vì trong báo cáo tài chính có nhiều số liệu chuyên ngành nên rất khó nếu người nào không có kiến thức, sẽ không thể hiểu. Điều quan trọng tiếp theo là khi mua cổ phiếu thuộc DN nào, NĐT phải xem xét diễn biến hoạt động của DN đó nhiều thời kỳ chứ không phải từ thời điểm mua (quá khứ, hiện tại và tương lai).

Thứ nữa là NĐT cần phải nghiên cứu kỹ ý kiến của kiểm toán viên, bởi họ là người có năng lực chuyên môn, những ý kiến của họ cũng mang đến những sức nặng nhất định, hàm chứa tất cả những thông tin rất căn bản trong báo cáo tài chính. Nhất là khi kiểm toán viên đưa ra ý kiến ngoại trừ chẳng hạn. (Nếu là NĐT, tôi không bao giờ đầu tư vào những DN có báo cáo tài chính bị kiểm toán viên ngoại trừ, bởi vì đó là những điều kiểm toán viên không thể khẳng định). Đó cũng là do DN không công bố hết cho kiểm toán viên, che giấu thông tin. Với các báo cáo có ý kiến như vậy thì mức độ tin tưởng rất thấp.

- Xin cảm ơn ông!

Tăng minh bạch các công ty niêm yết

UBCKNN vừa có Công văn 200 và 246 nhằm chấn chỉnh và tăng cường sự minh bạch của các công ty niêm yết. Theo đó, UBCKNN đề nghị HOSE và HASTC tiến hành rà soát và nhắc nhở các công ty niêm yết thường xuyên chậm nộp BCTC phải có kế hoạch chấn chỉnh công tác kế toán và thông tin nội bộ; khắc phục sự chậm trễ công bố thông tin.

Trường hợp tiếp tục vi phạm trong các quý sắp tới, đề nghị chuyển hồ sơ tới Thanh tra UBCKNN xử lý theo quy định. UBCKNN cũng yêu cầu các công ty kiểm toán được lựa chọn thực hiện soát xét BCTC hằng quý cho DN theo đúng các chuẩn mực kiểm toán và công bố ý kiến soát xét của tổ chức kiểm toán.

Lệ Thúy - Vũ Hân (ghi)
.
.
.