Nguy cơ ô nhiễm từ 'làn sóng' đầu tư vào dệt may

Thứ Tư, 21/10/2015, 08:13
Tại thời điểm này, khi đàm phán TPP đã kết thúc, các dự án dệt may và công nghiệp hỗ trợ dự kiến sẽ còn đổ vào nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, bên cạnh sự vui mừng, Bộ Kế hoạch & Đầu tư mới đây cũng đã lên tiếng đề nghị kiểm soát chặt việc cấp phép để tránh nguy cơ ô nhiễm môi trường và du nhập công nghiệp lạc hậu.

Ngay từ đầu năm nay, khi Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa kết thúc, Việt Nam đã đón nhận một làn sóng FDI đầu tư vào dệt may để tranh thủ những ưu đãi của hiệp định này. Tại thời điểm này, khi đàm phán TPP đã kết thúc, các dự án dệt may và công nghiệp hỗ trợ dự kiến sẽ còn đổ vào nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, bên cạnh sự vui mừng, Bộ Kế hoạch & Đầu tư mới đây cũng đã lên tiếng đề nghị kiểm soát chặt việc cấp phép để tránh nguy cơ ô nhiễm môi trường và du nhập công nghiệp lạc hậu.
Dệt may hiện đang là lĩnh vực hấp dẫn hàng đầu về đầu tư tại Việt Nam đối với các DN nước ngoài.

Kết thúc 9 tháng đầu năm nay, các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đều hoàn thành vượt kế hoạch năm về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó có phần đóng góp không nhỏ của các dự án trong lĩnh vực dệt may và công nghiệp hỗ trợ. Riêng Đồng Nai đã thu hút được hơn 2 tỷ USD, gấp đôi kế hoạch năm.

Tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp cũng cho biết đã thu hút hơn 514 triệu USD vốn FDI, tăng hơn 69% so với cùng kỳ 2014, trong đó một số dự án dệt may đã điều chỉnh tăng vốn lớn. Có thể kể đến Dự án của Công ty TNHH Worldon Việt Nam (Hồng Kông) tăng vốn thêm 160 triệu USD để mở rộng sản xuất, đưa tổng vốn mà doanh nghiệp này đăng ký đầu tư lên 300 triệu USD…

Vào ngày 29/6, tỉnh Bình Dương đã tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Polytex Far Eastern thuộc Tập đoàn Far Eastern (Đài Loan) đầu tư dự án thuộc lĩnh vực dệt may với số vốn 274 triệu USD, là dự án FDI có vốn đầu tư lớn nhất vào Bình Dương được cấp phép kể từ đầu năm.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính từ đầu năm đến ngày 20/6, 3 dự án FDI có vốn đăng ký lớn nhất được cấp phép cũng rơi vào lĩnh vực dệt may. Tại các tỉnh miền Trung, một loạt dự án đầu tư vào ngành sợi, dệt và may cũng đã và đang được các nhà đầu tư triển khai. Theo đánh giá của các địa phương, từ nay đến cuối năm và có thể cả trong năm 2016, vốn FDI trong lĩnh vực dệt may, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao… sẽ là dòng vốn chủ đạo với hiệu ứng của TPP.

Việc thu hút đầu tư này vừa thu hút thêm đầu tư, tạo thêm việc làm, lại có thể giúp Việt Nam chủ động hơn trong nguyên, phụ liệu để tranh thủ những ưu đãi thuế từ TPP với quy định xuất xứ rất hà khắc. Tuy nhiên, vào đầu tháng 10 này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phải có công văn gửi UNBD và Sở KH&ĐT các tỉnh, thành phố; Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế… về việc thành lập, thu hút đầu tư và phát triển các khu công nghiệp dệt may, cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm môi trường và khả năng du nhập những công nghệ lạc hậu.

Qua theo dõi của Bộ KH&ĐT thì các khu công nghiệp dệt may được thành lập vừa qua đều có quy mô khá lớn về vốn đầu tư và nhu cầu sử dụng lao động, với định hướng trở thành khu sản xuất tập trung các sản phẩm dệt may (bao gồm từ sản xuất sợi, dệt nhuộm, nguyên, phụ liệu đến thành phẩm), trong đó các khâu sản xuất nhuộm, dệt nhuộm có nguy cơ ô nhiễm môi trường nước cao. Vì vậy, Bộ KH&ĐT cho rằng, khi triển khai các dự án này sẽ có những nguy cơ, ảnh hưởng nhất định về môi trường, xã hội cần được đánh giá, giám sát cụ thể.

Ngoài ô nhiễm môi trường nước, nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho các dự án dệt may và khả năng cung cấp nhà ở cho người lao động; nhập khẩu thiết bị, công nghệ trong các dự án sản xuất sản phẩm dệt may để hạn chế việc chuyển giao công nghệ lạc hậu, tốn năng lượng sang Việt Nam cũng cần phải được giám sát tích cực.

Để phát huy các hiệu ứng tích cực của TPP đối với các ngành dệt may của Việt Nam và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực về môi trường, xã hội, Bộ KH&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố lưu ý, việc đầu tư, thành lập khu công nghiệp dệt may phải đáp ứng các điều kiện về quy hoạch, tỷ lệ lấp đầy theo quy định tại Nghị định 29 (2008), đáp ứng các yêu cầu về môi trường và công nghệ theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch giám sát hoạt động bảo vệ môi trường, nhất là việc đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung. Các địa phương cũng cần đánh giá nhu cầu sử dụng lao động của các dự án để xây dựng phương án cung cấp nhân lực phù hợp, phối hợp với chủ đầu tư quy hoạch và xây dựng khu nhà ở công nhân. Khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cần tuân thủ chặt chẽ các quy trình thẩm tra, đánh giá dự án, trong đó chú trọng đánh giá công nghệ sử dụng trong dự án.

Nam Phương
.
.
.