Nguy cơ dịch bệnh và ô nhiễm môi trường từ những container hàng đông lạnh bị ùn tắc

Thứ Hai, 16/08/2010, 14:50
Những ngày qua, tại các cảng trên địa bàn Móng Cái, Quảng Ninh, TP Hải Phòng lại tái diễn tình trạng ùn tắc hàng nghìn container tạm nhập tái xuất chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm đông lạnh như cổ cánh gà, nội tạng động vật… chờ tái xuất sang thị trường nước thứ 3.

Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đứng ra làm thủ tục, hưởng phí rất nhỏ khi vận chuyển hàng cho chủ doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó việc hàng hoá ách tắc gây áp lực rất lớn cho các cơ quan chức năng trong việc duy trì bến bãi, bảo quản hàng hóa, phòng chống dịch bệnh. Người dân phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cũng như chi phí tiêu hủy rất lớn nếu tình huống xấu xảy ra, nhất là vào thời điểm các bệnh dịch liên quan đến gia súc, gia cầm như dịch lợn tai xanh, dịch cúm gia cầm… đang có diễn biến phức tạp.

Lợi ích nhỏ, nhiều rủi ro

Thông tin từ Cục hải quan Hải Phòng, đến thời điểm này, số lượng container hàng đông lạnh còn tồn đọng tại các cảng của Hải Phòng là khoảng 960 container so với thời điểm "nóng" là khoảng tháng 5, tháng 6, con số này là hàng nghìn container.

Theo ông Vũ Đức Ân, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty TNHH một thành viên Cảng Hải Phòng, đơn vị quản lý cảng Chùa Vẽ, cảng Tân Cảng và cảng Hoàng Diệu, có những thời điểm lượng container mà chủ yếu là thực phẩm đông lạnh tồn đọng tại các cảng lên đến hơn 1.100 container. Trong tháng 6 xảy ra nắng nóng đỉnh điểm dẫn đến tình trạng phải cắt điện luân phiên và tiết giảm 30% lượng điện tiêu thụ nên việc duy trì điện năng để bảo quản các container hàng đông lạnh luôn căng thẳng và khó khăn. Công ty TNHH một thành viên Cảng Hải Phòng đã phải tăng cường tại các cảng máy phát điện để tăng họng cắm cho các container hàng đông lạnh.

Tại Quảng Ninh, lãnh đạo Chi cục Hải quan Móng Cái cho biết, tại đây luôn tồn đọng từ 130 đến 180 container hàng đông lạnh là ngũ tạng động vật. Công tác bảo quản rất khó khăn và nếu kéo dài thì nguy cơ dịch bệnh là rất lớn. Bởi, để bảo quản hàng hoá trong container phải duy trì ở nhiệt độ -20 độ, -18 độ, -16 độ… tùy theo biểu đồ bảo quản. Tại một số cảng khác như cảng Đình Vũ, cảng Nam Hải, cảng Green Port… mặc dù sự quá tải là không nhiều, có nơi vượt quá công suất nhưng các lãnh đạo đơn vị này cũng không khỏi lo lắng, bức xúc trước việc hàng xuất đi vẫn chưa tìm ra lối thoát.

Theo ông Đào Viết Đạm, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hải Phòng khu vực 2, tại thời điểm tháng 5, tháng 6, lượng container tồn tại các cảng do chi cục quản lý lên đến hơn 1.000 container. Thời gian "tạm nhập" và làm các thủ tục để thông quan theo quy định là 30 ngày, tuy nhiên có không ít container đã "lưu kho" với thời gian lên đến hơn 60 ngày thậm chí lên đến 90 ngày.

Còn nhớ, năm 2009, cũng vào thời điểm này, hàng nghìn container hàng đông lạnh cũng đã ùn tắc tắc tại cửa khẩu ở Hải Phòng và Móng Cái. Tại các cảng Hải Phòng, con số lên đến hơn 2.050 container còn tại khu vực cửa khẩu Móng Cái là hơn 280 container. Theo cán bộ tại Chi cục Hải quan Móng Cái, cùng với việc "chờ xuất" các container hàng một cách nhỏ giọt từ 15 đến 20 container một ngày là tốn hao công sức, tiền bạc của các ngành chức năng trong việc cung cấp điện năng bảo quản nhiệt độ cho các mặt hàng đông lạnh, phun thuốc chống dịch bệnh, ô nhiễm môi trường cũng như chi phí san tải đến các kho ngoại quan và cho doanh nghiệp tự bảo quản.

Hàng nghin container ùn tắc tại cảng Hải Phòng, Móng Cái (Quảng Ninh).

Các doanh nghiệp Việt Nam lấy pháp nhân của mình đứng ra làm thủ tục tạm nhập tái xuất, hoặc dịch vụ vận chuyển để hưởng phí. Nếu như mỗi container (khoảng 24 tấn hàng) trị giá từ 1 đến 3 tỷ đồng tùy loại, thì lượng phí các chủ nước ngoài trả cho doanh nghiệp Việt Nam chỉ từ 18 đến 20 triệu đồng/container. Con số này là rất nhỏ so với những khó khăn mà các chủ doanh nghiệp Việt Nam phải chịu cũng như nguy cơ dịch bệnh cho cộng đồng do phía nước ngoài gây ra. Không những thế, nếu có sự cố xảy ra tức là việc xuất những container hàng này không tiến triển thì nguy cơ dẫn đến ô nhiễm và tiêu hủy hàng ngàn tấn thịt, nội tạng động vật này là điều khó tránh khỏi. 

Chỉ là giải pháp mang tính tình thế

Theo lãnh đạo của một số cảng trên địa bàn TP Hải Phòng, nguyên nhân dẫn đến việc ách tắc container hàng đông lạnh tại các cảng là bởi lẽ tình trạng hàng nhập về thì nhiều mà hàng xuất đi lại trong tình trạng "nhỏ giọt" do việc "cấm biên" ở các cửa khẩu phía nước ngoài khiến cho công đoạn "tái xuất" khó khăn, thậm chí có lúc gần 1.000 container đã phải nằm lại vì không thể thông quan. Bên cạnh đó, trong tháng 7/2010, áp lực phải có bằng FC đối với các tài xế lái các loại xe sơmi rơmoóc tạm thời nghỉ việc cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Theo ông Đào Viết Đạm, trước thời điểm xảy ra tình trạng ùn ắch các container hàng đông lạnh, UBND TP Hải Phòng đã có cảnh báo đến các doanh nghiệp yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam làm dịch vụ về hàng tạm nhập tái xuất không đưa quá nhiều hàng về các cảng trên địa bàn TP Hải Phòng, tránh những tình huống xấu xảy ra. Các đơn vị hải quan cũng tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp Việt Nam có thể làm nhiệm vụ "tái xuất" khi có hàng chuyển về. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn thụ động trong việc "xuất" hàng ra nước ngoài vẫn là vấn đề chưa được giải quyết.

Cách đây 3 tháng, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an TP Hải Phòng và Hải quan Hải Phòng dưới sự chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng đã thành lập tổ công tác tiến hành kiểm tra các container hàng đông lạnh để xử lý đối với container hàng có nguy cơ gây ô nhiễm.

Về phía Công ty TNHH một thành viên Cảng Hải Phòng cũng đã có những giải pháp mang tính tình thế trước tình trạng container hàng đông lạnh ùn tắc tại các cảng. Như ngày 31/5, công ty đã có thông báo gửi các chủ tàu, các đại lý hãng tàu và chủ hàng về việc tạm dừng tiếp nhận hàng container đông lạnh tạm nhập, tái xuất mà chỉ tiếp nhận hàng container đông lạnh phục vụ tiêu dùng trong nước với số lượng không quá 15 container/chuyến tàu và cũng phải rút hàng khỏi kho bãi cảng trong vòng 48 giờ kể từ khi nhập vào bãi cảng.

Cho đến thời điểm này, Công ty TNHH một thành viên Cảng Hải Phòng cho biết, số lượng container còn tồn đọng tại các cảng do công ty quản lý là 261 trong đó cảng Chùa Vẽ là 187, Tân Cảng là 60 và Hoàng Diệu là 14. Tại các cảng khác như Green Port, tình trạng đã có phần tươi sáng hơn do lượng container cũng đã được "tái xuất". Số container còn tồn lại tại cảng là khoảng 70. Tuy nhiên, nếu việc làm ăn kiểu "bắc nước chờ gạo" này tiếp diễn thì các doanh nghiệp Việt Nam lại rơi vào cảnh bế tắc.

Thực tế cho thấy, việc giải quyết các hàng tạm nhập tái xuất ách tắc cho đến nay vẫn chỉ dừng lại ở các giải pháp mang tính chất tạm thời, chưa có giải pháp lâu dài cho hoạt động xuất khẩu này. Nếu có tình huống xấu xảy ra như hàng không lưu thông được hay các chủ hàng "bỏ của chạy lấy người" thì việc bảo quản chống dịch bệnh hay tiêu hủy sẽ gây ra những hậu quả khó lường đối với môi trường.

Để tránh tình trạng trên sẽ tiếp diễn trong thời gian tới thì giải pháp căn cơ là các cơ quan chức năng phải có những chế tài đủ mạnh nhằm xử lý các doanh nghiệp vì lợi ích trước mắt mà cố tình vi phạm. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV CAND, hiện nay, các cơ quan chức năng cũng chưa đề xuất những chế tài, biện pháp đủ mạnh để phòng ngừa tình trạng trên tái diễn. Đây vẫn là những câu hỏi mà dư luận đang rất cần những câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng

Nguyễn Hương
.
.
.