Người trồng cao su trắng tay sau bão

Thứ Sáu, 04/10/2013, 12:56
Chỉ sau vài giờ đồng hồ, hàng nghìn người nông dân ở các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã phải nước mắt ngắn dài giữa những rừng cao su xanh tốt bạt ngàn bị gãy đổ la liệt vì bão…

Ở các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, nhiều hộ gia đình đã vượt qua khó khăn, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn nhờ vào cây cao su tiểu điền. Thực tế nhiều năm qua, bà con chỉ trồng độc mỗi loại cây cao su, lý do giá mủ cao su tăng cao hàng năm. Đã hơn 20 năm qua các huyện này chưa hề gánh chịu cơn bão nào tàn phá khốc liệt như bão số 10 năm nay. Chỉ sau vài giờ đồng hồ, hàng nghìn người nông dân đã phải nước mắt ngắn dài giữa những rừng cao su xanh tốt bạt ngàn bị gãy đổ la liệt…

Anh Trần Văn Thái - Trưởng Công an xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh dẫn chúng tôi đến rừng cao su của hộ gia đình anh Trần Mai Tuấn, ở thôn Tây 2, xã Vĩnh Tú. Vợ chồng anh Tuấn cùng các con đang ngồi bệt, vô hồn bên những gốc cây cao su bị bão làm gãy đổ. Nhìn quang cảnh rừng cao su hơn 2ha xanh tốt bạt ngàn, đã cho mủ từ 3 năm qua, nay bị gãy đổ la liệt, ai cũng xót xa. Vợ chồng anh Tuấn nói trong nước mắt: “Thu nhập của cả gia đình tui chủ yếu nhờ vào vườn cây cao su, nhất là việc nuôi con cái ăn học, nhưng nay thì trắng tay rồi các chú à; gia đình chúng tôi không biết phải xoay xở những khó khăn sắp tới ra làm sao đây”. Theo thống kê, xã Vĩnh Tú có 41ha cao su tiểu điền thì nay đều đã bị gãy đổ hoàn toàn do bão số 10 gây ra…

Người nông dân đau đớn trước rừng cao su bị bão số 10 tàn phá.

Tại xã Vĩnh Thủy, miền Tây huyện Vĩnh Linh, nơi được xem là vùng đất màu mỡ nhất của huyện để trồng cây cao su với hàng chục hộ nông dân trở thành tỷ phú mỗi năm, nay lâm vào tình cảnh trắng tay. Những khoảng rừng cao su xanh tốt bạt ngàn, từ 5 đến 7 năm tuổi đều đã bị gãy đổ la liệt, thân, gốc cây bật ngược lên trời.

Ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết, trong số hơn 6.000ha cây cao su tiểu điền của bà con nông dân, đến nay đã mất trắng hơn 2/3 do bão. Đây là thiệt hại nghiêm trọng nhất của huyện, bởi nhà cửa tốc mái, xiêu vẹo, thậm chí bị sập đổ đều có thể được nhanh chóng sửa chữa lại, còn cây cao su là vốn liếng lớn nhất qua một quá trình dài tích cóp, đầu tư, chăm bón của người nông dân thì không thể khắc phục trong ngày một ngày hai được. 

Bên cạnh Vĩnh Linh, các rừng cây cao su tiểu tiền của bà con nông dân ở các huyện Gio Linh, Cam Lộ cũng bị gãy đổ la liệt, mất trắng hơn 2/3 diện tích. Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Trị, bão số 10 đã làm gãy đổ, bật gốc không thể khắc phục được hàng nghìn héc-ta cây cao su đang cho mủ. Trong đó, cao su tiểu tiền của bà con nông dân bị thiệt hại tới hơn 7.000ha 

Thanh Bình
.
.
.