Người tiêu dùng vẫn chưa được bảo vệ hiệu quả

Thứ Ba, 17/03/2009, 22:26
Việc xây dựng Luật Bảo vệ người tiêu dùng đang trong tình thế "rất căng", gặp hàng loạt các khó khăn chưa thể giải quyết. Thậm chí có cơ quan chức năng nhận định, việc xây dựng luật này giống như "đứng trên lưỡi dao cạo" bởi ranh giới giữa bảo vệ quyền lợi cho DN hay NTD là vô cùng mong manh.

Thời gian qua, với liên tiếp các vụ vi phạm lớn liên quan tới quyền lợi người tiêu dùng xảy ra, như: Sữa nhiễm melamine, sữa nghèo đạm, gian lận xăng dầu... đã đặt ra một câu hỏi lớn về cách thức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) ở nước ta. Nhân kỷ niệm Ngày Quyền của người tiêu dùng Quốc tế 15/3, chiều 16/3, Bộ Công Thương đã tổ chức tọa đàm về vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự góp mặt của nhiều cơ quan quản lý nhà nước.

Vi phạm quyền lợi NTD diễn ra tràn lan và nghiêm trọng

Theo ông Đặng Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), hiện nay, việc vi phạm quyền lợi NTD diễn ra trên diện rộng, ở nhiều cấp độ và ngày càng nghiêm trọng hơn.

Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, các hành vi NTD thường bị xâm hại, là mua phải hàng hóa có chất lượng thấp hơn công bố, bị gian dối về xuất xứ; bị cân đo thiếu (nhiều trường hợp sai số rất lớn); thực hiện dịch vụ sai hợp đồng, hoặc hợp đồng không minh bạch... Trong các hành vi đó, nghiêm trọng và ảnh hưởng lâu dài nhất, là vi phạm về VSATTP.

GS.TSKH Lê Doãn Diên - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực, Thực phẩm Việt Nam - cho biết: một đời người (với tuổi thọ 80) tiêu thụ khoảng 24 tấn thực phẩm và khoảng 59 tấn nước; bởi vậy, chất lượng VSATTP không những có ảnh hưởng trực tiếp đối với sức khỏe con người, mà còn liên quan mật thiết đến sự phồn vinh kinh tế và sự hưng thịnh của xã hội và sự trường tồn của giống nòi.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy: Hằng năm nước ta có khoảng hơn 3 triệu trường hợp nhiễm độc, gây thiệt hại về kinh tế khoảng 200 triệu USD, chưa kể đến những thiệt hại khó có thể tính toán, là những bệnh tích tụ, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người.

Chỉ riêng thống kê từ công tác thanh tra VSATTP dịp Tết Nguyên đán, do lãnh đạo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) công bố, trong 59 ngàn cơ sở được thanh tra, ở 48 địa phương, có đến 16,64% vi phạm, trong đó 40-45% cơ sở vi phạm về VSATTP là một con số đáng báo động.

Còn nhiều khó khăn trong xây dựng luật bảo vệ NTD

Ông Đặng Hoàng Hải cho biết, việc bảo vệ quyền lợi NTD ở Việt Nam chưa đạt được kết quả như mong muốn, mặc dù chúng ta là nước có văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này vào loại sớm trong khu vực Đông Nam Á. Những hạn chế trong hành lang pháp lý (các văn bản, các chế tài chưa đủ sức răn đe, chưa có cơ chế giải quyết khiếu nại)... là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc bảo vệ NTD chưa hiệu quả.

Để giải quyết những tồn tại trên, Luật Bảo vệ NTD đang được Bộ Công Thương khẩn trương soạn thảo, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 12/2009 và trình Quốc hội vào năm 2010. Tuy nhiên, theo thông tin từ cơ quan thực hiện, việc xây dựng luật đang trong tình thế "rất căng", gặp hàng loạt các khó khăn chưa biết sẽ giải quyết ra sao.

Những hành vi xâm phạm quyền lợi NTD diễn ra rất tinh vi, liên quan đến nhiều thứ, nên xây dựng được một luật qui định được hết các dạng là rất khó. Để xây dựng luật này, được biết, chúng ta đã phải tham khảo trên 20 luật của các quốc gia tiên tiến về bảo vệ NTD trên thế giới. Tuy nhiên, do môi trường kinh doanh của chúng ta chưa nề nếp, qui củ, nên nhiều khi việc xử lý rơi vào tình trạng "nắm người không có tóc".

Ông Hải cho biết, ngoài việc xây dựng luật, Cục Quản lý cạnh tranh cũng đang huy động tối đa sự tham gia của các tổ chức xã hội nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân; bởi nếu hành vi tiêu dùng không thay đổi, có những trường hợp luật không thể điều chỉnh được. Đấy là chưa kể đến việc xác định vị trí của luật mới, ban hành sao cho hài hòa với toàn bộ các văn bản đã ban hành từ trước trong cùng lĩnh vực.

Hiện nay, chúng ta vẫn chưa xác định được phải quy trách nhiệm cho ai khi nảy sinh các vi phạm (nhà sản xuất, vận chuyển, phân phối hay bán lẻ) trong khi việc chia sẻ trách nhiệm đến đâu là rất khó xác định.

Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, việc xây dựng luật này giống như "đứng trên lưỡi dao cạo" bởi ranh giới giữa bảo vệ quyền lợi cho DN hay NTD là vô cùng mong manh.

Nhân Ngày Quyền của người tiêu dùng Quốc tế, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh cũng đã trao bằng khen cho 3 tổ chức và 3 cá nhân đã có những thành tích xuất sắc trong hoạt động bảo vệ NTD. Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, việc bảo vệ quyền lợi NTD cần có sự tham gia của toàn xã hội, nên mỗi người nên là một NTD thông thái và là một người giám sát độc lập để bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Vũ Hân
.
.
.