Nghịch lý nguồn cung xi măng dư:

Người tiêu dùng phải mua giá cao!

Thứ Tư, 27/01/2010, 08:27
Là nước có nguồn nguyên liệu sản xuất xi măng dồi dào nhưng sau nhiều năm phát triển, sản lượng xi măng cả nước nay có xu hướng dư thừa nhưng giá xi măng không vì thế mà giảm. Đây chính là nghịch lý cần làm sáng tỏ.

Dư nguồn cung nhưng giá chưa giảm

Theo các chuyên gia Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2009 cả nước có 97 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế là 57,4 triệu tấn/năm. Năm 2010 sẽ có thêm 18 dây chuyền xi măng lò quay đi vào hoạt động tăng thêm 11,72 triệu tấn/năm.

So với nhu cầu sử dụng, sản lượng xi măng năm 2010 vượt hai triệu tấn. Với đà này, đến 2011 lượng xi măng dư sẽ khoảng 11 triệu tấn/năm và 2012 con số này sẽ là 15 triệu tấn/năm. Xu hướng dư thừa nguồn cung xi măng như vậy, nhưng các dự án xi măng vẫn mọc nên như nấm ở các địa phương có vùng nguyên liệu.

Đáng chú ý, nhiều dự án xi măng chưa nằm trong quy hoạch được phê duyệt theo Quyết định 108/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chưa tìm được chủ đầu tư nhưng vẫn triển khai hoặc xin triển khai. Trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn và để đảm bảo cân đối cung cầu, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành đề nghị hoãn triển khai một số dự án xi măng đầu tư mới; giãn tiến độ một số dự án đã chuẩn bị đầu tư nhưng chưa sử dụng đến nguồn vốn vay từ ngân hàng…

Đồng thời, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ một số giải pháp kích cầu xi măng như đẩy mạnh chương trình làm đường giao thông vùng sâu vùng xa bằng bê tông; khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu xi măng; phát triển các nguồn vật liệu không nung từ xi măng…

Điều người dân quan tâm, là tại sao nguồn cung tăng đến mức dư thừa, nhiều dây chuyền sản xuất đã khấu hao hết thiết bị mà giá xi măng bán ra thị trường không giảm, thậm chí có xu hướng tăng lên. Những yếu tố có thể hiểu được, là do giá than, giá điện, vật tư đầu vào sản xuất xi măng tăng, thì thực tế có tình trạng nhiều nhà máy hiện mua vật tư đầu vào (đá vôi, sét là nguyên liệu chủ yếu) với giá cao hơn giá thị trường tại địa phương trong khi công suất thiết bị khai thác đá, sét đã đầu tư chưa khai thác hết.

Cần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Trước dư luận cho rằng giá xi măng của ta quá cao, ông Nguyễn Văn Điệp - chuyên viên Hiệp hội xi măng Việt Nam cho rằng: Giá xi măng của ta hiện nay so với khu vực Đông Nam Á là còn thấp.

Tại Trung Quốc, hiện đang duy trì mức 42 USD/tấn; Thái Lan có giá 73 USD/tấn; Malaysia là 75,16 USD/tấn; còn tại Việt Nam giá xi măng phía Bắc là 50 USD/tấn, tức 850.000 đồng đến 1.000.000 đồng/tấn. Phía Nam cao hơn là 1.150.000 đồng đến 1.300.000 đồng/tấn.

Tuy nhiên, giá bán xi măng của ta duy trì ở mức như hiện nay vì yêu cầu hội nhập khu vực, hàng hoá phải điều chỉnh theo thị trường chung; mặt khác, đầu tư nhà máy xi măng thông thường cần bốn đến năm ngàn tỷ đồng. Chính vì thế, các nhà đầu tư tính toán hiệu quả kinh tế khi cấu thành giá bán để thu hồi vốn nhanh và đầu tư thêm dây chuyền mở rộng sản xuất.

Vậy tại sao một số dây chuyền sản xuất đã khấu hao hết thiết bị mà giá xi măng không giảm? Ông Điệp cho biết: Vì theo quy định, doanh nghiệp không được quyền đánh sụt giá bán xuống dưới giá thành nhằm chiếm thị phần, thể hiện sự cạnh tranh không lành mạnh. Doanh nghiệp cũng không thể nâng giá quá cao vì thị trường không cho phép làm điều đó.

Đã có doanh nghiệp do nước ngoài đầu tư ở miền Trung, lách quy định bằng cách sản xuất xi măng mác PC40 nhưng bán với giá xi măng mác thấp hơn (PC30) để thu hút khách hàng. Khi khách hàng đã quen dùng loại xi măng này, thì họ dần điều chỉnh giá cho tiếp cận với thị trường và doanh nghiệp này đã thành công.

Dưới góc độ quyền lợi của người tiêu dùng, thì việc cạnh tranh lành mạnh sẽ tạo thêm cơ hội lựa chọn sản phẩm xi măng cũng như giá cả cho người dân có nhu cầu. Trong khi đó, nhiều vấn đề cần quan tâm liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng thì lại bỏ ngỏ.

Chẳng hạn như việc kiểm soát tiêu chuẩn, chất lượng xi măng còn buông lỏng nhất là khu vực sản xuất tư nhân, nên hiện tượng xi măng không đảm bảo chất lượng, xi măng giả vẫn tồn tại trên thị trường; cơ chế cho doanh nghiệp tự chủ bên cạnh mặt được, thì cũng đã nảy sinh hiện tượng chủ doanh nghiệp móc ngoặc với tư thương mua nguyên liệu đầu vào với giá cao hơn thị trường nhằm hưởng "hoa hồng", khiến giá thành xi măng đội lên gây phương hại đến doanh nghiệp và người tiêu dùng; cơ chế khuyến mại áp dụng mỗi nơi mỗi cách, tạo kẽ hở thất thoát tài sản nhưng quan trọng là lợi ích lại không đến tay người tiêu dùng.

Đây là điều mà các nhà quản lý cần khắc phục nếu muốn phát triển bền vững, không kể thành phần kinh tế nào đầu tư lĩnh vực xi măng

Khánh Chi
.
.
.