Người tiêu dùng lạc trong “mê trận” thị trường sữa

Thứ Bảy, 27/04/2013, 01:23
Là một trong những chủ đề nóng nhất trên mặt báo thời gian gần đây, sáng 26/4, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến "Thị trường sữa: Giá cả và chất lượng" với sự tham gia của đại diện các cơ quan Nhà nước đang trực tiếp quản lý mặt hàng này như ông Đỗ Thanh Lam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), ông Phạm Vũ Anh – Phó Cục trưởng Cục Quản lí giá (Bộ Tài chính), đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và doanh nghiệp.

“Mê trận” thị trường sữa

Có quá nhiều vấn đề để nói đến thị trường sữa trong thời điểm này. Không chỉ là “câu chuyện muôn năm cũ” về giá, mà đáng lo ngại hơn còn là chuyện chất lượng, chuyện lòng tin của người tiêu dùng, chuyện nhập nhèm tên gọi, nhãn hàng, chuyện các chiêu bài móc túi của DN ngày càng lên cao. Trong thời điểm một số chính sách liên quan đến giá, tiêu chuẩn chất lượng bước vào giai đoạn chuyển giao, nhiều DN kinh doanh sữa đã “tranh thủ” tăng giá 5 – 12%. Trong khi đó, theo Luật Giá có hiệu lực từ 1/1/2013, việc quản lý giá sữa lại có vẻ được lơi lỏng hơn một mức.

Theo ông Phạm Vũ Anh, nếu trước đó, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc danh mục hàng hóa phải đăng ký giá, thì nay, việc đăng ký giá chỉ là “một trong những biện pháp bình ổn”, chỉ được thực hiện khi Nhà nước thấy giá sữa biến động quá nhiều. Như vậy, với chiêu tăng nhỏ giọt 5 – 10% một lần, không phải là mức biến động quá mạnh để phải sử dụng biện pháp bình ổn, nhưng tăng nhiều lần trong năm, DN sữa có thể làm cho người tiêu dùng điêu đứng.

Đáng lo ngại hơn, không chỉ về vấn đề giá, thị trường sữa hiện nay còn vô cùng nhộm nhoạm với sự xâm lấn của các loại sữa “xách tay, vác vai”, sữa không rõ nguồn gốc, đặc biệt ở các TP lớn. Được biết, hiện trên thị trường có đến hơn 200 đơn vị nhập khẩu sữa với nhiều xuất xứ Mỹ, EU danh tiếng, nhãn mác long lanh, nhưng chất lượng thì chưa biết đường nào mà lần. Đó mới là những nguồn nhập khẩu chính danh, còn vô danh thì vô kể. Chưa nói đến, các quy định hiện nay đang làm người tiêu dùng “bấn loạn” với các khái niệm liên quan đến sữa. Một người mẹ xưa nay vẫn ung dung tin tưởng rằng mình cho con uống sữa, bỗng một ngày tá hỏa phát hiện nó là “thực phẩm bổ sung”. Rồi Cục An toàn thực phẩm sau đó đưa ra cả đống khái niệm, quy định, giải thích vì sao nó phải là tên gọi nọ thuộc nhóm kia, rồi đùng một cái lại bảo rằng về bản chất nó vẫn là sữa…

Ma trận khái niệm này ngoài việc khiến người tiêu dùng chẳng biết đường nào mà lần, còn giúp cho DN có nhiều cơ hội hơn để lách luật. Khi nhập khẩu vào trong nước, tờ khai Hải quan ghi là “sữa” với thuế suất 10%, đến Cục An toàn thực phẩm, tên gọi đã thành “thực phẩm bổ sung” với mức thuế phải là 15%, bán ra cho người tiêu dùng lại thành sữa công thức với giá trên trời. Với cách này, cả nhà nước và người tiêu dùng đều thiệt đơn, thiệt kép. Rủi ro quản lý là quá cao, trong khi người ta cứ đòi người tiêu dùng phải trở nên thông thái.

Thị trường sữa vẫn còn thiếu minh bạch.

Mất niềm tin của người tiêu dùng là cái mất lớn nhất

Trong cuộc tọa đàm này, vài xì căng đan gần đây của sữa cũng đã được nhắc lại là vụ việc sữa GMB, được sản xuất tại TP Hồ Chí Minh nhưng quảng cáo nguồn gốc Mỹ và vụ việc sữa dê Danlait. Người xưa đã nói, “một sự bất tín, vạn sự bất tin”. Huống hồ thị trường sữa hiện nay có hàng chục sự bất tín. Khó trách sao người tiêu dùng lại nghi ngờ mọi thứ. Nào là kết quả kiểm nghiệm sai, nào là hồ sơ nhập khẩu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, nào là những quảng cáo thổi phồng, những thông tin xuất xứ “nhập nhèm” được đưa ra từ công ty phân phối đến các đại lý bán hàng. Người tiêu dùng ứng xử với lòng tin, sẵn sàng móc túi để có được sản phẩm tốt nhất cho con, bỗng bàng hoàng phát hiện ra mình bị lừa, không phải một lần. Nhà phân phối sau đó đăng đàn, ứng xử như mình là nạn nhân, chỉ xin lỗi với một “sơ sót” nhỏ, bất kể sơ sót đó kéo dài hơn 1 năm trời (và sẽ còn kéo dài nữa nếu người tiêu dùng không lên tiếng), thậm chí có thể gây hậu quả, vì những thông tin nhà phân phối lơ đi, và người tiêu dùng thì ngây ngô không biết!?

Đại diện cả 3 cơ quan quản lý đều cho biết, thời gian tới sẽ có nhiều quy định được ban hành, hi vọng sẽ giúp quản lý chặt hơn thị trường sữa. Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng, không có gì làm họ quan tâm hơn là những thông tin giản dị, minh bạch là cái gì tốt, nó đáng giá bao nhiêu. Mỗi một lần sữa tăng giá 5%, nhà sản xuất có thể tăng thêm lợi nhuận, nhưng hàng triệu trẻ em Việt Nam mất cơ hội uống sữa hoặc được uống sữa ít hơn. Đó không chỉ là câu chuyện thị trường thông thường, mà còn là câu chuyện của giống nòi tương lai.

Sữa tươi nguyên chất đang bán hòa hoặc dưới giá thành

Đây là thông tin được ông Hà Quang Tuấn – Chủ tịch HĐQT Hà Nội milk đưa ra tại buổi tọa đàm sáng 26/4. Theo ông Tuấn, hiện giá thu mua sữa tươi của nông dân là 14.000 đồng/lít, tương đương 2.456 đồng/hộp sữa 180ml, chưa kể đường, chất ổn định, bao bì… Tóm lại, giá một hộp sữa nước hiện nay khoảng 7.000 đồng, bao gồm 74% là giá thành sản xuất. Nếu cộng thêm chi phí quảng cáo, bán hàng, quản lý, thì ông Hà Quang Tuấn “cam đoan nếu sản xuất sữa tươi tiệt trùng từ 100% sữa tươi thì doanh nghiệp chỉ hòa hoặc lỗ. Không biết các DN khác có cách gì, chứ chúng tôi không thể làm nổi”. Do đó, Hanoimilk đã từ bỏ thị trường này để tập trung vào sản phẩm sữa bổ sung, sữa chua. Trong thời điểm giá sữa bột đang rất trên trời, và cũng không phải thần dược như quảng cáo, ngoài những trường hợp bất đắc dĩ, đây là một thông tin đáng chú ý để người tiêu dùng tham khảo, quyết định sử dụng sản phẩm nào cho con mình.

Một số thông tin cơ bản về giá sữa:

- Trong 6 năm qua, giá sữa bột cho trẻ em đã tăng 30 lần; trong khi theo ông Hà Quang Tuấn – Chủ tịch HĐQT Hanoimilk, giá sữa nước tăng khoảng 1,8 lần.

- Giá sữa trung bình ở Việt Nam hiện là 1,44 USD/lít; trong khi ở Trung Quốc là 1,1 USD; Mỹ, EU là 0,5 – 0,9 USD/lít.

Vũ Hân
.
.
.