Người lao động không có lương do công ty làm ăn thất bát?

Thứ Hai, 11/08/2008, 15:17
Công ty COLECTO được thành lập năm 2001 với chức năng chủ yếu là xuất khẩu lao động. Từ tháng 12/2007 điệp khúc không lương, không đóng bảo hiểm diễn ra trong phạm vi cả công ty. Theo cán bộ tiền lương, quỹ lương Công ty hiện nợ số lao động gián tiếp đã lên đến 426 triệu đồng; con số này đối với lao động trực tiếp là 127 triệu, đó là chưa kể số tiền hàng trăm triệu cần đóng bảo hiểm nhưng không có còn treo nợ, chịu lãi.

Đã 8 tháng qua, 42 người lao động Công ty Xuất khẩu lao động và Thương mại dịch vụ (COLECTO) thuộc Hội Nông dân Việt Nam làm việc không có lương, cũng chẳng được đóng bảo hiểm. Vì sao lại như vậy?

Do làm ăn thất bát!

Thoạt nghe, tôi cứ mong đó không phải là sự thật. Nhưng sự thật không còn phải bàn cãi, khi người ngồi trước mặt phóng viên: Ông Hoàng Phó Dân, Phó Giám đốc Công ty COLECTO và cán bộ tổ chức cũng nằm trong số những người không được nhận lương, chưa được đóng bảo hiểm.

Công ty COLECTO được thành lập năm 2001 với chức năng chủ yếu là xuất khẩu lao động. Từ năm 2007, thị trường xuất khẩu lao động bắt đầu khó khăn, cạnh tranh gay gắt. Khi phía Đài Loan đóng cửa đối với lao động nữ giúp việc gia đình, thì Công ty chuyển lao động sang thị trường Malaysia, có lúc lên đến 5.000 người làm việc.

Nhưng tại Malaysia, vì nhiều lý do như thu nhập thấp, gặp nhiều rủi ro... người lao động trở về trước thời hạn nhiều. Không chỉ chi các khoản môi giới lao động ở nước ngoài, mua sắm phương tiện, mà theo quy định, Công ty còn phải chi trả bồi thường cho số lao động trở về trước thời hạn 1,8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, quy định mới yêu cầu Công ty phải nâng vốn pháp định từ 500 triệu lên 1 tỷ đồng. Tình hình tài chính Công ty mất cân đối thu-chi nghiêm trọng, trong khi người lao động không còn mặn mà với thị trường Malaysia nữa.

Thế là điệp khúc không lương, không đóng bảo hiểm diễn ra từ tháng 12/2007 trong phạm vi cả công ty. Theo cán bộ tiền lương, quỹ lương Công ty hiện nợ số lao động gián tiếp đã lên đến 426 triệu đồng; con số này đối với lao động trực tiếp là 127 triệu, đó là chưa kể số tiền hàng trăm triệu cần đóng bảo hiểm nhưng không có còn treo nợ, chịu lãi.

Hàng loạt cán bộ, nhân viên buộc phải cho nghỉ không lương. Đáng chú ý, có cả những sản phụ không được Công ty đóng bảo hiểm. Đời sống của họ khi không lương, không bảo hiểm lấy gì làm cơ sở để vững tâm nuôi con và trở lại làm việc gắn bó với Công ty?

Hay cơ chế quản lý lỗi thời?

Một ngày làm việc bình thường mà các phòng của Công ty COLECTO trống hoác. Trong số những người nghỉ không lương, xin chuyển đi nơi khác có chị Lưu Thị Ngọc Tuý, Phó Giám đốc Công ty được đánh giá là người giầu kinh nghiệm, xông xáo trong việc xuất khẩu lao động. Vì sao chị Tuý một mực xin đi nơi khác mặc dù cán bộ, nhân viên Công ty rất muốn chị ở lại là dấu hỏi có liên quan đến việc sử dụng người ở đây?!

Nhưng trước khi đề cập tới việc này, hãy xem cách quản lý của Công ty có gì đáng nói. Đối với những người trực tiếp khai thác lao động xuất khẩu (cán bộ kinh doanh), hiện có 24-25 người, Công ty áp dụng mức khoán: Cứ tuyển được 1 lao động đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thì được hưởng 2,5 triệu đồng. Lương cho số lao động gián tiếp tính theo hệ số quy định, tiền bảo hiểm trích từ lợi nhuận của Công ty để đóng. Vì không đưa được người lao động đi nên không đạt khoán, đồng nghĩa với không có lương. Những người thu nhập gián tiếp vì thế thu nhập không có...

Trao đổi với chúng tôi, ông Phó Giám đốc Công ty Hoàng Phó Dân thừa nhận: Đội ngũ cán bộ không có nhiều kinh nghiệm trong công tác xuất khẩu lao động. Khả năng cạnh tranh yếu... Có một điều người lao động có quyền chất vấn, là tại sao trong suốt thời gian dài mà Công ty COLECTO không tính đến chuyện khai thác mở rộng sang các thị trường lao động khác ngoài 2 nước trên? Trong khi chưa có lương, tiền đóng bảo hiểm, thì việc mua sắm thêm ôtô con gần 500 triệu đồng có thật cần thiết?

Một điều đáng chú ý, là đã có một ông Giám đốc Công ty bị cách chức, xử lý vi phạm vì không minh bạch trong thành lập trung tâm xuất khẩu lao động và thu chi tài chính sai nguyên tắc mà chúng tôi chưa có điều kiện đề cập trong bài viết này

Nhóm PVPL
.
.
.