Tranh chấp ngành hàng tại chợ Hạ Long I:

Người dân bức xúc, Ban quản lý chợ làm ngơ

Thứ Sáu, 06/06/2014, 10:21
Hàng trăm hộ bán hàng quần áo may sẵn và hàng tạp phẩm thuộc chợ Hạ Long I, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra mâu thuẫn gay gắt quanh việc tranh chấp mặt hàng kinh doanh.

Nhiều người bỏ buôn bán để tới các cơ quan chức năng khiếu kiện. Đã có nhiều cuộc họp, nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết nhưng tranh chấp vẫn kéo dài, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh và tình hình ANTT trên địa bàn.

Tại buổi gặp gỡ đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh với các ngành hàng đang kinh doanh tại chợ Hạ Long1, nhiều ý kiến của các hộ tiểu thương bày tỏ sự bức xúc gay gắt về những việc làm thiếu trách nhiệm của Ban quản lý chợ đã dẫn đến tình trạng lộn xộn trong hoạt động kinh doanh, gây mâu thuẫn giữa các hộ và các ngành hàng đang buôn bán tại đây.  Việc làm này diễn ra đã nhiều năm song vẫn không được giải quyết dứt điểm, ngược lại ngày càng trở nên phức tạp và nghiêm trọng hơn.

Chợ Hạ Long 1, nơi đang xảy ra tranh chấp phức tạp.

Bà Nguyễn Thị Minh, hộ bán ngành hàng quần áo may sẵn cho biết, việc sắp xếp ngành hàng tại chợ được thực hiện theo Quyết định số 852/ QĐ-UB ngày 4/11/2002 của UBND TP Hạ Long và Qui chế bố trí điểm kinh doanh ban hành kèm theo quyết định. Căn cứ vào qui chế này thì các loại quần áo lót nam, nữ, quần đùi, áo may ô, quần áo bơi, áo tắm, quần áo trẻ em, quần áo lửng, bộ đồ nam, nữ, đồ sơ sinh đều thuộc quyền kinh doanh của các hộ trong ngành hàng quần áo may sẵn. Tuy nhiên từ năm 2008 đến nay, một số hộ trong ngành hàng tạp hóa dù không được phép kinh doanh nhưng vẫn ngang nhiên bày bán các loại mặt hàng này. Việc làm sai trái của các hộ kinh doanh hàng tạp hóa được phản ánh trực tiếp lên ban quản lý chợ nhiều lần nhưng đã không được giải quyết, ngăn chặn triệt để. Vì vậy, tình trạng bán sai mặt hàng ngày càng phát triển. 

Bà Trương Thị Tuyết tổ phó, tổ ngành hàng quần áo may sẵn bức xúc cho rằng, nguyên nhân tình trạng này là do tranh chấp lợi ích kinh tế của các hộ kinh doanh cùng với sự buông lỏng quản lý của những người có trách nhiệm. Nhiều tiểu thương trong ngành hàng quần áo sau khi có đơn tố cáo sự việc đã bị một số đối tượng lạ mặt tới đe dọa, thậm chí có lần đã xảy ra xô xát khiến lực lượng Công an phường và Công an thành phố phải trực tiếp giải quyết.

Trước những bức xúc và đề nghị của các hộ kinh doanh, UBND thành phố Hạ Long đã thành lập tổ công tác tiến hành kiểm tra thực tế, xác nhận có 32 hộ kinh doanh hàng tạp phẩm tại 45 điểm kinh doanh đã bán các mặt hàng quần áo không đúng ngành hàng theo phương án bố trí sắp xếp ngành nghề kinh doanh của chợ với tổng số là 314. 736 đơn vị sản phẩm. Ngày 2/1/2014, UBND TP Hạ Long đã có cuộc họp với đại diện 2 ngành hàng và quyết định: Không ký hợp đồng thuê điểm kinh doanh, đồng thời đình chỉ kinh doanh, cưỡng chế thu hồi điểm đối với các hộ và điểm kinh doanh của ngành hàng tạp phẩm có vi phạm bán sai mặt hàng. Tuy nhiên gần 6 tháng trôi qua cho đến nay quyết định này vẫn chưa được thực hiện. Tiếp đó, ngày 25/4/2014, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Văn bản số 2103/UBND-TD, yêu cầu việc kinh doanh của các hộ tiểu thương trong chợ Hạ Long 1, phải đảm bảo theo đúng qui định của pháp luật về qui hoạch ngành hàng, điểm bán hàng và mặt hàng kinh doanh của từng ngành hàng. UBND tỉnh cũng chỉ đạo UBND thành phố Hạ Long lấy ý kiến tham gia của đại diện các ngành hàng trong chợ để điều chỉnh, bổ sung một số mặt hàng được phép kinh doanh đối với ngành hàng tạp phẩm và những ngành hàng khác, đảm bảo phù hợp và ổn định tình hình kinh doanh của từng ngành hàng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại những vướng mắc tại đây vẫn chưa được giải quyết, kèm theo đó là tình trạng mâu thuẫn và khiếu kiện kéo dài mà trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan quản lý.

Chợ Hạ Long1 không chỉ là trung tâm thương mại của thành phố Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh mà còn là một sản phẩm du lịch phục vụ du khách trong và ngoài nước khi tới thăm vịnh Hạ Long; lượng khách tới chợ mỗi ngày lên tới hàng nghìn người. Vì vây, việc ổn định hoạt động kinh doanh tại đây không chỉ là nhu cầu cấp thiết của của các hộ kinh doanh mà còn là việc làm thiết thực đảm bảo an ninh trật tự, góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn

PV
.
.
.