"Người đàn bà thờ cá" lập viện nghiên cứu thủy sản tư

Thứ Tư, 15/10/2008, 15:46
Theo bà tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình An: Giải được bài toán nâng giá trị sản phẩm ở thị trường xuất khẩu tất yếu sẽ đảm bảo được giá bán. Do vậy bà đã quyết định đầu tư khoảng 10 triệu USD để lập Viện Nghiên cứu Bianfishco Pangasius - Viện Nghiên cứu thủy sản tư nhân đầu tiên tại VN.
>> Bản lĩnh của “Người đàn bà thờ... cá”

Năm 2008, dự kiến con cá tra xuất khẩu sẽ mang ngoại tệ cho Việt Nam khoảng 1,6 tỷ USD. Từ giữa năm 2008, Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã có những cuộc họp trực tuyến với một số tỉnh ĐBSCL bàn, tìm giải pháp "đầu ra" cho hàng trăm ngàn tấn cá nguyên liệu đến lứa, quá lứa.

Trước đó, bà Phạm Thị Diệu Hiền - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) đã lặng lẽ ngày đêm thực hiện kỳ vọng: Góp phần kéo giảm rủi ro của hàng triệu người nông dân ĐBSCL một nắng hai sương qua việc lên tiếng tẩy chay kiểu làm ăn chụp giật của một số doanh nghiệp (DN) cùng lĩnh vực, đặc biệt là bà "thai nghén", cho "ra đời" Viện Nghiên cứu Bianfishco Pangasius Việt Nam. Đây cũng là viện nghiên cứu thủy sản tư nhân đầu tiên tại Việt Nam 

Giúp nông dân là giúp mình, không chấp nhận kiểu làm ăn chụp giật

Mở đầu câu chuyện với PV Báo CAND, bà Phạm Thị Diệu Hiền bộc bạch rằng: "Sống ở đời phải biết lúc người ta gặp khó chính là lúc mình thể hiện cái tâm". Từ suy nghĩ này, vào thời điểm nhiều nông dân nuôi cá gặp khó, Bianfishco đã chủ trương thu mua một lượng cá đáng kể của nhiều nông dân, kèm theo mức trợ giá từ 500 đến 1.000 đồng/kg so với giá thị trường; đối với những hộ nuôi mới cung cấp cá cho DN, Bianfishco hỗ trợ 700 - 800 đồng/kg.

"Thấy nó có lợi cho nông dân là tôi làm. Tôi nghĩ, DN và nông dân giống như người ngồi chung trên chiếc thuyền. Lúc gặp khó khăn, bão tố nếu biết đoàn kết, chia sẻ thì chẳng có việc gì là không giải quyết được" - bà Hiền nói. Càng có ý nghĩa hơn khi Bianfishco thực hiện việc mua cá và trợ giá cho nông dân từ trước khi DN được UBND Cần Thơ chọn (cùng với một vài DN khác có uy tín và năng lực chế biến - PV) để nhận khoản tín dụng khẩn theo chỉ đạo của Chính phủ, tiến hành thu mua cá quá lứa của nông dân.

Năm 2008, sản lượng cá tra, cá basa xuất khẩu của Việt Nam dự báo đạt 1,3 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt 1,6 tỷ USD. Sản phẩm cá tra Việt Nam đã có mặt ở 107 quốc gia và vùng lãnh thổ. "Vậy mà giá cá nguyên liệu vừa qua từng bị rớt thê thảm. Đây là điều hết sức nghịch lý!" - bà Hiền nói.

Từng có mặt các kỳ hội chợ thủy sản quốc tế thường niên tại Hoa Kỳ và Bỉ nên bà Hiền hiểu được ngọn ngành của vấn đề. Bà nói về một số DN của Việt Nam làm ăn chụp giật: "Họ cam kết với cộng đồng DN Việt Nam trước kỳ hội chợ rằng, không bán sản phẩm với giá dưới mức 3,1 USD/kg. Nhưng đến khi có khách vào thăm gian hàng, họ đã… xé rào; đạp lên trên quyền lợi của số đông DN còn lại, đặc biệt là cộng đồng người nuôi - bà con nông dân tay lấm chân bùn".

Những ai quan tâm đến diễn biến giá cá tra xuất khẩu thời gian qua đều thấy, có lúc giá cá giảm từ 2-5% tùy theo thị trường. Mức giảm này là do vào lúc khó khăn, giá cá sụt giảm, có những DN đã nhảy ra mua để đem gia công, chẳng cần lưu tâm về chất lượng, rồi chào xuất khẩu với giá rẻ.

Điều này đã gây ảnh hưởng đến không ít DN lớn, làm ăn chân chính do đã ký những hợp đồng lâu dài, giá cố định, nay bị đối tác nước ngoài gây khó khăn để đòi giảm giá. Theo thống kê, cả nước có hơn 100 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu trong khi số DN giao dịch, mua bán cá ra nước ngoài hơn 200 DN; trong số này có rất nhiều DN làm ăn chụp giật.

Thực tế, thời điểm nông dân gặp khó, không ít DN cũng gặp khó do sức tiêu thụ hàng của các thị trường xuất khẩu chậm lại, DN bị áp lực về lãi, nợ ngân hàng, không có điều kiện dự trữ tồn kho…

"Nhưng không thể vì thế những yếu kém, khó khăn của riêng mình mà mang hàng đi bán đổ bán tháo, bán với giá thấp để rồi giết nhau trên sân nhà. Đây cũng là thực trạng cần được siết chặt, thậm chí xử lý nghiêm nếu muốn sản phẩm cá tra mang ngoại tệ về nhiều hơn cho đất nước" - bà Hiền nói.

Lo cho chất lượng cá từ hầm nuôi tới… bàn ăn

Trong khi nhiều DN đổ xô vào nuôi cá, xây mới và tăng công suất chế biến, thì Bianfishco - dù mới gia nhập ngành Thủy sản, đã chọn cho mình con đường đi riêng. Đó là đảm bảo chất lượng sản phẩm và phát triển bền vững thông qua thực hiện 6 mục tiêu chất lượng, gồm: Chất lượng cho cuộc sống, Chất lượng cho vùng nuôi, Chất lượng cho nhà máy, Chất lượng sản phẩm, Chất lượng dịch vụ và Chất lượng cho bạn.

Bà Hiền cho rằng, để giải được căn cơ bài toán nguyên liệu, cần chủ động tạo được vùng nuôi và nguyên liệu phải đảm bảo tính ổn định cả về số lượng lẫn chất lượng đúng chuẩn quốc tế. Giải được bài toán nâng giá trị sản phẩm ở thị trường xuất khẩu tất yếu sẽ đảm bảo được giá bán.

Từ suy nghĩ rất phù hợp với xu thế phát triển, hội nhập này, người đứng đầu Bianfishco đã quyết định đầu tư khoảng 10 triệu USD để lập Viện Nghiên cứu Bianfishco Pangasius. Đây là Viện Nghiên cứu thủy sản tư nhân đầu tiên tại Việt Nam.

Viện nghiên cứu này đã được khởi động đầu năm 2008 cạnh Nhà máy Thủy sản Bình An (KCN Trà Nóc II, Cần Thơ) và vùng nuôi cá nguyên liệu rộng hàng trăm hecta. Dự kiến, Viện sẽ đi vào hoạt động đầu năm 2009 tới.

Bộ khung của Viện dự kiến có khoảng 100 người gồm các chuyên gia, giáo sư, kỹ sư trong lĩnh vực thủy sản trong và ngoài nước.

Bà Hiền cho biết thêm, khi đi vào hoạt động, Viện không chỉ phục vụ cho hiệu quả kinh tế của riêng DN mình mà sẽ sẵn sàng chia sẻ, nhằm góp phần mang lại hiệu quả cao hơn cho việc ứng dụng nghiên cứu sinh học vào mô hình nuôi cá tra tại ĐBSCL...

"Ở thời buổi hội nhập này, nếu DN muốn tồn tại và phát triển bền vững, tôi cho rằng không thể tiếp tục duy trì cách làm ăn chụp giật, đơn giản, nhỏ lẻ, thủ công mà phải đầu tư vào các chương trình nghiên cứu khoa học để có thể chứng tỏ với khách hàng và người tiêu dùng khả năng đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm từ ao nuôi đến bàn ăn. Đây cũng là cách chia sẻ của mình đối với hàng triệu nông dân nuôi cá vùng sông nước Cửu Long" - bà Hiền bộc bạch.

Bianfishco hiện được xếp thứ 5 của Việt Nam trên lĩnh vực xuất khẩu thủy sản. Nhờ sự phấn đấu miệt mài, thời gian qua, DN này đã vinh dự được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và hàng loạt danh hiệu, cúp vàng do các tổ chức trong và ngoài nước trao tặng.

Đầu tháng 7/2008 vừa qua, Bianfishco đã được Hiệp hội OtherWay - một Hiệp hội tư vấn và quản trị của EU trao tặng: "Cúp Bạch Kim về công nghệ cho chất lượng thương hiệu mạnh". Đây là chiếc cúp danh giá thứ 4 về uy tín - chất lượng cho sản phẩm tổ chức quốc tế trao tặng cho Bianfishco.

Thái Bình
.
.
.