Người dân Bình Phước bán điều non, vay lãi suất cao, cầm cố đất

Thứ Tư, 16/11/2011, 19:53
Ông Bùi Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, hầu hết các trường hợp bán điều non, bán đất, cầm cố đất, vay lãi suất cao là các trường hợp khó khăn về kinh tế cần có tiền chi tiêu, sinh hoạt gia đình, điều trị bệnh, trả nợ, xây nhà ở...

Ngày 13/11, tin từ UBND tỉnh Bình Phước cho biết, hiện nay tình trạng bán điều non, vay lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), tập trung ở các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập diễn biến cực kỳ phức tạp, nếu không có biện pháp ngăn chặn sẽ không giải quyết được nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, đồng thời phát sinh những mâu thuẫn mới trong xã hội.

Theo điều tra sơ bộ, đã có 818 hộ bán điều non với diện tích khoảng 1.900ha, giá bán từ 9-40 triệu đồng/ha, thời gian từ 1-15 năm, cá biệt có hộ bán đến 20 năm. Bên cạnh đó, có 340 hộ vay lãi suất cao, từ 3-10%/tháng. Ngoài ra có 243 hộ cầm cố đất với diện tích 346,5ha và có 271 hộ bán đất ở, đất sản xuất với diện tích khoảng 169ha.

Ông Bùi Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, hầu hết các trường hợp bán điều non, bán đất, cầm cố đất, vay lãi suất cao là các trường hợp khó khăn về kinh tế cần có tiền chi tiêu, sinh hoạt gia đình, điều trị bệnh, trả nợ, xây nhà ở… Các giao dịch đều tự thỏa thuận bằng miệng hoặc viết giấy tay giữa các hộ với các đối tượng mua điều non, mua đất vườn, cho vay và không có xác nhận của chính quyền địa phương nên khó khát hiện và không có cơ sở để xử lý.

Mặt khác, một số đối tượng cho vay nặng lãi, môi giới, bán điều non, buôn bán đất vườn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các hộ ĐBDTTS để tuyên truyền lối sống thực dụng, cho vay lãi suất cao và tìm cơ hội để buộc các hộ bán điều non, bán đất, xiết đất để trục lợi. Các đối tượng bằng mọi thủ đoạn làm quen, ban đầu ân nghĩa cho mượn tiền từ ít đến nhiều, cho thiếu nợ tiền để mua hàng như: vật tư, phân bón, lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng… lâu dần cùng cách tính lãi cao, đến lúc đòi nợ các hộ không có tiền trả dẫn đến phải đi vay mượn nơi khác hay làm giấy vay mượn, từ đó dẫn đến hệ lụy về sau là phải bán điều non, cầm cố, bán đất.

Ông Bùi Văn Thạch cho rằng: Nguyên nhân cũng do nhận thức của một bộ phận ĐBDTTS còn đơn giản và hạn chế, từ cuộc sống còn khó khăn nhưng đi vay nợ để ăn chơi nhậu nhẹt, mua sắm, làm nhà đẹp, mua xe, tổ chức cưới hỏi linh đình,... quá mức cần thiết. Sau khi vay không có khả năng chi trả, vì vậy phải bán điều non, vay lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất… để trả nợ.

Đến nay qua điều tra tại huyện Bù Đăng, đã rà soát được một số đối tượng chuyên thực hiện việc cho vay nặng lãi trong vùng ĐBDTTS, đã xác minh làm rõ, giải quyết được 3 trường hợp cho vay nặng lãi, cầm cố đất là ông Vũ Anh Chương, ngụ thôn Phước Lộc, xã Phước Sơn, bà Cao Thị Ngọc Hiền, ông Đinh Đại Phong, ông Diệp Tấn Phong cùng ngụ xã Đồng Nai. Điển hình là việc vay nặng lãi, cầm cố đất của ông Điểu Nhâm, ngụ thôn 4, xã Đồng Nai với số tiền lên đến hàng tỉ đồng, qua đó Công an huyện Bù Đăng đã lập được danh sách và có hướng xử lý nhằm ổn định tình hình.

Nhiều diện tích điều đang cho thu hoạch của các hộ ĐBDTTS ở tỉnh Bình Phước đã được bán non, cầm cố. Ảnh: Long Điền

Mặt khác, xác minh làm rõ việc vay tiền lãi suất cao của các ông Điểu Nho, Điểu Đố, thôn Đắk Liên và ông Điểu Brang, thôn Đắk La cùng ngụ xã Đắk Nhau vay tiền của ông Kiều Văn Tính, ngụ ấp 4, xã Bom Bo số tiền 50 triệu đồng với lãi suất 17%/tháng sau đó đã bị ông Kiều Văn Tính xiết 3ha đất. Qua điều tra, Công an huyện đã tiến hành hòa giải và buộc ông Kiều Văn Tính hoàn trả lại số tiền lãi suất cao và trả đất cho bà con.

"Đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam một đối tượng về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hơn 30 hộ ĐBDTTS với số tiền trên 770 triệu đồng bằng hình thức nhận tiền để đi khiếu kiện đòi lại đất bị thu hồi cho các hộ này" - ông Bùi Văn Thạch nói.

Về nhiệm vụ và giải pháp để quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất, ông Bùi Văn Thạch cho biết, trước mắt thực hiện xử lý các đối tượng bị phát hiện; xây dựng văn bản pháp lý để thực hiện chế tài xử lý; tạo nguồn và tổ chức cho vay theo chính sách đối với vùng ĐBDTTS; đẩy mạnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ĐBDTTS để đồng bào có tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp.

Về lâu dài đã đề ra các giải pháp như: đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi của tỉnh; rà soát chính sách đầu tư và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng và hỗ trợ ĐBDTTS trong lĩnh vực tư pháp

Long Điền
.
.
.