Người chăn nuôi bò sữa thêm một lần điêu đứng

Thứ Sáu, 16/01/2015, 09:38
Sau vụ việc người chăn nuôi ở Lâm Đồng đổ sữa ra đường, vì các công ty chế biến sữa hạn chế thu mua, ép sản lượng xuống, đến lượt nông dân nuôi bò sữa ở xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đứng trước nguy cơ tương tự. Đây là một nghịch lý lớn bởi hiện nay, Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu sữa tiêu dùng trong nước. 80% còn lại phải nhập từ nước ngoài.

Hiện nay, có hai công ty thu mua sữa của người chăn nuôi Phù Đổng là Vinamilk và Công ty CP sữa quốc tế (IDP). Tuy nhiên, từ khoảng tháng 10 trở lại đây, xảy ra tình trạng Công ty IDP đã khống chế sản lượng thu mua sữa tươi của các trạm thu gom khiến người chăn nuôi bị thừa sữa. Lượng sữa thừa có hộ lên tới 20-30kg mỗi ngày. Cho, uống không hết, đã có tình trạng lác đác, người chăn nuôi phải đổ bỏ sữa.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Hòa, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ chăn nuôi xã Phù Đổng cho biết, mùa đông thường là mùa sản lượng sữa tăng, vì đây chuẩn bị là mùa sinh sản của bò, chất lượng sữa cũng đảm bảo hơn mùa hè. Các năm trước, dù thừa sữa so với hợp đồng đã ký, Công ty IDP vẫn thu mua hết. Nhưng năm nay, theo ông Hòa, vì nhiều lý do, công ty này đã kiên quyết không thu mua số lượng sữa tăng thêm.

Ông Hòa cho biết, toàn xã Phù Đổng có hơn 770 hộ chăn nuôi bò sữa, với xấp xỉ 2.000 con. Sản lượng sữa trung bình mỗi ngày khoảng 15 tấn. Trong số này, Công ty Vinamilk thu mua khoảng hơn 50%, số còn lại do Công ty IDP thu mua.

Công ty CP sữa quốc tế kiên quyết không thu mua thêm sữa do tăng sản lượng.

“Theo tôi được biết, việc Công ty IDP đang trong giai đoạn tái cơ cấu đầu tư, nhưng sản lượng sữa của người dân tăng bất thường. Vào mùa hè, địa bàn xã Phù Đổng cung ứng khoảng 5 - 5,5 tấn sữa/ngày nhưng mùa đông lên tới 6,5 tấn/ngày khiến cho công ty gặp khó khăn trong việc thu mua hết lượng sữa trong dân”, ông Hòa phân tích.

Băn khoăn vì sữa thừa phải đổ bỏ, ông Vương Đình Sân, thôn Phù Dực 1, xã Phù Đổng tâm sự, từ vài tháng nay, mỗi ngày nhà ông “ế” khoảng 5-10kg sữa. Một con bò sữa của gia đình ông mỗi ngày cho 20kg sữa tươi. Theo hợp đồng, mỗi kilôgam sữa được thu mua có giá trên 12.000 đồng.

Như vậy, với lượng sữa phải đổ bỏ, mỗi ngày thiệt hại của gia đình ông lên tới cả trăm nghìn đồng. “Sữa tươi vắt ra bảo quản lạnh cũng chỉ được vài ngày, mà ngày nào cũng thừa đến cả chục kilôgam thì làm sao sử dụng hết được. Công ty xem thế nào mua thêm sữa cho nông dân chúng tôi đỡ thiệt thòi chứ thế này chẳng ai yên tâm với nghề chăn nuôi bò sữa nữa”, ông Sân kiến nghị.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Thảo, xóm Nông, thôn Phù Dực có 4 con bò đang cho sữa, mỗi ngày thu khoảng 50kg. Từ khi Công ty IDP khống chế số lượng thu mua, thu nhập mỗi tháng của gia đình ông giảm từ 3 – 4 triệu đồng.

Ông Hòa cho biết thêm, không chỉ khống chế số lượng sữa thu gom của người dân, phía Công ty IDP cũng quyết định cắt giảm và điều chỉnh hạ thấp hàng loạt khoản hỗ trợ thu mua sữa đối với các hộ dân cung cấp sữa cho Công ty IDP tại các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì.

Hiện giá sữa mà Công ty IDP mua cho các hộ dân tại Gia Lâm (Hà Nội) trung bình là 12.200 đồng/kg. Người chăn nuôi đang bán sữa cho Công ty IDP không khỏi chạnh lòng khi các công ty thu mua sữa khác như Vinamilk... vẫn đang giữ mức mua từ 14.000 - 14.500 đồng/kg. Tuy nhiên, sự việc này cũng có một phần nguyên nhân từ hai phía. Cũng đã xảy ra tình trạng vi phạm hợp đồng từ phía những người chăn nuôi.

“Khi mùa hè, sữa tươi được giá, một số hộ chăn nuôi đã bán sữa ra ngoài cho thương lái với giá cao hơn mà không bán cho Công ty IDP. Vì thế, khi mùa đông đến, sữa thừa nhiều, phía DN cũng không “mặn mà” giúp đỡ nông dân”, ông Hòa phân tích.

Từ thực tế trên, để hạn chế việc người dân phải đổ bỏ sữa, phía các đầu mối thu gom sữa như HTX Dịch vụ chăn nuôi xã Phù Đổng đã tìm cách để giúp nông dân như đi tiếp thị sữa tươi đến các trường học, cơ quan, tiệm bánh… Tuy nhiên, con số này cũng chưa được nhiều.

Ông Nguyễn Xuân Hòa cho biết, phía HTX đã nhiều lần đề nghị đại diện Công ty IDP về làm việc trực tiếp với người chăn nuôi, kiểm soát số lượng bò từ đó kiểm soát được lượng sữa thu gom mỗi ngày. Tuy nhiên, phía Công ty cũng mới chỉ hứa hẹn sẽ về làm việc, cùng nhau tháo gỡ và có giải pháp siết chặt tình trạng vi phạm hợp đồng giữa đôi bên.

Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề nghị Công ty IDP từ năm 2015 phải ký kết hợp đồng trực tiếp với từng hộ chăn nuôi, phân rõ trách nhiệm của từng bên và yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Địa phương có trách nhiệm hỗ trợ người nuôi bò sữa

Trước tình trạng người nuôi bò sữa ở một số địa phương như Lâm Đồng, Hà Nội gặp khó khăn tiêu thụ sữa, ngày 14/1, Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT các địa phương sớm tháo gỡ khó khăn cho nông dân. Theo đó, Cục Chăn nuôi yêu cầu các địa phương kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi bò sữa và thu mua sữa tươi nguyên liệu của các doanh nghiệp đối với người chăn nuôi bò sữa trên địa bàn. Làm việc với các doanh nghiệp thu mua, chế biến sữa để tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục và tạo cơ chế cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến sữa bao tiêu hết lượng sữa tươi nguyên liệu cho người chăn nuôi.

Các Sở NN&PTNT hỗ trợ người chăn nuôi bò sữa ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp thu mua, chế biến sữa trước khi chăn nuôi bò sữa. Cục Chăn nuôi cũng đề nghị các công ty thu mua và chế biến sữa tươi chia sẻ với người chăn nuôi về những khó khăn hiện tại, tạo điều kiện thu mua hết lượng sữa tươi sản xuất ra hằng ngày.

Chi Linh
.
.
.