Nghịch lý với ôtô nhập khẩu nguyên chiếc: Thuế cao mà giá vẫn rẻ

Chủ Nhật, 10/04/2005, 08:09
Xe ôtô nhập khẩu nguyên chiếc đang trở thành trào lưu của người giàu. Thuế đánh vào loại xe "xịn" này cực cao, nhưng giá xe bán trên thị trường Việt Nam lại rẻ đến khó ngờ. Có lẽ vì thế mà lượng xe ôtô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam trong quý I/2005 đã tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chiếc Mercedes CLS 350 ở salon ôtô thành phố đã đeo biển kiểm soát 16H-... giá 180 nghìn USD. Xem trang Web của Hãng Mercedes, xe này rao giá 80 nghìn USD. Nếu nhập về Việt Nam, theo đường chính ngạch, thuế ôtô từ 5 chỗ trở xuống là 290% (chưa có VAT) thì giá của nó phải hơn 300 nghìn USD. Chưa kể khi đi đăng ký phải đóng 5% thuế trước bạ. Nếu so với xe liên doanh trong nước thì chiếc xe nhập khẩu nguyên chiếc ở salon ôtô thành phố đắt hơn chẳng là bao, cho nên các đại gia không ngần ngại khi bỏ ra vài chục nghìn USD để có chiếc xe sang trọng, thậm chí là của "độc".

 

Anh bạn tôi cho biết: "Người tiêu dùng ai chẳng thích mua xe nhập vì giá không đắt mà còn được lợi". Một chiếc xe trị giá vài tỷ mà nhiều đại gia thay như thay áo, cố săn lùng loại nào đời mới nhất, mốt nhất. Ngẫm mà thấy thương cho mấy bác nông dân một nắng hai sương, mơ ước cái xe máy vài triệu đồng cũng còn đắn đo. Một ông chủ salon ôtô cho biết, đa số hàng đều nhập qua cửa khẩu Hải Phòng. Về đến salon ở Hà Nội, những chiếc xe này được bày trong nhà kính sáng choang, bóng loáng trông thật lộng lẫy.

 

Vì sao chiếc xe Classic  khi đăng ký chỉ khoảng 139 nghìn USD trong khi giá thật của nó là 240 nghìn USD. Rõ ràng, điều phi lý này ai cũng nhận ra, nhất là người tiêu dùng, nhưng chẳng mấy ai quan tâm đến giá trị thực của nó, cứ thấy "hời" cộng với "an toàn" là mua. Còn một số chủ salon ôtô, họ phải có hàng chục công đoạn "lắt léo" mới cho ra được cái giá "bèo" như thế. Có ông chủ tiết lộ, phải nhập xe qua một số địa phương, sau đó tìm cách đổi biển về Hà Nội.

Ông chủ salon ôtô thành phố thừa nhận, sở dĩ chiếc Mercedes CLS 350 được bán rẻ là có lý do. Còn lý do thế nào thì anh ta xin giấu. Nhưng có lẽ điều này ai cũng hiểu, không phải ngẫu nhiên hay vì một lẽ gì đó mà anh ta bán rẻ. Dạo quanh một vòng thị trường Hà Nội, không chỉ loại xe này có giá đồng loạt bằng nhau hoặc có chênh một chút, mà bất cứ loại xe sang trọng nhập ngoại nào cũng thế. Tại sao? Câu hỏi đặt ra thật khó có lời giải đáp đủ sức thuyết phục.

“Down giá"- biết nhưng khó chống

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Thuế, năm 2004 Việt Nam nhập khẩu 23.000 xe ôtô nguyên chiếc các loại, trị giá 323 triệu USD. Riêng quý I/2005, số xe ôtô nhập khẩu nguyên chiếc đã tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó cho thấy, lượng xe ôtô nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng tăng. Mỗi tháng, tại Hà Nội có gần một nghìn xe ôtô đăng ký mới, trong đó số xe nhập nguyên chiếc không phải là ít. Người ta đặt câu hỏi, nếu xe ôtô nhập nguyên chiếc về Việt Nam tăng như kể trên, mà giá lại thấp hơn nhiều so với cách đánh thuế của Nhà nước thì nguồn thu thuế từ loại xe này chẳng đã bị thất thoát quá nhiều hay sao?

 

Theo Phòng Nghiệp vụ, Cục Hải quan Hà Nội cho biết, từ ngày 1/10/2004 trở về trước, không có chuyện "down giá" (khai thấp giá thành của xe) vì tính bằng bảng giá tối thiểu. Từ ngày 1/10/2004 đến nay mới có hiện tượng "down giá". Cuối năm 2004, Cục Hải quan Hà Nội phát hiện một lô hàng gồm 6 chiếc xe Prado có hiện tượng "down giá" đã kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu quay về nơi nhập khẩu để khai lại giá. Sau sự việc này, Cục đã thông báo đến tất cả các chi cục về hiện tượng khai thấp giá thành của xe ôtô để các đơn vị cảnh giác.

 

Theo Cục Hải quan Hà Nội thì do họ làm chặt chẽ nên xe ôtô nguyên chiếc rất ít nhập về qua các cửa khẩu ở Hà Nội mà chủ yếu nhập qua các địa phương. Hiện tượng "down giá" kể trên không phải là mới, không phải các cơ quan chức năng không biết mà ngược lại còn biết rất rõ. Nhưng chống bằng cách nào thì chưa có giải pháp hữu hiệu. Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan thì chúng ta mới áp dụng và thực hiện Hiệp định trị giá tính thuế (GATT) nên rất khó đấu tranh với hiện tượng này.

 

Theo Hiệp định thì tất cả hàng hóa tính thuế theo khai báo giá hợp đồng, không được áp giá tối thiểu như xưa. Chẳng hạn, lô hàng trị giá nhiều tiền, nhưng trong hợp đồng lại khai xuống thấp hơn giá thật thì chúng ta cũng phải đánh thuế  theo hợp đồng. Đây là điều các cơ quan chức năng đang nỗ lực tìm cách tháo gỡ. Một quan chức của ngành Hải quan còn cho biết, giá của xe Mercedes CLS 350 khi nhập về Việt Nam giá thấp đến bất ngờ: 21 đến 30 nghìn USD. Có hàng trăm lý do để nhiều doanh nghiệp lách luật nhằm mục đích trốn thuế. 

 

Cũng là chiếc xe Mercedes, Lexuz… nhưng mỗi xe giá thành một khác. Loại xe có báo hiệu nguy hiểm cách 30m tự điều chỉnh giá khác; loại xe nâng gầm cao thấp tùy ý giá khác; xe có trang thiết bị nội thất đặt theo yêu cầu giá khác loại xe cũng trang thiết bị như thế nhưng không phải đặt theo yêu cầu…Khi nhập về Việt Nam, người ta chỉ cần thay một bộ phận trong xe là giá đã khác. Sau khi làm thủ tục Hải quan và nộp thuế xong, những thiết bị ấy mới được chủ của nó "đặt" về đúng vị trí và giá thành xe lại tăng vọt. Những kiểu "lách" thuế như trên chẳng khác gì đánh đố các cơ quan chức năng, bởi ai là người theo dõi để kiểm tra?

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, hiện liên ngành Hải quan, Công an, Thuế sẽ tiến hành họp bàn để tìm cách chống hiện tượng "down giá" trốn thuế của những chiếc xe ôtô nhập khẩu nguyên chiếc kể trên. Biết là khó nhưng chẳng lẽ chúng ta lại bất lực?

Trần Hằng - An Bình
.
.
.