Nghi vấn 26.000 tấn thịt trâu nhập khẩu 'hô biến' thành thịt bò

Thứ Sáu, 10/04/2015, 08:34
Đây là thông tin được ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đưa ra tại cuộc tọa đàm trực tuyến “Chống hàng giả: Cần sự quyết liệt của nhiều ngành” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 9/4 tại Hà Nội.

Ông Cẩn cho biết, năm 2014, lượng thịt trâu nhập khẩu từ Ấn Độ và một số nước khác vào Việt Nam qua tờ khai hải quan là trên 26.000 tấn. “Nhưng trên thị trường, các lực lượng chức năng và người tiêu dùng có thấy bán thịt trâu nhập khẩu không, hay khối lượng thịt trâu này đã được làm giả thành thịt bò để đưa vào thị trường tiêu thụ cũng như vào các bếp ăn tập thể?” - ông Nguyễn Văn Cẩn nói.

Trả lời nghi vấn trên, ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14 (Chi cục QLTT Hà Nội) - đơn vị trực tiếp tham gia xử lý vụ việc nêu trên, cho biết, vụ việc đã được điều tra. Tuy nhiên, vụ việc cho thấy thủ đoạn mới tinh vi của các đối tượng vi phạm.

“Toàn bộ số thịt trâu trên được nhập khẩu hợp pháp, có giấy phép và được thông quan. Song vấn đề nằm ở khâu tiêu thụ. Qua khảo sát người tiêu dùng, chúng tôi không nhận được phản ánh phát hiện về việc mua phải thịt trâu giả thịt bò” - ông Hoàng Đại Nghĩa cho hay.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nguyễn Trọng Tín cho biết, năm 2014, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã tiến hành kiểm tra trên 21.000 cuộc, trực tiếp phát hiện xử lý trên 17.000 vụ vi phạm, phạt tiền trên 57 tỷ đồng. Nhóm mặt hàng bị làm giả gồm có: Rượu, bia, nước giải khát, bột ngọt, mỹ phẩm, vải may mặc, quần áo, phân bón, vật tư nông nghiệp… Hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ chủ yếu bị làm giả về kiểu dáng, chỉ dẫn địa lý, tem, nhãn mác, bao bì…

Ông Nguyễn Trọng Tín cho rằng, vấn nạn hàng giả đang trở thành thách thức đối với dư luận xã hội, lực lượng chức năng. Nhiệm vụ này không thể thực hiện trong “một sớm, một chiều” mà phải có quá trình đấu tranh lâu dài. Trong xu thế hội nhập khu vực và thế giới, thúc đẩy sản xuất phát triển, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính không thể tách rời công tác đấu tranh chống hàng giả.

Lưu Hiệp
.
.
.