Ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu:

Nghị định mới tạo ra sự linh hoạt trong giá bán xăng dầu

Thứ Sáu, 19/09/2014, 15:22
Để chuẩn bị cho việc Nghị định 83 thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/11 tới, sáng 19/9, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã tổ chức một buổi hội thảo về nghị định này. Bên lề hội thảo, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Phan Thế Ruệ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Chủ tịch Hiệp hội về những thay đổi của thị trường xăng dầu trong thời gian tới.

PV: Ông đánh giá như thế nào về những điểm mới của Nghị định 83 so với Nghị định 84 trước đây?

Ông Phan Thế Ruệ: Tôi cho rằng Nghị định 83 có rất nhiều điểm mới căn bản, tạo điều kiện để thị trường xăng dầu Việt Nam vận hành theo cơ chế thị trường, theo đúng tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng là phải đưa thị trường xăng dầu Việt Nam tiệm cận với thị trường xăng dầu khu vực và thế giới. Điểm mới thứ nhất là các thành phần tham gia. Nếu như trước đây chỉ có 3 đối tượng tham gia thị trường là đại lý, tổng đại lý và cửa hàng bán lẻ, thì tới đây có thêm 2 đối tượng nữa tham gia là thương nhân phân phối và thương nhân nhận quyền.

Ảnh: Ông Phan Thế Ruệ (VGP).

Trước đây, theo Nghị định 84, giá là do doanh nghiệp quyết định, nhưng trên thực tế là do cơ quan quản lý Nhà nước quyết định. Còn theo quy định tại Nghị định 83 thì doanh nghiệp đầu mối được quyết định giá, mà thương nhân phân phối cũng được tự quyết định về giá nếu biên độ dao động giá dưới 3%. Điều này sẽ tạo ra sự linh hoạt trong giá bán xăng dầu, nghĩa là thị trường sẽ có nhiều giá bán lẻ khác nhau.

PV: Hiệp hội có kỳ vọng gì về việc thực hiện Nghị định mới? Liệu có tác động tích cực hơn lên thị trường xăng dầu trong nước không?

Ông Phan Thế Ruệ: Nghị định 83 có nhiều điểm mới, nhưng không có hướng dẫn cụ thể thì không thể thực hiện được. Đơn cử như quy định “ổn định thuế nhập khẩu”, ổn định là như thế nào, trong thời gian cụ thể bao nhiêu, mức thuế suất ổn định cụ thể bao nhiêu… cần phải được quy định rất rõ trong Thông tư hướng dẫn.

Hay như biên độ dao động giá dưới 3%, từ 3-7% và trên 7% thì cũng phải quy định rõ hơn nữa. Như thế này nghĩa là cứ trong biên độ 1 đến 3% là DN được tự điều chỉnh, có DN 1, 2% đã điều chỉnh, có DN 3% mới điều chỉnh. Theo tôi đừng nên can thiệp và “khóa” mốc thời gian (tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh tăng là 15 ngày), DN sẽ tự do điều chỉnh giá, người tiêu dùng được quyền lựa chọn mua của DN này hay DN khác. Trong khoảng thời gian này thì DN bị kiềm chế và bó buộc bởi thời gian, giả sử khi có thể giảm thì không được giảm, khi chưa tới mức tăng lại phải tăng.

PV: Đã có nhiều kiến nghị về Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 84 giữa Bộ Công thương và Bộ Tài chính “vênh” nhau. Phía Hiệp hội có kiến nghị gì về các văn bản hướng dẫn cho nghị định mới này không?

Ông Phan Thế Ruệ: Tôi kỳ vọng hai bộ hợp tác với nhau để làm Thông tư liên bộ, nếu không muốn lại “dẫm” vào con đường như Nghị định trước đây. Nếu của anh nào anh ấy hướng dẫn thì rất dễ vênh. Chỉ còn 1 tháng nữa là Nghị định có hiệu lực, nếu không nhanh lên thì Thông tư liên bộ không ra kịp, việc thực hiện Nghị định sẽ bị tắc.

Tháng 12 các đầu mối sẽ phải nhập khẩu xăng dầu, thì ổn định thuế cụ thể ở đây sẽ như thế nào? Hay như theo quy định tại Nghị định 83 thì vẫn giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập và sử dụng “liên tục, thường xuyên”, tôi cho rằng không hợp lý. Bởi, nếu trích quỹ liên tục thì người tiêu dùng sẽ thiệt mà xả quỹ liên tục thì doanh nghiệp sẽ chết. Những quy định này phải có hướng dẫn, mà theo tôi là hướng dẫn cực khó chứ không phải dễ.

PV: Việc Nghị định 83 thiếu chế tài xử lý, nên khó quy trách nhiệm. Vậy điều này nên xử lý thế nào?

Ông Phan Thế Ruệ: Đúng ra Nghị định 83 phải có 1 chương về chế tài. Nhưng tiếc là giờ đã ban hành rồi, thì tôi cho là cần hẳn một Nghị định về chế tài xử lý, chứ nếu chỉ quy định trong Thông tư hướng dẫn thì e không đủ tính pháp lý. Theo tôi, chế tài xử phạt phải ở mức cao để đủ tính răn đe.

PV: Xin cảm ơn ông!

N. Phương
.
.
.