Nghị định 89 của Chính phủ gỡ khó cho ngư dân vay vốn

Thứ Ba, 27/10/2015, 08:19
Trước những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, đầu tháng 10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89 sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Nghị định 67.

Nghị định 89 có hiệu lực từ ngày 25/11/2015, có nhiều điểm mới tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngư dân, như việc nâng cấp máy tàu có thể sử dụng máy thủy cũ, thay đổi thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất đối với từng loại tàu và một số quy định mới về chính sách bảo hiểm, thiết kế…  

Nghị định 89 bổ sung quy định trường hợp nâng cấp máy tàu có thể sử dụng máy thủy mới, hoặc máy thủy đã qua sử dụng theo quy định. Điều này rất phù hợp với nguyện vọng của ngư dân. 

Theo ngư dân Huỳnh Văn Minh, ở xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, việc nâng cấp tàu sử dụng máy cũ còn chất lượng trên 80% vẫn đảm bảo cho việc đánh bắt của ngư dân. Thông thường, kinh phí trang bị máy cũ chỉ bằng 1/3 giá trị của máy mới nên ngư dân có thể tiết kiệm được kinh phí đầu tư... 

Nghị định 89 cũng đã điều chỉnh thời hạn cho vay đóng mới, nâng cấp tàu gỗ và vỏ thép. Theo đó, trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ hoặc nâng cấp tàu, thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất là 11 năm và 16 năm đối với đóng mới tàu vỏ thép, hoặc vỏ vật liệu mới. Năm đầu tiên sau khi giải ngân, chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc, nhà nước cấp bù số lãi vay của chủ tàu được miễn cho các ngân hàng thương mại. 

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Quảng Ngãi, cho biết: Để bảo vệ quyền lợi cho ngư dân, Ngân hàng đang hướng dẫn cho ngư dân bổ sung sửa đổi lại một số điều khoản trong hợp đồng tín dụng cho phù hợp với Nghị định 89: “Đối với tàu vỏ thép đã cho vay 11 năm theo Nghị định 89 được nâng lên 16 năm thì Ngân hàng sẽ làm việc với bà con để hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ và kéo dài thời gian cho vay lên để tạo điều kiện cho bà con ngư dân trả nợ”.

Nghị định 89 còn sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ chi phí các thiết kế mẫu. Ngư dân sẽ được hỗ trợ 100% chi phí thiết kế tàu vỏ thép, vật liệu mới có công suất từ 400CV trở lên mà theo Nghị định 67 ngư dân không được hưởng ưu đãi này. Nghị định 89 tăng tỷ lệ vốn vay tối đa đối với các chủ tàu đóng mới, ưu đãi lãi suất và điều chỉnh mức bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, còn có một số thay đổi về chính sách bảo hiểm, yêu cầu kỹ thuật đối với thiết kế mẫu tàu theo hướng phù hợp với thực tế. 

Được biết, sau 2 năm triển khai Nghị định 67 của Chính phủ, đến nay, Quảng Ngãi đã phê duyệt được 79 tàu, trong đó, số tàu đã được các ngân hàng thương mại ký hợp đồng tín dụng là 16 tàu. Số tiền cam kết cho vay là gần 100 tỷ đồng, 12/16 tàu đã được giải ngân với số tiền trên 40 tỷ đồng. 

“Việc Chính phủ ban hành Nghị định 89 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 có thể khẳng định Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến ngư dân, luôn tạo điều kiện để bà con ngư dân nhanh chóng tiếp cận các gói tín dụng để nâng cấp, đóng mới tàu vươn ra khơi xa nhằm phát triển kinh tế biển một cách bền vững”, ông Hoàng khẳng định.

Anh Thư
.
.
.