Ngao chết, nhiều gia đình nguy cơ thành con nợ

Thứ Hai, 29/03/2010, 14:42
Gần đây, nông dân nuôi thả ngao tại vùng triều bãi ngang ở xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đang hết sức lo lắng do tình trạng ngao chết hàng loạt và có xu hướng lan rộng ra các đồng bãi khác. Theo bà con nông dân, số ngao chết chủ yếu là ngao thịt, được nuôi thả từ gần hai năm trước, đang chuẩn bị cho thu hoạch, gây thiệt hại nặng nề, khiến nhiều gia đình có nguy cơ trở thành con nợ lớn của ngân hàng.

Nông dân khốn đốn

Theo ông Lê Ngọc Sự, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hậu Lộc, hiện nay tại huyện có 405ha vùng bãi ngang ven biển, được các hộ dân thuê sử dụng nuôi ngao, tập trung nhiều ở các xã Hải Lộc (200ha), xã Đa Lộc (140ha) và xã Minh Lộc (65ha). Đây là một trong hai vùng nuôi ngao lớn nhất của tỉnh Thanh Hóa, cùng với xã Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa). Năm 2005 và năm 2009, tại vùng nuôi ngao Hải Lộc này cũng xảy ra tình trạng ngao chết, có thời điểm ngao chết trên diện tích nuôi khoảng 40ha, thiệt hại hàng tỷ đồng.

Tại cánh đồng ngao rộng 6,5ha, chị Nguyễn Thị Oanh (thôn Lộc Tiên, xã Hải Lộc) đang ngao ngán cùng một số người phụ nữ khác mà gia đình vừa bỏ tiền thuê thu nhặt xác ngao chết.

Chị Oanh buồn bã cho biết: "Vụ ngao năm nay, có lẽ gia đình tôi chịu thiệt hại nặng nề nhất ở xã, ngao chết trắng đồng. Xót của, nhưng chúng tôi vẫn phải bỏ thêm tiền, mượn người dọn ruộng ngao, phần để vớt vát số ngao còn sót lại, gỡ gạc chút vốn, phần vì phải làm vệ sinh đồng bãi để còn lo lắng cho vụ ngao sau".

Ngao chết trắng ở vùng triều xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa).

Nhiều hộ nông dân nuôi ngao khác ở Hải Lộc cũng đỏ mắt vì ngao chết. Thiệt hại vì ngao chết là một phần, vì tuy lỗ nặng vẫn có thể trông chờ vào vụ sau, nhưng nỗi lo không có tiền kịp trả cho ngân hàng còn lớn hơn. Rất nhiều hộ gia đình đang sử dụng vốn vay ngân hàng để đầu tư nuôi ngao, nhưng số ngao chết chiếm đến gần 50% diện tích thì thực sự người dân không biết trông chờ vào đâu, sau gần 20 tháng nuôi nấng, chăm sóc một vụ ngao.

Theo ước tính, chi phí để có một hécta ngao khoảng 250 triệu đồng, nặng nhất là tiền mua ngao giống, rồi đến chi phí thuê lao động chăm nuôi, mua trang thiết bị phục vụ nghề. 1kg ngao giống, cuối vụ có hy vọng đạt 5kg ngao thịt, với giá thị trường hiện nay có thể đạt khoảng 400 triệu đồng/ha. Vậy nên, nhiều hộ gia đình mạnh dạn vay vốn ngân hàng, vay mượn xung quanh để nuôi ngao. Bây giờ, ngao chết hàng loạt là mất cả vốn lẫn lãi.

Vẫn nguyên nhân chính: Chủ quan

Trao đổi với chúng tôi, nhiều bà con nông dân cho rằng: Sở dĩ năm nay ngao chết nhiều thê thảm vậy là do thay đổi khí hậu, độ mặn của nước biển và ô nhiễm môi trường vùng triều bởi nguồn nước từ các cửa sông đổ ra. Thay đổi khí hậu thế nào, nước các con sông lớn ở Thanh Hóa gần đây không mưa thì có ảnh hưởng đến độ mặn của nước, hay có kéo theo nhiều bùn rác gây ô nhiễm…, bà con chỉ nắm chung chung, mà nguyên nhân cụ thể thì không rõ.

Cũng như lần ngao chết hàng loạt tại xã Hoằng Phụ, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa) đã tiến hành kiểm tra, xét nghiệm chất đất, chất nước... để tìm nguyên nhân.

Người dân Hải Lộc cố vớt vát những con ngao còn sống.

Theo những thông tin ban đầu, nguyên nhân khiến ngao nuôi tại Hải Lộc chết nhiều như vậy, phần lớn là do bà con chưa chấp hành một cách nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nuôi trồng ngao vốn có kỹ thuật rất khó này.

Những khảo sát ban đầu cho thấy, mật độ thả nuôi tại những ruộng có ngao chết thường là quá dày, 250 con/m2, trong khi thực hiện đúng kỹ thuật chỉ khoảng 150 con/m2. Về nguyên nhân khách quan, có thể do khí hậu thời gian gần đây nắng nóng kéo dài, cộng với số ngao chết chủ yếu là ngao lớn (cỡ 30 - 50 con/kg) đang trong thời kỳ sinh sản, có sức đề kháng kém, nên xảy ra tình trạng ngao chết nhiều như vậy.

Ông Lê Ngọc Sự, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hậu Lộc cho biết thêm: "Trong những ngày tới, phòng chuyên môn sẽ cử cán bộ xuống Hải Lộc để nắm tình hình. Bên cạnh đó, giúp bà con ngư dân tìm hướng khắc phục, ổn định diện tích nuôi trồng và vệ sinh môi trường vùng triều. Nhưng quan trọng nhất, chúng tôi sẽ tập trung hướng dẫn và yêu cầu bà con chấp hành nghiêm ngặt kỹ thuật nuôi chăm sóc để giảm thiểu những thiệt hại trong các vụ nuôi ngao tiếp theo"

Gia Linh
.
.
.