Ngành thép loay hoay… giảm nhập siêu

Thứ Năm, 27/05/2010, 11:18
Năng lực sản xuất trong nước dư thừa, nhưng hàng năm vẫn phải nhập khẩu hàng tỷ USD nguyên liệu và các sản phẩm thép là nghịch lý khó chấp nhận được, theo nhìn nhận từ chính Hiệp hội Thép Việt Nam. Vì thế, Hiệp hội đã đề xuất những biện pháp nhằm giảm nhập siêu, vừa để đẩy mạnh xuất khẩu, vừa tạo cơ hội cho lượng tiêu thụ thép sản xuất trong nước tăng cao hơn nữa.

Nhập khẩu cả mặt hàng trong nước dư  thừa

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong bốn tháng qua, mỗi tháng cả nước nhập khẩu trung bình 35.000 tấn thép từ Trung Quốc và các quốc gia ASEAN. Thép nhập khẩu từ ASEAN chiếm từ 52-55%, từ Trung Quốc chiếm hơn 20%, còn lại là các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Điều này là thậm vô lý vì các nhà máy sản xuất thép trong nước đang hoạt động dưới công suất thiết kế do thiếu đầu ra.

Trao đổi với PV Báo CAND, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Tiến Nghi khẳng định, trung bình một năm ngành thép nhập khẩu hơn 6 tỷ USD thép và sản phẩm thép các loại. Éo le ở chỗ, nhiều mặt hàng, trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được như: thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, ống thép hàn, tôn mạ kẽm, sơn phủ màu… Công suất của các nhà máy sản xuất thép trong nước đang lớn gấp rưỡi nhu cầu tiêu dùng, nên chuyện nhập khẩu là không cần thiết.

Phó Chủ tịch Nguyễn Tiến Nghi tính toán: 50% trong số 6 tỷ USD dành nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, 30% để nhập khẩu các sản phẩm mà doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng được. Đặc biệt, các doanh nghiệp vẫn nhập về 20% các sản phẩm mà trong nước đã sản xuất được. Như vậy, hàng năm ngành thép đã lãng phí tối thiểu trên 1 tỷ USD để nhập khẩu mặt hàng có thể mua được ngay trong nước. Mỗi ngành góp một chút, nên tỷ lệ nhập siêu luôn cao hơn dự báo ban đầu là điều thường diễn ra trong thực tế.

Thép sản xuất trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.

Giảm nhập siêu: Có thể thực hiện ngay

Ông Nguyễn Tiến Nghi thông báo, Hiệp hội Thép Việt Nam đã đề xuất lên Bộ Công thương 3 phương án, nhằm kiềm chế nhập siêu. Trước hết, không nên ưu tiên cho các doanh nghiệp vay tín dụng, đổi ngoại tệ để nhập khẩu các sản phẩm thép mà trong nước đã sản xuất được.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng phải thực hiện đăng ký nhập khẩu tự động đối với mặt hàng thép để nắm rõ khối lượng hàng nhập khẩu hàng tháng, từ đó hạn chế nhập khẩu sản phẩm không cần thiết. Phương án này đã được Bộ Công thương chấp nhận bằng cách ban hành Thông tư về nhập khẩu tự động. Cuối cùng, thép và sản phẩm thép khi nhập khẩu vào Việt Nam cần phải được các bên liên quan kiểm tra rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm…, trước khi thông quan.

Thời điểm hiện tại, giá thép đã giảm, cơn sốt "ảo" đã hạ nhiệt. Mức giá xuất kho hiện tại từ nhà máy chỉ ở mức 13-13,8 triệu đồng/tấn. Giá thép đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức 16 đến 17 triệu đồng/tấn.

Một số doanh nghiệp đã sản xuất cầm chừng. Lượng thép tiêu thụ (tính từ khi xuất khỏi nhà máy) cũng đang giảm rõ rệt. Điều này được lý giải do các đại lý, các cửa hàng bán lẻ găm hàng. Dự đoán cho thấy, trong tháng 6, giá thép và lượng tiêu thụ có thể nhích lên so với tháng 5. Tuy nhiên, thị trường thép sẽ không có biến động lớn trong các tháng tới đây, vì mùa mưa đang đến, nhu cầu xây dựng cũng giảm theo.

Thép đã hết sốt ảo

Tháng 5/2010, lượng thép tiêu thụ ước đạt khoảng 260.000 tấn, thấp hơn gần 39.000 tấn so với tháng 4 và chưa bằng một nửa so với kỷ lục tiêu thụ thép chưa từng có trong tháng 3 năm nay (568.000 tấn). Lượng thép xuất xưởng giảm thẳng đứng khi lượng thép tiêu thụ tháng 4 chỉ bằng 52% lượng thép tiêu thụ tháng 3 và lại giảm dần trong tháng 5. Giá thép bắt đầu chững lại từ cuối tháng 4 và giảm 2 lần trong tháng 5, vào các ngày 4/5 và 17/5, với tổng mức giảm lên tới 600.000 đồng - 1 triệu đồng/tấn so với trước đó (chưa kể thuế VAT và mức chiết khấu cho đại lý).

N.H.S.
.
.
.