Ngành công nghiệp gỗ xuất khẩu: Đối mặt với sự thay đổi lớn trên thị trường

Thứ Tư, 15/10/2008, 10:08
Trong 2 ngày 14 và 15/10, tại TP HCM diễn ra Hội thảo "Sự thay đổi của thị trường gỗ, sản phẩm gỗ quốc tế và hành động của ngành công nghiệp chế biến lâm sản Việt Nam" do IUCN Việt Nam, Bộ NN&PTNT và Tổ chức phát triển Hà Lan tổ chức nhằm thông tin cho khối doanh nghiệp và những đại biểu tham dự về những thách thức và cơ hội để có sự chuẩn bị trước sự thay đổi lớn đang diễn ra trên thị trường quốc tế.

Năm 2008, dự kiến kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD và đặt mục tiêu 3,4 tỷ USD vào năm 2010 Việt Nam trở thành nước xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn thứ 4 toàn cầu. Tuy nhiên, mặc dù kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng cao nhưng ngành công nghiệp gỗ Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu.

Hội thảo cũng đã xoay quanh vấn đề tính hợp pháp và tính bền vững của Việt Nam trong việc nhập khẩu gỗ tròn và sự tăng trưởng của công nghiệp đồ gỗ Việt Nam.

Nếu công nghiệp đồ gỗ Việt Nam đạt được những mục tiêu của mình về tăng trưởng xuất khẩu thì phải có những bước đi để cam kết về tính hợp pháp của nguồn cung ứng nguyên liệu thô của mình.

Các quốc gia tiêu thụ đang xây dựng những định chế  khác nhau, những công cụ chính sách và kinh tế để sàng lọc việc nhập khẩu bất hợp pháp và khuyến khích việc nhập khẩu hợp pháp.

Theo Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối thì ngành công nghiệp chế biến, thương mại sản phẩm gỗ Việt Nam hiện đang tồn tại một số khó khăn. Trong đó có việc EU và Hoa Kỳ chuẩn bị áp dụng những công cụ yêu cầu chứng minh nguồn gốc nguyên liệu gỗ.

Theo cơ quan giám sát lâm nghiệp SGS thì vấn đề "khai thác trái phép" ngày càng trở nên quan trọng đối với  các quốc gia có thị trường hàng hóa lâm sản lớn như: Mỹ, Nhật Bản, các quốc gia châu Ââu. Vì vậy, các khiếu nại về các sản phẩm gỗ không nguồn gốc do sản xuất từ gỗ khai thác bất hợp pháp là vấn đề ngày càng trở nên nóng bỏng và là mối đe dọa lớn của ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ ở Việt Nam.

Vì vậy, theo Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối là trong thời gian tới phải chú trọng công tác kế hoạch và quy hoạch. Chú trọng đến nguyên liệu cũng như thị trường tiêu thụ, đầu tư phát triển, đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội và các doanh nghiệp

T.Hà
.
.
.