Ngành Than trước nguy cơ khủng hoảng thiếu thợ lò

Thứ Hai, 10/01/2011, 14:55
Lương ngày càng cao, điều kiện làm việc ngày càng được cải thiện, nhưng thợ lò bỏ việc cũng ngày càng nhiều. Đó là một thực tế đang diễn ra ở các công ty than.

Mức lương 10 triệu đồng/tháng hiện nay không đủ hấp dẫn để giữ công nhân gắn bó với công việc vừa vất vả vừa nguy hiểm. Kỳ nghỉ Tết sắp đến, cũng là thời điểm lãnh đạo các công ty than lo ngay ngáy, bởi có thể ra Giêng, sẽ có hàng chục công nhân của họ không đi làm trở lại.

Than phải đổi bằng mồ hôi và cả mạng sống

Đây là thông tin mà ông Trần Xuân Hòa - Tổng Giám đốc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho báo chí biết. Năm 2010, 42 công nhân đã thiệt mạng, gần bằng con số kỷ lục 50 người của "năm đau thương" 2006. Tính từ năm 2001 đến 2009, số lao động tử nạn trong ngành than ở Quảng Ninh là 253 người. Nói thế để thấy, làm nghề thợ lò nguy hiểm như thế nào.

Làm thợ lò, nghĩa là họ phải làm việc sâu dưới lòng đất, có khi dưới mực nước biển hơn 200m, trong các đường lò chật chội, tối tăm, ẩm thấp và thiếu ôxy. Điều kiện làm việc đã thế, công việc lại rất nặng nhọc. Người thợ lò cũng như vận động viên thể thao, ngoài 30 tuổi đã trở thành "lão tướng". Thanh niên 18 - 20 tuổi cũng chỉ làm được tối đa 26 ngày công/tháng (nhưng rất hiếm hoi), đa phần còn lại là 18 - 20 ngày công.

Người nào trụ vững trong nghề cũng chỉ chừng 15 năm xuống lò là phải chuyển công việc khác. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hồng Long - Giám đốc Công ty Than Hòn Gai (Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết: "Chúng tôi đang khá lo lắng bởi thợ lò bỏ việc. Công việc vất vả quá, mà điều kiện sống cải thiện chưa được bao nhiêu".

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các công ty khai thác than hầm lò khác. Có thể kể đến Công ty Than Nam Mẫu, năm 2010 cũng có 160 công nhân bỏ việc. Hay Công ty Than Thống Nhất (Cẩm Phả, Quảng Ninh) cũng có đến 300 người.

"Chúng tôi còn may mắn vì số người tuyển vào bù được số nghỉ việc. Nhiều công ty còn thảm hơn rất nhiều" - ông Vũ Đình Bình, Chủ tịch Công đoàn Công ty Than Thống Nhất cho biết. "Chúng tôi biết thợ lò của chúng tôi khổ, nên cố gắng tạo điều kiện hết cỡ. Lương bình quân của họ là 10 triệu đồng/tháng. Quần áo vào lò thay ra có người giặt, mà rách là cấp bộ mới ngay, chứ không phải 1 năm 2 lần như các công ty khác. Ai làm được đến ngày công thứ 21 là có thưởng. Thế mà hầu hết công nhân chúng tôi chỉ làm được trên dưới 20 công/tháng. Chỉ có 42% vượt công thứ 21 trở lên. Công việc quá vất vả, nếu không nghỉ không tái tạo sức lao động tiếp được".

Hiện theo các con số báo cáo thì mức lương của thợ lò là tương đối cao, từ 7 đến hơn 10 triệu đồng/tháng. Thậm chí có những công ty còn có câu lạc bộ 20 triệu. Nhưng thực tế không được tươi sáng như vậy. Sơn (quê ở Ninh Bình), hiện là thợ lò của Công ty Than Thống Nhất cho biết: "Em làm ở đây được 2 năm rồi, lương cũng được 5-6 triệu/tháng, nhưng cũng chẳng để dành được đồng nào. Thuê nhà, ăn uống hết. Mà mệt lắm. Em tính làm một vài năm nữa có việc tốt hơn thì nghỉ, không trụ mãi với nghề này được". Khi chúng tôi đến nhà trọ của công ty, Sơn đang nghỉ vì ốm. Với sức của cậu thanh niên 25 tuổi này, tháng chỉ làm được chừng 20 công, mức lương chỉ được như vậy.

Điều kiện làm việc khó khăn là một nguyên nhân khiến thợ lò bỏ việc.

Tai nạn nhiều là do chất lượng lao động

Có một lần đặt chân xuống lò, mới hiểu vì sao thợ lò bỏ việc. Tháng 12 vừa qua, phóng viên một số báo đã được đưa đi thực tế hầm lò để cảm thông phần nào với cuộc sống của những người thợ.

Dù được đưa vào hầm lò dài chỉ chừng 600m, vẫn còn ở mức dương (trên mực nước biển), lại là lò chợ hiện đại nhất của Vinacomin, chống bằng dàn thủy lực, đường lò thông thoáng, chúng tôi vẫn khó có thể thở nổi, chứ chưa nói gì đến làm việc. Chưa kể đến đường lò ẩm thấp, gập ghềnh, lại tối mò mò rất dễ vấp ngã, nguyên chuyện hít thở bầu không khí loãng ôxy, đặc bụi than đã khiến chúng tôi phải huy động cả mũi lẫn miệng mà vẫn thở vô cùng khó nhọc.

Ở trong lò, đứng, ngồi, đi lại… không một tư thế nào thoải mái. Công nhân cứ phải làm việc trong điều kiện đó suốt 8 tiếng liền một ngày, trong cả tháng. Bởi thế, chúng tôi hỏi chuyện một chục người thợ lò, cả chục người đều trả lời muốn bỏ việc từ buổi làm đầu tiên, mà hễ có việc khác là họ lập tức chuyển.

Dù những năm gần đây, điều kiện làm việc đã được cải thiện đáng kể, 100% lò thủ công đã bị xóa sổ, thì nghề thợ lò vẫn là quá nguy hiểm đối với nhiều người. Không một chuyên gia đầu ngành nào dám khẳng định buổi xuống lò nào là an toàn. Họ chỉ biết thực sự đã an toàn, khi đặt chân lên mặt đất. Chính vì vậy, việc tuyển được thợ lò đáp ứng đủ các yêu cầu đã trở thành vô vọng với các công ty than.

"Chúng tôi phải hạ chuẩn mới tuyển được người. Lẽ ra phải tốt nghiệp cấp III, thì nay cấp II cũng phải tuyển. Yêu cầu sức khỏe cũng phải hạ xuống một chút. Dù vậy, mỗi năm cũng chỉ tuyển được thêm 200 - 300 người, đủ bù vào số bỏ việc" - ông Phạm Hồng Long cho biết.

Chính điều này đã nảy sinh ra những nghịch lý. "90% nguyên nhân mất an toàn là do sơ sảy của công nhân. Một trong những nguyên nhân là do Vinacomin phải tuyển từ lao động từ các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa, ý thức chấp hành an toàn của họ không được tốt" - ông Trần Xuân Hòa cho hay.

Nghịch lý đã được chỉ ra, nhưng giải quyết không phải dễ. "Thợ lò thực sự phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, cả tháng không nhìn thấy mặt trời mới kiếm được miếng ăn. Mà giờ người công nhân có nhiều lựa chọn.

Tỉnh nào cũng phát triển công nghiệp, nhà máy công ty mọc lên như nấm. Người ta thà làm tháng 2, 3 triệu đồng, nhưng công việc không quá vất vả, lại được gần gia đình còn hơn là phải đi xa. Còn con em địa phương, chẳng ai chấp nhận làm cái nghề khổ nhọc nguy hiểm này. Chúng tôi đang tính, nếu tình hình không cải thiện thì nguy. Những năm tới, biết tuyển công nhân ở đâu" - ông Bình thở dài

Vũ Hân
.
.
.