Ngành Công Thương phải chú trọng công tác bình ổn giá
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, năm 2007, giá trị sản xuất hàng công nghiệp đạt 574.046,8 tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2006. Nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có tỷ trọng công nghiệp lớn đều tăng trưởng khá: Hà Nội tăng 21,4%; Bình Dương 25,3%...
Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2007 khoảng 60,78 tỷ USD, tăng 35,4% so với năm 2006. Nhập siêu cả năm khoảng 12,3 tỷ USD, bằng 25,6% kim ngạch XK.
Theo phân tích của Bộ Công Thương nguyên nhân nhập siêu cao là do tác động của nền kinh tế tăng trưởng cao, đầu tư nước ngoài tăng manh, giá và lượng một số mặt hàng nguyên liệu vật liệu nhập khẩu tăng, ảnh hưởng của việc cắt giảm thuế theo cam kết và nhu cầu tiêu dùng, sức mua trong nước tăng cao.
2007 cũng là năm thị trường nội địa đón nhận sự tác động trực tiếp từ việc gia nhập WTO với sự chuyển biến mạnh mẽ của hệ thống phân phối. Tổng mức bán kẻ hàng hoá và dịch vụ ước đạt 726.113 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2006.
Do tác động của thiên tai, dịch bệnh và giá cả thế giới nên năm 2007 cũng là năm người tiêu dùng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi giá cả tăng cao, các mặt hàng thiết yếu đều tăng (điện tăng 7,6%, than tăng 10-20%, xăng tăng 23,8%, dầu mazut tăng 41,6%, lương thực, thực phầm, vật liệu xây dựng tăng cao) đã tác động tới việc tăng chỉ số giá tiêu dùng.
Năm 2008 Bộ Công Thương đề ra chỉ tiêu tăng trưởng 17,5% giá trị sản xuất công nghiệp, đạt trên 674 nghìn tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt 59,03 tỷ USD, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá dự kiến 76 tỷ USD, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ trên thị trường nội địa đạt khoảng 875 tỷ đồng.
Năm 2008, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công Thương là bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm cân đối cung- cầu hàng hoá cho nền kinh tế, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoá, sốt giá, sốt hàng hay đầu cơ tích trữ hàng hoá để lợi dụng tăng giá.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết Bộ Công Thương sẽ thực hiện cơ chế điều tiết vĩ mô trên cơ sở vận dụng đồng bộ các biện pháp để kiểm soát và kiềm chế tốc độ tăng giá.
Bộ Công Thương sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hoá, kiểm soát chi phí sản xuất, chi phí lưu thông những mặt hàng thiết yếu nhằm hạn chế đến mức tối đa sự tăng giá của các mặt hàng.
Các kênh phân phối lớn sẽ được xây dựng đồng thời với việc tạo điều kiện để đông đảo người buôn bán nhỏ ổn định và tăng trưởng, hoàn thiện kênh phân phối để không xảy ra tình trạng giá tăng do lưu thông đứt đoạn.
Bộ Công Thương cũng sẽ tiến hành rà soát những mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh do việc cắt giảm thuế quan theo cam kết WTO và AFTA mà trong nước có khả năng sản xuất để có biện pháp hạn chế nhập khẩu và khuyến khích sản xuất trong nước nhằm giảm nhập siêu. Xây dựng hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp định chế quốc tế đối với hàng nhập khẩu để tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước.
Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, cơ cấu nhập khẩu năm 2008 sẽ là: nhóm máy móc, thiết bị, phụ tùng khoảng 26,3%; nhóm nguyên vật liệu cho sản xuất 66,2%; nhóm hàng tiêu dùng chỉ khoảng 7,5%