Ngang nhiên mua bán ngoại tệ trái phép

Thứ Sáu, 03/02/2012, 10:44
Mặc dù đã có quy định cấm, thế nhưng trên địa bàn TP Hà Nội, hoạt động thu mua ngoại tệ trái phép vẫn ngang nhiên tồn tại ở một số điểm, tuyến phố. Vậy, đến bao giờ tình trạng trên mới được chấm dứt? Câu hỏi này rất cần sự nhập cuộc của cơ quan chức năng.

Từ chợ “đen” đến… điểm lễ hội: Sôi động giao dịch

Sau một thời gian chìm lắng, những ngày qua – thời điểm đầu năm, hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép trên phố Đinh Lễ (quận Hoàn Kiếm) tiếp tục tái diễn gây bức xúc dư luận.

Theo lời giới thiệu của Tuấn, 30 tuổi nhà ở Kim Mã (quận Ba Đình) - một người chuyên kinh doanh trong lĩnh vực vàng, bạc, bất động sản, 13h ngày 2/2, tôi có mặt tại tuyến phố này. Dù tiết trời lúc này đổ mưa xuân, thế nhưng vừa thấy tôi rà rà xe gần vệ đường, một người phụ nữ đầu đội mũ len, vai đeo chiếc túi nhỏ vẫn đon đả chạy ra mời chào: “Mua hay bán em trai?”. Không để vuột mất cơ hội, tôi mở lời: “Giá “đô” - USD mua vào hôm nay ra sao?”. “Đô” 20.80 (tức 20 ngàn 800 đồng/USD) còn “ơ” – đồng EUR là 26.70 (tức 26 ngàn 700 đồng/EUR)”. Nói rồi người phụ nữ tuổi ngoài 40 này không ngớt lời “chào hàng” với các nội dung đại loại như: “Em đổi nhiều không”; “Giá “đô” thế là cao rồi đấy”; “Đô” dạo này chững lắm”...

Cũng theo người phụ nữ này, chị ta còn kiêm thêm cả dịch vụ bán tờ 2 USD năm 1976. Vốn là một tờ ngoại tệ được nhiều dân chơi cho là sẽ gặp may mắn khi sở hữu nó, nên giá mà chị bán ra cho dân chơi là 300 ngàn đồng/tờ 2 USD này. Tiếp xúc và ghi nhận ở đây hồi lâu, tôi được hay, ngoài chị này ra, tại đây cũng xuất hiện một số “đầu nậu” chuyên cung cấp dịch vụ mua bán ngoại tệ tương tự.

Tại lối vào Phủ Tây Hồ - điểm lễ hội thu hút lượng lớn khách hành hương trong và ngoài nước ở phường Quảng An, quận Tây Hồ cũng xuất hiện hơn chục tiệm bán đồ lễ, viết sớ kiêm thêm dịch vụ đổi tiền lẻ. Sẽ không có gì đáng bàn nếu tại những quầy, kệ này không có sự xuất hiện của đồng USD. Chủ bán đồ vàng mã kiêm đổi tiền lẻ cho khách hành hương ngay tại khu vực cổng dẫn vào Phủ Tây Hồ cho biết, đồng ngoại tệ 2 USD năm 2003 được bác bán với giá 80 ngàn đồng. Còn tờ 2 USD năm 1976 thì giá của nó tăng thêm 90 ngàn đồng/tờ - tức 170 ngàn đồng.

Ngoại tệ được bày bán công khai tại khu vực dẫn vào Phủ Tây Hồ.

Không kiên quyết, vi phạm sẽ “nhờn thuốc”

Khảo sát thực tế tại một số điểm kinh doanh mua bán ngoại tệ trái phép trên địa bàn TP, chúng tôi nhận thấy, hoạt động vi phạm này ngang nhiên vi phạm. Mọi quy định dường như không có hiệu lực gì hết. Đáng chú ý, người dân – những người có nhu cầu bán, đổi ngoại tệ lui tới các điểm kinh doanh trái phép này không hề hay biết rằng, hành động của mình không chỉ vi phạm pháp luật mà còn là một trong những nguyên nhân gián tiếp tạo ra hiệu ứng cho các chợ “đen” ngoại tệ có đất để hoạt động. Chưa hết, ngay chính bản thân của người tiêu dùng tìm đến các điểm thu mua này còn bị “sập bẫy”.

Nói vậy lẽ vì, trở lại điểm “đen” đổi ngoại tệ ở phố Đinh Lễ. Giá đồng USD mua vào của chị này đưa ra là 20.80 (20 ngàn 800 đồng/USD, 26.70 (26 ngàn 700 đồng)/EUR trong khi tỷ giá trên thị trường là 20.98 (20 ngàn 980 đồng)/USD còn đồng EUR là 27.20 (27 ngàn 200 đồng). Như vậy, chỉ cần ít phút đổi ngoại tệ, người dân sẽ bị mất “phế” một khoản tiền không phải nhỏ. Đấy còn chưa kể đến những lời “đồn thổi” về đồng 2 USD năm 1976 để nâng giá tiền quy đổi lên cao ngất ngưởng.

Một điểm đáng lưu ý nữa tại tuyến phố Đinh Lễ - nơi có một số “đầu nậu” thu mua ngoại tệ trái quy định đó chính là, số “đầu nậu” này luôn cải trang. Chỉ khi có khách quen hoặc nhìn bề ngoài trông không giống lực lượng chức năng thì mới xuống đường mời chào. Khi thỏa thuận đã “ok!”, các “đầu nậu” sẽ đi vào các ngõ nhỏ để lấy ngoại tệ cũng như tiền ra đổi cho khách hàng.

Theo ông Lưu Bách Chiến – Đội trưởng Đội QLTT số 2, Chi cục QLTT TP Hà Nội, đây cũng chính là một trong những khó khăn mà lực lượng chức năng đã và đang gặp phải khi xử lý các vi phạm dạng này. Cũng theo ông Chiến, để xử lý dứt điểm hoạt động thu đổi ngoại tệ, niêm yết giá bằng ngoại tệ…, tới đây sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp cần được tăng cường hơn nữa trong quá trình kiểm tra, xử lý các vi phạm. Bởi lực lượng QLTT thôi thì chưa đủ.

Theo Nghị định 95/2011/NĐ–CP ra ngày 20/10/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng thì sẽ phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi cho vay, cho thuê tài chính hoặc trả nợ trong nước bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật; mua, bán, thanh toán ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật…

Trần Huy
.
.
.