Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành
Cụ thể, theo Quyết định số 418/QĐ-NHNN, NHNN giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm.
Còn tại Quyết định số 419/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,0%/năm xuống 4,75%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Ngân hàng giảm lãi suất điều hành từ 17-3. |
Ngoài ra, NHNN cũng ban hành 4 quyết định khác gồm Quyết định số 420/QĐ-NHNN về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,0%/năm xuống 6,5%/năm.
Quyết định số 421/QĐ-NHNN quy định lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 1,0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm; lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0,05%/năm.
Quyết định số 422/QĐ-NHNN quy định lãi suất tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô tại NHNN là 1,0%/năm. Quyết định số 423/QĐ-NHNN quy định mức lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước là 1,0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước là 0,05%/năm, lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 1,0%/năm.
“Việc điều chỉnh các mức lãi suất điều hành nói trên là nhằm để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế trên phạm vi toàn cầu”, NHNN cho biết.
Thực ra, động thái này của NHNN đã được lãnh đạo cơ quan này thông tin từ trước và sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed tung ra gói hỗ trợ nền kinh tế chưa từng có, gồm nhiều công cụ khác nhau, trong đó có hạ lãi suất, mà không cần chờ đến cuộc họp chính thức ngày 17 và 18-3, thì áp lực giảm lãi suất điều hành đã được các chuyên gia phân tích và cho rằng đã đến thời điểm để thực hiện.
Theo các chuyên gia, trong các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, giảm lãi suất điều hành là một động thái luôn được thị trường chờ đợi vì nó sẽ có tác động đến lãi suất cho vay ra nền kinh tế - điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho các DN nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung. Giảm lãi suất điều hành là một cơ chế chính sách, giải pháp giúp TCTD có thanh khoản dồi dào, nguồn vốn lãi suất thấp hơn, hỗ trợ được DN nhiều hơn…
Thực tế trên thế giới, các ngân hàng Trung ương đều đã đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ DN. Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV lưu ý là trong bối cảnh hiện nay, việc giảm lãi suất điều hành sẽ tác động không nhiều cũng như không hỗ trợ nhiều đối với việc cho vay mới khi mà khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu vì tín dụng toàn hệ thống ngân hàng trong 2 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 0,1% (cùng kỳ tăng 0,85%).
Ngoài ra, cũng theo TS Lực, dư địa giảm lãi suất của Việt Nam hiện nay khá eo hẹp do áp lực lạm phát vẫn rất lớn. Bởi vậy, TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cái mà người dân và DN đang cần chính là dòng tiền, thanh khoản hỗ trợ tức thì, trong khi việc giảm lãi suất có độ trễ.
Vì vậy, các cơ quan quản lý của Việt Nam nên khẩn trương thực hiện các nhóm giải pháp tại Chỉ thị 11 ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung nhóm giải pháp giãn, hoãn các nghĩa vụ trả nợ của người dân, DN như miễn giảm phí/thuế, giãn-hoãn nợ vay và tiền thuế, không chuyển nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp hơn, tăng chi tiêu đầu tư công…
Cùng quan điểm, TS Võ Trí Thành – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng việc giảm lãi suất điều hành của NHNN Việt Nam cũng là động thái phù hợp bởi trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và khó khăn, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang giảm lãi suất.
Nhưng theo ông Thành, rút kinh nghiệm bài học từ cuộc khủng hoảng 2008, Chính phủ và NHNN vẫn nên cân nhắc điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng, quan trọng nhất là đảm bảo thanh khoản của toàn hệ thống.