Ngăn dòng tiền nhàn rỗi đầu tư vào vàng
Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có Văn bản số 707/HHĐTTC gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Theo đề xuất của VAFI, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên có cơ chế chính sách để tăng cường thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư đổ vào hệ thống ngân hàng cũng như cơ chế ngăn cản dòng tiền nhàn rỗi đầu tư vào những kênh không có lợi cho nền kinh tế như vàng, ngoại tệ, bất động sản… để từ đó có thể hạ lãi suất cho vay xuống 12%/năm. Đồng thời, nên xác định lại cách tính bội chi ngân sách hằng năm theo hướng không nên xem chỉ tiêu nợ quốc gia/ GDP bằng khoảng 50% là ngưỡng an toàn.
Đầu tư vào vàng hoàn toàn không có lợi cho nền kinh tế
Theo đề xuất của VAFI, nhiệm vụ của NHNN là đưa lãi suất cho vay về 12%/năm bởi nếu làm được điều này thì coi như đã thực hiện tốt nhiều chỉ tiêu vĩ mô quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng GDP, giảm bội chi ngân sách, giảm thâm hụt thương mại, ổn định thị trường ngoại hối, kiểm soát được lạm phát, phát triển thị trường chứng khoán, đẩy nhanh tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước. Có một thực tế là mức lãi suất 12% đã từng tồn tại trong giai đoạn 2003-2007.
Đặc biệt, trong các năm 2006, 2007, lãi suất cho vay có thời điểm đã xuống tới mức 8%-10%/ năm. Để có thể kéo lãi suất cho vay về mức 12%/năm, NHNN phải có cơ chế chính sách để tăng cường thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư đổ vào hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán, đồng thời có cơ chế ngăn cản dòng tiền nhàn rỗi đầu tư vào những kênh không có lợi cho nền kinh tế như đầu tư vàng ngoại tệ, bất động sản.
![]() |
Người dân có tiền nhàn rỗi vẫn đang có xu hướng đầu tư vào vàng. |
Theo thống kê của VAFI, hiện nay dòng tiền nhàn rỗi đổ vào ngân hàng và thị trường chứng khoán chỉ khoảng 35%, số còn lại đầu tư vào các kênh khác không có lợi cho nền kinh tế, đặc biệt là đầu tư vào vàng. Sở dĩ đầu tư vào vàng không có lợi cho nền kinh tế là vì dòng vốn đầu tư vào vàng là dòng vốn chết, không đưa được vào sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, việc quản lý thị trường vàng hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Bằng chứng là hoạt động kinh doanh vàng miếng và đầu tư vàng miếng hiện nay rất "thoải mái tự do" không cần giấy phép của ngành và không thu thuế với cá nhân kinh doanh vàng, trong khi cá nhân đầu tư vào chứng khoán thì cực kỳ rủi ro nhưng phải chịu hai loại thuế là thuế chuyển nhượng chứng khoán và thuế cổ tức.
Hơn nữa, vàng có thể được coi như ngoại tệ nhưng nếu như ngoại tệ bị cấm mua bán trên thị trường tự do thì vàng lại không bị cấm, được mua bán và đầu cơ thoải mái mà không bị đóng thuế. Đó là chưa kể có hàng ngàn cửa hàng kinh doanh vàng hiện nay nhưng thực chất là có cả hoạt động kinh doanh ngoại tệ. Việc bình ổn thị trường ngoại hối sẽ rất khó bền vững nếu như cấm mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do mà lại không có những giải pháp hạn chế kinh doanh vàng miếng.
Cũng theo VAFI, vừa qua NHNN lấy ý kiến công luận về dự thảo nghị định quản lý kinh doanh vàng. Tuy nhiên thông điệp chính sách này đã không thành công. Bằng chứng là trong thời gian gần đây và nhất là những ngày vừa qua, thị trường kinh doanh vàng miếng lại nhảy múa và đã tác động tới thị trường ngoại hối. Vì thế, Dự thảo Nghị định này chưa thể được ban hành và cần phải sửa đổi toàn diện theo tinh thần mới.
Về thị trường ngoại hối, VAFI cũng đề xuất, NHNN cần nhanh chóng có quy định thu hẹp đối tượng được vay ngoại tệ, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ, tiếp tục khống chế và hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ trong khu vực dân cư xuống mức 1%/năm.
Xác định lại cách tính bội chi ngân sách hằng năm
Một nội dung khác được VAFI nhấn mạnh trong văn bản kiến nghị, đó là việc Bộ Tài chính cần xác định lại cách tính bội chi ngân sách hằng năm theo hướng không nên xem chỉ tiêu nợ quốc gia/ GDP bằng khoảng 50% là ngưỡng an toàn.
Theo lý giải của VAFI, theo thông lệ quốc tế, chỉ tiêu nợ quốc gia/ GDP bằng khoảng 50% là ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, chỉ tiêu này không thể áp dụng cho Việt Nam vì lãi suất huy động trái phiếu chính phủ của Việt Nam hiện gấp 3 lần so với các nước. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tiền lãi mà chúng ta phải trả gấp 3 lần so với các nước. Đồng thời, VAFI cũng đề xuất Bộ Tài chính và NHNN cần nhanh chóng cắt giảm và hạn chế tối đa việc chính phủ bảo lãnh các khoản vay cho doanh nghiệp, đồng thời, có kế hoạch đề xuất với Chính phủ cân bằng ngân sách trong 5 năm tới. Bên cạnh đó, ngành Tài chính và Ngân hàng nên cùng nhau xúc tiến việc điều tra các khoản nợ xấu đang gia tăng trong hệ thống ngân hàng mà NHNN chưa có số liệu chính xác, để từ đó nhanh chóng có giải pháp nhằm xử lý nhanh các khoản nợ xấu trong một số ngành kinh tế đang gặp khó khăn.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cần tăng các loại thuế và phí để chống nhập siêu, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng đắt tiền, những mặt hàng mà trong nước có khả năng sản xuất được; giảm thuế và phí ở một số ngành hàng xuất khẩu chưa có ưu thế cạnh tranh; giảm 50% thuế VAT ở một số ngành kinh tế đang gặp khó khăn về đầu ra, vay nợ nhiều và có nguy cơ bị phá sản như ngành sửa chữa đóng tàu, vận tải biển, sản xuất xi măng; miễn các loại thuế VAT, thuế nhập khẩu cho nguyên liệu, thức ăn gia súc, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngành hàng kinh doanh gia súc để kích thích ngành chăn nuôi phát triển, tăng cung cho thị trường nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần cải thiện đời sống của người dân.
Giá vàng trong nước giảm sâu, còn 44,80 triệu đồng/lượng Giá vàng quốc tế trong phiên giao dịch đêm ngày 11/8 tại NewYork (Mỹ) xuống sát 1.730 USD/ ounce, giảm 50 USD so với ngày hôm trước đã khiến giá vàng trong nước phiên giao dịch cuối tuần (ngày 12/8) giảm 1 triệu đồng, xuống sát 44,5 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội, các thương hiệu đều niêm yết giá bán quanh mốc 44,50-44,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,80-44,85 triệu đồng/lượng (bán ra). Đến chiều 12-8, vàng tiếp tục giảm thêm khoảng 100 ngàn đồng/lượng so với giá niêm yết buổi sáng. Các thương hiệu niêm yết giá bán quanh mức 44,450-44,560 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,750-44,800 triệu đồng/lượng (bán ra). Nếu quy đổi, giá vàng trong nước chỉ còn vênh khoảng trên dưới 300 ngàn đồng/lượng so với giá thế giới. Trong khi đó, trên thị trường tiền tệ, tỷ giá liên ngân hàng được NHNN áp dụng cho ngày 12/8 vẫn ở mức 20.618 đồng/USD. Giá USD tại các NHTM sau 3 ngày "sốt ảo" do ảnh hưởng thông tin nhập khẩu vàng cũng đã ổn định trở lại. Cụ thể, tỷ giá USD của các NHTM niêm yết phổ biến ở 20.814 - 20.824 đồng (mua ra - bán vàng), không biến động nhiều so với ngày hôm trước. Tỷ giá USD trên thị trường tự do cũng ổn định ở mức 20.850-20.900 (mua vào-bán ra). H.T. |