Ngăn chặn hàng tiêu dùng thiết yếu không đảm bảo an toàn thực phẩm

Thứ Hai, 01/02/2016, 09:02
Hạt hướng dương, hạt bí, mứt, ô mai, thực phẩm đóng hộp đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường Tết. Tuy có một phần lớn hàng tiêu dùng thiết yếu nhập khẩu chính ngạch thì còn một lượng lớn không nhỏ là hàng nhập lậu đang tấn công vào thị trường Tết. Ghi nhận của PV Báo CAND tại cửa khẩu và nội địa.


Chưa phát hiện hạt hướng dương nhập khẩu có độc tố chì và nấm

Có mặt ở Cửa khẩu Kim Thành, tỉnh Lào Cai, theo ghi nhận của chúng tôi thì lượng hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ Tết nhập khẩu qua đây mỗi ngày là rất lớn. Theo báo cáo của Trạm Kiểm dịch thực vật Kim Thành thì lượng hàng xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu Kim Thành tăng cao so với năm trước cả về số lô, trọng lượng và phí thu. Việc kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu được tiến hành trên từng contener hàng theo thông tư 12/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Kiểm nghiệm rau bắp cải bằng tets thử nhanh tại Trạm kiểm dịch thực vật Kim Thành.

Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật Kim Thành – ông Trần Văn Hoàng cho biết: “Mỗi ngày có khoảng 60-70 tấn hạt hướng dương và 5-10 tấn hạt bí nhập khẩu. Doanh nghiệp nhập nhiều nhất là 50 tấn hướng dương/ngày, còn thường chỉ 10 tấn”.

Theo quan sát của chúng tôi, mỗi container, hàng cán bộ lấy mẫu bất kỳ chỗ nào để kiểm tra. Chỉ tiêu kiểm tra là độc tố nấm. “Qua quá trình kiểm tra từ năm 2015 đến giờ với 7.040 lô hàng (khối lượng trên 126 nghìn tấn) chưa phát hiện độc tố nấm. Chúng tôi đã lấy 140 mẫu gửi kiểm tra phân tích ATTP, đã có 130 mẫu có kết quả phân tích và đều đạt, không có mẫu hướng dương và hạt bí nào vi phạm an toàn thực phẩm” – ông Hoàng cho biết.

Hoa quả, rau xanh là nhóm hàng nhập khẩu mạnh để cung ứng cho thị trường Tết. Tuy nhiên, thời điểm này, nhập khẩu nhiều nhất ở Cửa khẩu Kim Thành là nho, táo, cam và các mặt hàng nông sản là bắp cải, cải thảo, súp lơ trắng, cà rốt. Theo ông Hoàng thì hiện tại 200 mẫu gửi về kiểm nghiệm tại Viện VSATTP quốc gia; Trung tâm Kiểm định chất lượng và Trung tâm Kiểm định thuốc BVTV để phân tích 7 hoạt chất nhưng chưa có mẫu nào vi phạm hoặc vượt ngưỡng cho phép.

Năm 2015, khi lấy 374 mẫu kiểm tra nhanh dư lượng thuốc BVTV nhóm lân hữu cơ và nhóm carbamete bằng tesikid trên rau, củ, quả tươi nhập khẩu Trạm đã phát hiện 48 mẫu có dư lượng, trong đó gồm: hồng quả 10 mẫu (1%-7%); lựu quả 18 mẫu (1%-6%); táo quả tươi 9 mẫu (2%); lê quả tươi 1 mẫu (1%); nho tươi 4 mẫu (1%-6%); xoài quả tươi 5 mẫu (4%-5%); rau bắp cải 1 mẫu (1%); rau cải thảo (1%); khoai tây (2%). Còn lại 299 mẫu không phát hiện dư lượng. Riêng bắp cải phát hiện chỉ tiêu carbamete và lân hữu cơ (dư lượng thuốc trừ sâu) 2% thì theo ông Hoàng là vẫn dưới ngưỡng cho phép.

“Việt Nam chưa đưa ra tiêu chuẩn khuyến cáo nên chưa có cơ sở pháp lý để xử lý. Nhưng theo tiêu chuẩn của Hàn Quốc thì phải 30%” mới đưa ra khuyến cáo và 50% trở lên mới là vượt ngưỡng” – ông Hoàng giải thích.

Trà trộn thực phẩm không nguồn gốc, không hạn sử dụng vào bán dịp Tết

Có mặt ở chợ Đồng Xuân và phố Hàng Giầy (Hà Nội), hàng hóa Tết là thực phẩm khô như bánh kẹo, mứt các loại, hạt hướng dương, thực phẩm đóng hộp… được bày rất bắt mắt. Hạt hướng dương được để trong túi nilon trắng và theo người bán thì nó có xuất xứ từ Trung Quốc, còn nhãn mác không có. Mặc dù hạt hướng dương được nhập khẩu chính ngạch một lượng lớn mỗi ngày, nhưng theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lào Cai thì có một lượng hàng không nhỏ lậu lọt vào do cư dân biên giới mác, vác, xách về.

Ngoài hạt hướng dương, hạt bí, cư dân còn xách tay về cả bánh mứt kẹo, quả lựu, quả quýt. Cụ thể, Chi cục QLTT tỉnh Lào Cai đã bắt giữ và tiêu hủy hàng trăm tấn hoa quả, thực phẩm nhập lậu. Thậm chí, mới đây còn bắt giữ lô hàng vài trăm hộp mứt Tết các loại là hàng đã hết date nhưng vẫn đưa vào lưu thông.

Ở cửa khẩu không phát hiện chất chống mốc hay độc tố nấm, vậy làm thế nào hạt hướng dương này để được lâu, không mốc? Một chị bán hàng khô ở chợ Đồng Xuân cho chúng tôi biết: “Phải biết cách rang, lúc rang thì phun chống mốc vào”. “Chị có bán chất chống mốc không?” – tôi hỏi. Người bán trả lời: “Tôi không bán, thử ra phía ngoài hỏi xem”. Theo quan sát của chúng tôi, trên những kệ hàng trong nước còn có những mặt hàng như xúc xích, dầu hào, ngô chiên đóng hộp, măng đóng hộp… của Trung Quốc bày bán.

Ông Lưu Bách Chiến, Đội  trưởng Đội QLTT số 2 cho biết, năm nay thực phẩm của Trung Quốc bày bán ít hơn mọi năm do lượng tiêu thụ thấp. Tuy nhiên, hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác vẫn còn. Điển hình là Đội QLTT số 2 đã xử phạt 45 triệu đồng đối chủ lô hàng tập kết hàng hóa ở ngõ 36 Đồng Xuân, buộc tiêu hủy 92 thùng hạt dẻ cười, hạt macadamia, hạt óc chó.

Chỉ còn vài ngày nữa là tới Tết Nguyên đán, nhu cầu mua thực phẩm đang rất lớn. Đây là thời điểm các đối tượng tung ra thị trường nhiều loại thực phẩm nhập lậu, không nhãn mác, hàng giả, hàng nấm mốc dùng hóa chất tẩy cho tươi mới trà trộn với hàng thật. Tại nhiều tuyến phố của Hà Nội bày bán những khay mứt các loại theo cân, tuy không có nhãn mác, bao bì nhưng lại được khách hàng ưa chuộng và chẳng ai mảy may hỏi về xuất xứ.

Đại diện lãnh đạo Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, trọng tâm kiểm tra của đơn vị trong dịp Tết ngoài các nguyên liệu đưa vào sản xuất bánh mứt kẹo, bia, rượu, nước giải khát, nước mắm… thì còn có một số loại độc tố, chất cấm, phụ gia không được phép sử dụng, chất có hại trong chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu…

Qua kiểm tra, lực lượng QLTT Hà Nội đã tịch thu 20.581 sản phẩm bánh kẹo các loại; 7.103kg ô mai, hạt dẻ cười, mứt. Điển hình là phát hiện tại cơ sở sản xuất Thúy Sơn, ở xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, có 1.500kg ô mai mơ mặn được đóng trong bao tải không có nhãn hàng hóa, không có ngày sản xuất và hạn sử dụng. Số hàng trên có hiện tượng nấm mốc, xếp chồng tại nền xưởng không đảm bảo ATTP. Hay phát hiện tại cơ sở sản xuất ô mai Dương Lừng, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, có 80 thùng ô mai mơ không hóa đơn chứng từ, trong đó có 10 thùng không có nhãn, ngày sản xuất và hạn sử dụng.

Lo lắng lớn nhất của người tiêu dùng trong dịp Tết là mua phải thực phẩm kém chất lượng, nấm mốc, tẩy date, gây nguy cơ ngộ độc và ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Chính vì vậy mà công tác thắt chặt kiểm tra ở biên giới và kiểm soát thị trường không thể lơi là.

Ông Trần Văn Hoàng, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch cửa khẩu Kim Thành, Lào Cai: “Năm ngoái, qua kiểm tra phát hiện một mẫu nho có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép. Nhưng khi có kết quả thì lô hàng đã lưu thông rồi”. Bất cập trong việc kiểm nghiệm thực phẩm tại cửa khẩu thời gian qua cho thấy, người tiêu dùng vẫn phải sử dụng thực phẩm không an toàn bởi lô hàng sau khi thông quan buộc phải cho lưu thông, còn kết quả kiểm nghiệm thì… chờ sau. (PV)

Trần Hằng – Xuân Mai
.
.
.