Mua vàng ngày 'vía thần tài' - cẩn thận kẻo mất tiền oan
Bà Dương Thị Thu, quê ở Thanh Hóa ấm ức kể: Theo người quen lên Hà Nội làm nghề giúp việc, cả năm tích cóp, đầu năm mới 2014, bà ra cửa hàng vàng đầu phố mua chiếc nhẫn 1 chỉ vàng. Giữa năm ngoái, khi cô con gái út ra trường, bà đã mang chiếc nhẫn đó đi bán lấy tiền cho con gái đi xin việc ở quê. Thế nhưng, chiếc nhẫn bà mua với giá 1 chỉ vàng 4 số 9, song khi bán lại, cửa hàng cho biết nhẫn của bà không đủ tuổi cũng như trọng lượng, nên giá trị bị mất tới gần 500 nghìn đồng.
Xếp hàng, chen chúc mua vàng Ngày Thần tài năm 2014. |
“Lúc đầu tôi còn cho rằng mình bị ép giá, chứ vàng nào mà chẳng là vàng. Nhưng đi mấy cửa hàng vàng ở Thanh Hóa họ đều nói giống nhau nên phải tin. Họ còn khuyên nên mang đến chỗ đã mua mà bán lại, nhưng chỗ đó lại ở Hà Nội, công mang lên bán quá tội. Hơn nữa, cũng chẳng có hóa đơn, giấy tờ gì, thì mang đến đó, sợ vẫn bị ép giá nên tôi đành chấp nhận bán rẻ”, bà Thu kể.
Bà Thu không phải là trường hợp duy nhất gặp phải tình cảnh trên. Trong truyền thống lâu đời của người Việt, dù người giàu hay người nghèo, người già hay người trẻ, việc có vài chỉ vàng “lận lưng”, “bỏ ống” luôn là mục tiêu phấn đấu. Thậm chí hàng năm, người Việt Nam còn có một ngày đặc biệt gọi là ngày Thần tài 10-1 (âm lịch).
Những ngày này, mọi người thường đổ xô đi mua vàng lấy may, số lượng người mua rất lớn, nhưng đa số, mỗi người chỉ mua 1 vài chỉ, và thường chọn nhẫn tròn trơn để mua: vừa đảm bảo giá trị vàng để có thể làm của để dành, vừa không bị mất quá nhiều tiền công chế tác, lại là đồ trang sức có thể đeo tay cả năm cho có lộc, đặc biệt là với những người mang mệnh Thủy (Kim sinh Thủy). Với đặc thù của thị trường vàng Việt Nam, từ khi vàng miếng “đi vào khuôn khổ”, chỉ có thương hiệu SJC mới được giao dịch trên thị trường, thì vàng nhẫn càng trở nên đắt khách do trọng lượng không quá lớn, phù hợp với túi tiền của nhiều người dân.
Tuy nhiên việc mua bán chiếc nhẫn tròn trơn lâu nay vẫn thường gặp nhiều trở ngại như: mua ở đâu phải bán ở đó, nếu bán nơi khác thường bị ép giá vì nhẫn tròn trơn gia công thường bị làm thiếu cân, thiếu tuổi, hao hụt trong quá trình vận chuyển và cất giữ. Nhẫn tròn trơn gia công, không ép vỉ trôi nổi trên thị trường do các cơ sở tư nhân sản xuất. Những cơ sở này thường nhỏ lẻ, không có đủ máy móc, công nghệ hiện đại, vì vậy không đo được chuẩn tuổi vàng, vàng thường bị pha tạp chất khác mà người ta thường gọi là vàng non hoặc vàng không đủ tuổi. Bên cạnh đó, vàng còn bị làm hao hụt không đủ trọng lượng như niêm yết.
Bởi vậy, mua nhẫn tròn trơn không ép vỉ, không có thương hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, người tiêu dùng thường bị thiệt hại về kinh tế khi mua bán, thường là bị mua đắt so với giá trị thực và khi bán bị hao hụt tiền, thành ra bị thiệt hại 2 lần. Đấy là chưa kể, việc mua nhẫn tròn trơn không ép vỉ trôi nổi trên thị trường rất dễ “dính” phải hàng giả, hàng kém chất lượng, gây thiệt hại về kinh tế và mất niềm tin khi lựa chọn giải pháp tích trữ bằng kim loại quý.
Trao đổi với Báo CAND về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam cho biết, đúng là hiện nay trên thị trường vàng có hiện tượng một số cửa hàng vàng nhỏ lẻ tự sản xuất nhẫn tròn trơn để bán. Đặc điểm dễ nhận thấy của loại nhẫn này là không có thương hiệu, không ép vỉ. Vì sự “không mang danh tính” này mà một số cửa hàng làm ăn chụp giật đã chế tác nhẫn không đủ tuổi vàng và thiếu trọng lượng.
“Thường thì khách hàng không thể đủ trình độ cũng như máy móc để có thể kiểm định chất lượng và trọng lượng của vàng. Bởi vậy, khách hàng nên chọn những doanh nghiệp vàng có uy tín mà mua, vừa tiện lợi, lại đảm bảo. Thực tế thì những sản phẩm nhẫn tròn trơn ép vỉ có giá cao hơn so với giá bán của nhẫn tròn trơn bán trôi nổi, nhưng tiền nào của nấy. Khi người dân đều biết lựa chọn sản phẩm có uy tín, có thương hiệu, tức là họ tự bảo vệ quyền lợi của mình, và thị trường vàng cũng sẽ có cơ hội thanh lọc, đào thải những cửa hàng làm ăn chụp giật, sản xuất sản phẩm kém chất lượng”, ông Trúc khuyến cáo.
Trên thị trường vàng hiện nay, số doanh nghiệp có uy tín sản xuất vàng nhẫn và các sản phẩm cho ngày Thần tài không ít. Có thể điểm danh các doanh nghiệp lớn như SJC, PNJ, Doji… Năm nay, đón ngày Thần tài, SJC cho ra mắt sản phẩm tượng vàng 12 con giáp, đỉnh vàng, kim bài…, Bảo Tín Minh Châu có bộ quà tặng linh vật “Dê vàng may mắn” và bộ sưu tập đồng tiền vàng Tài Lộc 12 con giáp từ 0,5- 2 chỉ.
Ngoài ra, các DN cũng chuẩn bị sẵn sàng một lượng nhẫn tròn trơn lớn để tránh trường hợp “cháy” hàng như các năm trước. Theo thống kê từ các cửa hàng vàng, ngày 10-1 âm lịch năm 2014, tại “phố vàng” Trần Nhân Tông, từng dòng người dài đã phải xếp hàng tràn ra đường chỉ để mua một vài chỉ vàng lấy may. Nhiều cửa hàng rơi vào cảnh “cháy” vàng, phải phát tích kê hẹn trả vàng sau cho khách. Tại công ty vàng bạc Tại Phú Quý, sức mua tăng gấp 3 lần. Còn PNJ sức mua cũng vượt xa dự đoán với 5.700 lượng vàng trong ngày Thần tài năm 2014...