Nâng thuế TNCN lên 9 triệu: Cần tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế

Thứ Ba, 27/11/2012, 09:04
Ngày 22/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với nội dung đáng chú ý đó là “nâng mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế lên 9 triệu và nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc lên 3,6 triệu đồng/tháng”, thực hiện từ 1/7/2013.

Theo quy định mới, mức khởi điểm chịu thuế đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Như vậy, nếu có 1 người phụ thuộc thì thu nhập trên 12,6 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế; có 2 người phụ thuộc thì thu nhập trên 16,2 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế. Theo phân tích của Chính phủ, với việc nâng mức giảm trừ gia cảnh này, sẽ có khoảng 2,8 triệu người nộp thuế TNCN ở bậc 1 hiện nay sẽ thuộc diện không phải nộp thuế. 72% số người đang nộp ở bậc 2 sẽ được chuyển sang nộp thuế ở bậc 1. Sau khi áp dụng các mức giảm trừ trên, số thuế thu được sẽ giảm so với hiện nay khoảng 5.200 tỷ đồng năm 2013 và 13.500 tỷ đồng năm 2014.

Ảnh minh họa: Thiện Hoàng.

Về hiệu lực thi hành, UBTV Quốc hội cho rằng thời điểm áp dụng từ 1/7/2013 là phù hợp, bởi trong bối cảnh khai thác nguồn thu còn khó khăn, nếu áp dụng luật từ đầu năm sẽ giảm thu NSNN thêm khoảng 6.000 tỷ đồng so với phương án áp dụng Luật từ 1/7/2013. Mặt khác, Quốc hội đã thông qua Dự toán NSNN năm 2013, trong trường hợp giảm thu thêm sẽ không có nguồn bù đắp. Ngoài ra, Luật cũng quy định trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình UBTV Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá tiêu dùng để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Phản hồi về mức chịu thuế mới này, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh phân tích: người dân phải có mức thu nhập đủ sống trước đã rồi mới đóng thuế là hợp lý. Vì vậy, việc tăng các mức giảm trừ gia cảnh là sát với thực tế thu nhập hiện nay của người dân hơn.

Ảnh minh họa: Thiện Hoàng.

Đại biểu Quốc hội Lê Công Vĩnh, tỉnh Long An cho rằng đối với chi tiêu cá nhân, tuy chưa có điều tra cũng như công bố chính thức, nhưng theo ước toán, chi tiêu cho mỗi cá nhân tại các thành phố hiện vào khoảng 7-8 triệu đồng/tháng, chưa kể giải trí. Việc đưa ra mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân 9 triệu đồng có thể chấp nhận được, vừa giúp khoan sức dân vừa góp phần kích cầu tiêu dùng. Đại biểu Quốc hội Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP Hồ Chí Minh thì tính toán: mức khởi điểm chịu thuế 9 triệu đồng/người/tháng là hợp lý bởi một người công nhân thâm niên 10 năm cộng với làm tăng ca thì mới phải đóng thuế.

Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm cho rằng mức điều chỉnh 9 triệu đồng cho người nộp và 3,6 triệu cho người phụ thuộc là hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay nhiều khoản thu nhập được giấu và không được kiểm soát. Có lẽ đây chính là vấn đề nan giải của việc thu thuế TNCN. Bộ Tài chính cho biết với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng như đang áp dụng hiện nay, có khoảng 3,6 triệu người làm công ăn lương sẽ phải nộp thuế. Song, con số này đã phản ánh thực tế hiện trạng thu nhập hay chưa thì còn phải bàn khi vẫn có tình trạng người thu nhập cao đang trốn thuế, còn hầu hết số người nộp thuế đều chủ yếu rơi vào nhóm công chức nhà nước, doanh nghiệp. Điều này cũng một phần xuất phát từ tập quán tiêu dùng tiền mặt của nước ta và một phần từ chính cơ quan thuế.

Một vấn đề khác cũng đáng đặt ra đó là hầu hết hiện nay, nhiều người có thu nhập trong diện chịu thuế không hề biết cách tính toán số thuế mà mình phải nộp sau khi giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Tất nhiên, mỗi cơ quan, đơn vị đều có bộ phận kế toán tính toán và khấu trừ vào thu nhập của người lao động, song chính người lao động cần phải biết được quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Ngoài ra, các thủ tục để xin được giảm trừ gia cảnh, hay thủ tục hoàn thuế cũng là cả vấn đề nan giải, điều này đặc biệt khó đối với thu nhập vãng lai.

Về điều này, chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Tú khẳng định có một bộ phận không nhỏ đang trốn thuế TNCN mà ngành Thuế không thể kiểm soát được. Ngược lại, nhiều người nộp thuế lại đang bị “oan” khi bị khấu trừ vào thu nhập vãng lai. “Riêng về vấn đề hoàn thuế đối với thu nhập vãng lai, đây là vấn đề thực sự phức tạp vì người nộp thuế gặp khó khăn trong việc làm thủ tục xin hoàn, nên nhiều người chấp nhận bỏ qua, dù quyền lợi của mình được hưởng. Chính sự khó khăn này, dẫn đến cơ quan, đơn vị khi chi trả các khoản thu nhập vãng lai cũng dễ thỏa hiệp, không khấu trừ thuế để giữ mối quan hệ với người lao động. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải đẩy mạnh tiêu dùng qua tài khoản, bởi vì một xã hội tiêu dùng bằng tiền mặt như hiện nay thì sẽ không thể kiểm soát được”, ông Tú góp ý.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, nhà ở Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết: anh có một ngôi nhà 5 tầng cho thuê với mức giá 40 triệu đồng/tháng. Vốn là người hiểu, tôn trọng pháp luật nên anh đã chủ động đến cơ quan thuế để hỏi các thủ tục, cũng như cách làm hồ sơ để được nộp thuế. Tuy nhiên, trái với sự nhiệt tình của anh, những cán bộ thuế ở đây lấy nhiều lý do để không tiếp, không giải thích cho anh các thủ tục, cũng như quyền lợi và nghĩa vụ khi nộp thuế. Sau vài lần bị “đá bóng” từ người này sang người khác, anh chán nản. “Ngay cả người tự giác nộp thuế cũng không được hướng dẫn cụ thể để thực hiện, thì với những người không tự giác, họ thiếu gì cách để trốn thuế. Tôi nghĩ ngành Thuế cần phải chấn chỉnh cách làm việc của mình, cần có hướng dẫn cụ thể, đơn giản hóa các thủ tục, tạo cơ chế thông thoáng thì người dân mới tự giác nộp thuế”, anh Tuấn góp ý.

Hà An
.
.
.