Năng lực tài chính của doanh nghiệp đang suy giảm

Thứ Tư, 09/04/2014, 12:44
Ngày 8/4, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức Lễ công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp (DN) Việt Nam năm 2013 với chủ đề “Phát triển doanh nghiệp và chất lượng tăng trưởng”.

Theo cảm nhận của đại bộ phận DN tham gia khảo sát, mặc dù hầu hết các yếu tố tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh năm 2013 đều có xu thế cải thiện rõ rệt song năng lực tài chính, khả năng tiếp cận vốn của DN vẫn còn yếu cả về quy mô và chất lượng.

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, kết quả Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2013 cho thấy, các chỉ số thành phần tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của DN trong năm 2013 đạt 17 điểm, cao hơn rất nhiều so với 6 điểm của năm 2012. Trong đó, các yếu tố như nhu cầu thị trường trong nước, tiếp cận thị trường công nghệ, điều kiện hạ tầng giao thông và yếu tố về cấp đất, giải phóng mặt bằng mở rộng sản xuất; điều hành chính sách vĩ mô và tiếp cận vốn... đều có những bước cải thiện đáng kể. Đánh giá về chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, báo cáo khẳng định: Môi trường chính sách và điều hành vĩ mô trong năm 2013 được cải thiện đáng kể so với năm 2012. Sự cải thiện này đặc biệt được nhấn mạnh ở chỉ số tổng thể môi trường pháp lý và kinh tế vĩ mô trong năm 2013.

Đây là kết quả tổng hợp từ sự cải thiện của từng yếu tố thành phần như: Chất lượng của quy định pháp lý, hiệu lực thực thi chính sách, thủ tục hành chính liên quan tới doanh nghiệp, sự cải thiện trong thái độ và ý thức trách nhiệm của cán bộ công quyền, sự ổn định của môi trường pháp lý và điều hành kinh tế. Về chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn cho DN, báo cáo cũng chỉ ra rằng, trong năm 2013, có khoảng 65,2% DN trong diện điều tra có nhu cầu vay vốn ngân hàng (NH), trong khi tỷ lệ này năm 2012 là 57,3%.

Như vậy, nhu cầu vay vốn NH của DN có xu hướng tăng cao so với năm 2012. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nghịch lý trong chính sách tiếp cận vốn, đó là trong năm 2013, dù lãi suất NH đã giảm mạnh nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng không được cải thiện nhiều, DN cần vốn vẫn không thể tiếp cận được vốn. Nguyên nhân chính được NH đưa ra chủ yếu là do các DN không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn theo quy định. Một trong những điều kiện đó là phải có tài sản thế chấp.

Bên cạnh những tín hiệu lạc quan trên, báo cáo cũng chỉ ra sự suy giảm về năng lực tài chính của DN khi mà tỷ lệ DN kinh doanh thua lỗ trong giai đoạn 2012 tuy có giảm so với trước đó, song vẫn còn ở mức cao với gần 30%. Tương tự, chỉ số nợ của trung bình DN mặc dù đã giảm từ 5 lần xuống còn khoảng 2 lần năm 2013 song chỉ số nợ của DN Nhà nước vẫn còn cao, ở mức 3 lần, cao hơn so với khối DN ngoài nhà nước do khả năng tiếp cận vốn dễ nhưng hiệu quả kinh doanh lại thấp. Sức cạnh tranh của DN Việt Nam cũng phục hồi chậm, nhiều đơn vị gặp khó khăn.

Đáng lo ngại là quy mô DN đang có xu hướng nhỏ đi, năng suất lao động tăng chậm so với các nước. Số liệu từ báo cáo cho thấy, xu hướng quy mô DN Việt Nam đang ngày càng nhỏ đi. Nói cách khác, Việt Nam đang thiếu nhiều DN có quy mô trung bình. Trong khi đó, số lượng DN hộ kinh doanh cá thể tăng khá mạnh. Năm 2007, số lượng hộ kinh doanh cá thể là 3,8 triệu hộ nhưng năm 2012 đã tăng lên 4,6 triệu hộ. “Đây là xu thế cần phải được cải thiện, nếu không, Việt Nam sẽ không có DN đủ lớn để tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh” - bà Victoria Kwakwa - Giám đốc WB tại Việt Nam khuyến nghị

Huyền Thanh
.
.
.